Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chuyện chưa kể về bức thư tuyệt mệnh của liệt sỹ Thành cổ
Lương Ngọc An - 01/05/2015 07:10
 
Khi chiến tranh đã lùi xa vừa tròn 40 năm, khoảng thời gian vừa đủ cho một thế hệ sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong hoà bình, hạnh phúc, thì mảnh đất Quảng Trị vẫn còn ẩn giấu trong lòng nó biết bao bí ẩn mà đôi khi vì một cơ duyên nào đó, với một ai đó, lại bất ngờ hé mở những câu chuyện vừa cảm động, vừa huyền bí đến lạnh người.

Bức thư tuyệt mệnh và những điều tiên cảm?

Đó là câu chuyện về bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, sinh viên năm thứ 4, Khoa Xây dựng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị từ những ngày đầu tháng 3/1973, viết cho gia đình vào tháng 9/1972. Bức thư hiện đã được trao lại cho Bảo tàng Thành cổ.

Ngày đó, tuy không trực tiếp đối mặt với kẻ thù, song sự ác liệt của chiến tranh được những người lính vận tải, trong đó có anh Huỳnh, đón nhận qua những trận bom hủy diệt hằng ngày của B52 và số chiến sỹ thương vong được chuyển ra ngoài hằng đêm không hề nhỏ. Trước những việc ấy, như một điều tiên cảm và bằng một sự bình tĩnh đến lạ lùng, Lê Văn Huỳnh đã âm thầm viết một bức thư cho mẹ, cho vợ, cho anh chị và cho cả đứa cháu trai bé bỏng chưa đầy tuổi của mình.

Bà Đặng Thị Xơ và bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết trước khi hy sinh. Ảnh: tư liệu
Bà Đặng Thị Xơ và bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết trước khi hy sinh. Ảnh: tư liệu

 

Bức thư chứa đựng những điều thiết tha nhưng cũng đầy khí phách mà 30 năm sau khi được công bố, di vật ấy vẫn còn thấy thấm thía hơn bao nhiêu trang sách đã viết, bao nhiêu điều đã bàn luận về chiến tranh... Xin được trích một đoạn trong bức thư ấy, phần viết cho chị Đặng Thị Xơ, vợ anh, người phụ nữ mới thực sự 7 ngày làm vợ và hơn 30 năm đằng đẵng chờ chồng:

 “... Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn. Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi...”

Sau khi anh Huỳnh hy sinh, bức thư vẫn còn nằm trong balô và được đồng đội chuyển về cho gia đình. Bao lâu nay, lá thư vẫn được chị Xơ đặt trên bàn thờ anh như một kỷ vật mà anh để lại. Mãi đến khi tìm được mộ anh, người ta mới biết được câu chuyện về lá thư này. Lạ kỳ thay khi những điều anh Huỳnh viết trước lúc hy sinh về sau đều đúng như một lời tiên tri. Điều khác duy nhất là ngôi mộ của anh sau này được tìm ra là một trong 3 ngôi mộ nằm ở thôn Thượng Phước, chứ không phải ở Nhan Biều 1 nằm kề đó.

Cuộc sống vốn có biết bao điều kỳ lạ, nhưng những điều kỳ lạ như trong bức thư của anh Huỳnh thì thực sự khó có thể nào giải thích được. Tất cả mọi lý giải hôm nay đều chỉ là phỏng đoán. Ngay cả việc ngôi mộ của anh được tìm thấy cũng như một cơ duyên...

Năm 1973, khi mặt trận đã im tiếng súng, bà Nguyễn Thị Ngân trở về làng cũ tại thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, một làng nhỏ ven bờ Bắc sông Thạch Hãn làm ăn. Thấy trong vườn nhà có 3 ngôi mộ liệt sĩ, có mộ chí khắc bằng tôn, bà Ngân cũng như bất kỳ người dân nào ở vùng này, đã dành công chăm sóc và khói hương chu đáo. Hoà bình lập lại, đã 2 lần địa phương đến quy tập những ngôi mộ đó về nghĩa trang của tỉnh, nhưng đều không tìm được hài cốt nên chuyện những ngôi mộ cũng dần dần bị quên lãng. Tuy vậy, như có điều gì đó mách bảo, bà Ngân vẫn gom 3 tấm mộ chí bằng tôn đó về một góc vườn để hương khói.

Rồi đến một ngày cuối năm 2002, chị Xơ và đồng đội tìm về, lần này thì họ đã tìm được anh, ngay chính tại nền đất mà bao lâu nay ai ai cũng đã tưởng rằng vô vọng... Có người giải thích chuyện này là do những thay đổi của nền đất tại khu vườn; nhưng cũng có người bảo đấy là anh vì đã hẹn nên cố “chờ” chị đến đón về...

Khi chúng tôi tìm về khu vườn của gia đình bà Ngân, nơi anh Huỳnh và hai người đồng đội của anh đã yên nghỉ suốt 30 năm trong lòng đất, thì việc quy tập hài cốt các anh đã hoàn tất từ lâu. Ông Nguyễn Hậu, con trai cụ Ngân, người mà sau này đã thay mẹ gìn giữ phần mộ của các anh, đã nói một câu giản dị mà chân thật đến bất ngờ: “Ở cái đất Quảng Trị này nơi mô mà chẳng có máu xương của anh em mình gửi lại. Tôi đã thấy nhiều người tuy không tìm được hài cốt con em mình, nhưng biết họ đã hy sinh tại đây, thịt xương đã tan vào trong đất, thì chỉ cần một nắm đất đem về thờ phụng cũng là mãn nguyện lắm rồi, huống chi vườn nhà mình còn cả mộ chí thì phải ráng mà giữ...”.

Điều này có lẽ chính anh Huỳnh cũng không ngờ tới, nhưng anh đã tiên cảm được, rằng anh sẽ bình yên an nghỉ trong lòng đất Việt Nam, giữa lòng người Việt Nam...

Bức thư và đứa con của những người lính

Vào dịp cuối năm 2000, trong quá trình thi công hệ thống cống thoát nước ở khu vực cổng phía Tây của Thành cổ, chủ đầu tư phát hiện ra đoạn cống tại đây cao hơn thiết kế một chút. Nếu xuề xoà thì vẫn có thể cho qua, song không hiểu vì sao khi mọi việc đã hoàn tất, bên thi công vẫn quyết định đào lên làm lại. Và đến khi khoét sâu thêm chỉ vài tấc đất, những người thợ đã phát hiện ra cả một căn hầm bị vùi lấp với 5 bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn. Họ đã nằm đó gần ba chục năm trời...

Trong số hài cốt vừa tìm được ấy, một bộ sau đó không lâu đã xác định được danh tính của liệt sỹ, căn cứ vào những di vật đi cùng. Anh là Lê Binh Chủng, thượng úy, phó chỉ huy chính trị của một tiểu đoàn chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, quê ở xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu - Nghệ An).

Những di vật ấy sau đó được trưng bày trang trọng trong một chiếc tủ kính đặt ở tầng 2 Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, bao gồm súng, đôi dép cao su, thắt lưng, cuốn nhật ký, lý lịch Đảng viên... và đặc biệt hơn cả là một bức thư gửi từ hậu phương đề ngày 15/5/1972... Tất cả những tài liệu này được gói kỹ trong bao nilon, nên mặc dù đã nằm trong lòng đất gần 30 năm, song nét mực vẫn chưa nhòe...

Việc tìm được những lá thư bên cạnh hài cốt liệt sỹ không phải là hiếm. Tuy nhiên, nói lá thư tìm thấy trong di vật của liệt sỹ Lê Binh Chủng là một điều đặc biệt, là bởi cũng chính từ lá thư này, bao nhiêu uẩn khúc được mở ra, để bắt đầu đoạn kết có hậu của một câu chuyện tình thời chiến. Lá thư được gửi đi từ Quảng Bình và người viết là chị Phan Thị Biển Khơi, vợ anh.

Những dòng đầu của bức thư ấy, chị viết:

“ Anh Binh Chủng thương yêu của mẹ con em.

Cầm bút biên thư cho anh trong lúc trên chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về nơi hậu phương làm cho mọi người dân cũng đầy sung sướng. Tự hào thay trong hàng ngũ những người chiến thắng ấy có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ...”

Năm 1968, chị Phan Thị Biển Khơi và anh Lê Binh Chủng cùng là bộ đội, công tác ở Phòng Quân nhu của Bộ tư lệnh B5, chiến trường Quảng Trị. Thời gian này, anh chị đã bắt đầu yêu thương nhau, một tình yêu thầm vụng. Năm 1970, anh Chủng được lệnh chuẩn bị xuống đơn vị chiến đấu. Lễ cưới thời chiến diễn ra gọn gàng, đơn giản ngay trên quê chị ở xã Đồng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Rồi anh vào chiến trường. Cuối năm ấy, chị sinh con trai đặt tên là Lê Trường An. Việc sinh con giữa lúc đạn bom ác liệt buộc chị phải chia tay đơn vị và rời chiến trường. Trong thời gian này, chị cũng đã tìm về quê anh, song khi nhận thấy có chút nghi ngại trong gia đình, chị đã trở lại quê mình làm lụng nuôi con, hy vọng một ngày anh trở về thì mọi khúc mắc sẽ được cởi bỏ.

Nhưng rồi anh đi mãi. Cu An sống cùng mẹ trong cảnh mồ côi và thiếu vắng tình thương của ông bà nội... Đến năm 1975, chị Khơi đi bước nữa. Chồng chị, anh Hoàng Hữu Trạch, cũng là một người lính và rất thương yêu An. Chồng chị thường nói với mọi người: “Nó là con của đồng đội, nên cũng như là con đẻ của mình vậy”...

Bà Biển Khơi năm nay đã là một bà lão gần 70 tuổi, đang sống tại phường Bắc Lý, thị xã Đồng Hới, Quảng Bình. Di chứng của chiến tranh từ những trận sốt rét rừng ác tính và một thời gian dài chịu đựng sức ép của bom B52 trong chiến trường đã khiến cho sức khoẻ của bà không được tốt. Thế nhưng, ấn tượng về mối tình đầu trong sáng, đẹp đẽ, nhưng đầy gian nan kia vẫn không hề phai nhạt. Ngày thấy lại bức thư do chính tay mình đã viết hơn ba chục năm về trước, bà đã vô cùng xúc động vì đâu có ngờ rằng, ngày ấy nó đã đến được tay anh và lại càng không thể ngờ rằng anh đã gìn giữ nó bên mình cho đến tận... hôm nay...

Đến bây giờ, thì An đã có hai người bố; cả hai đều đáng tự hào. Ngày tìm được hài cốt anh Chủng, An đã là một thanh niên 30 tuổi, vừa bằng khoảng thời gian bức thư của mẹ anh nằm lặng im trong lòng đất cùng với thi thể của cha anh. Đọc những dòng thư, những trang nhật ký tưởng như đã vĩnh viễn lặng câm như một điều bí mật bị chôn vùi, mọi người hiểu ra tất cả. Vậy là cho đến phút cuối cùng trước lúc ra đi, cái mà người lính chiu chắt lại cho cuộc đời không phải chỉ là niềm tin, là lý tưởng, mà còn là chút hạnh phúc, thanh thản cho những người thân yêu đang tiếp tục sống trên đời...

Khánh thành Đền thờ các anh hùng liệt sỹ Truông Bồn
Sáng nay (14/07), tại xã  Mỹ Sơn (huyện Đô Lương – Nghệ An) đã diễn ra Lễ khánh thành Đền thờ các anh hùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư