Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Chuyển đổi số và cuộc đua sinh tử của doanh nghiệp Việt
Nguyên Đức - 14/09/2017 07:15
 
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt các doanh nghiệp (DN) vào một cuộc đua sinh tử. Nếu chậm chân và không kịp thời chuyển đổi, họ sẽ đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của mình trong tương lai.
Số hóa sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh trong cuộc cách mạng 4.0.
Số hóa sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh trong cuộc cách mạng 4.0.

Chuyển đổi số, xu hướng không thể đi ngược

Một câu chuyện đã được ông Sunil Singh, Giám đốc Công nghệ thông tin Coca-Cola kể lại. Đó là vào những năm 2008 - 2009, phong trào công nghệ kỹ thuật số ở Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, nhưng Coca-Cola lại vẫn lựa chọn bán hàng theo phương thức truyền thống: khách hàng đặt mua, đem về để tủ lạnh bán dần.

Khi các ứng dụng số hóa len lỏi vào nền kinh tế Trung Quốc và đặc biệt khi Alibaba xuất hiện, Coca-Cola cũng đã tìm cách bán hàng trực tuyến. Nhưng suốt 5 năm, Coca-Coca đi đến các cửa hàng và làm mọi thứ mà không nhận được đơn hàng trực tuyến nào.

“Đó là vì chúng tôi thiếu quá nhiều công cụ ứng dụng, thiếu kênh tập hợp đơn hàng trực tuyến hiệu quả”, ông Sunil Singh kể. Ông Sunil Singh cũng thừa nhận rằng, Coca-Cola đã phải trả giá đắt vì điều đó.8 năm đeo đuổi ở thị trường Trung Quốc, Coca-Coca không bán được hàng như mong muốn.

.
.

Tất nhiên, mọi chuyện bây giờ đã khác, bởi Coca-Cola đã nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình và thay đổi. Họ đã lựa chọn đổi mới kỹ thuật số là một ưu tiên chiến lược để chiến thắng trên thị trường. “Đây là bài học mà Coca-Cola đúc rút ra, hãy tự động hóa quy trình của mình càng sớm càng tốt”, ông Sunil Singh nhấn mạnh và cảnh báo, những gì đã xảy ra ở Trung Quốc thì cũng có thể diễn ra ở Việt Nam. Bởi thế, các DN Việt Nam đừng lặp lại vết xe đổ của Coca-Cola.

10 năm trước, không ai có thể ngờ Uber - một start-up không hề sở hữu chiếc xe nào, mà chỉ dựa vào nền tảng công nghệ, lại có thể “đánh bạt” các hãng taxi truyền thống.

“Hãy tự động hóa quy trình càng sớm càng tốt, đặc biệt là những DN lớn đang thành công”, ông Sunil Singh nói.

Thực ra, đó không chỉ là lời cảnh báo đối với riêng DN Việt Nam. Bởi lẽ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) - mà như lời của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, là “chưa từng có và sẽ biến đối toàn nhân loại”, với công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT)..., đã đặt tất cả DN trên toàn cầu vào một cuộc đua khốc liệt. Trong cuộc đua này, theo số liệu thống kê gần đây, các công ty bậc thầy về công nghệ sẽ vượt trội hơn 9% so với các DN khác về doanh thu, 26% về khả năng thu lợi và 12% về giá trị thị trường.

Cuộc đua khốc liệt đến mức, theo kết quả một cuộc khảo sát, vòng đời của một công ty được sử dụng để tính toán ra Chỉ số S&P 500 cũng đã rút ngắn từ hơn 50 năm trong thế kỷ trước xuống còn 15 năm ở thời điểm hiện tại. Và sẽ có 4/10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để bứt phá, kiểu như Uber.

Có lẽ, chỉ 10 năm trước, không ai có thể ngờ Uber - một start-up không hề sở hữu chiếc xe nào, mà chỉ dựa vào nền tảng công nghệ, lại có thể “đánh bạt” các hãng taxi truyền thống, và được định giá tới 68 tỷ USD chỉ sau 8 năm phát triển. Uber mạnh đến nỗi, ngay tại Việt Nam, một số hãng taxi truyền thống cũng đã học họ áp dụng công nghệ để khách hàng đặt xe. Chính Honda đã tuyên bố hợp tác với Grab, một đối thủ của Uber, để phát triển công nghệ đi xe chung…

“Uber là minh chứng rõ nét về một mô hình kinh doanh mới ra đời theo sự tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số, xu hướng không thể cưỡng lại được trong bối cảnh hiện nay. DN dù ở quy mô nào, nếu không có sự thay đổi và nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ, sẽ khó sinh tồn và phát triển”, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn FPT bình luận.

Cuộc đua sinh tử

Vẫn lại là một câu chuyện về Coca-Cola. Ngày 22/8/2017, Coca-Cola đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với FPT trong giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, FPT sẽ tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp số hóa phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất của Coca-Cola Việt Nam.

“Số hóa các hoạt động vận hành nhà máy và kinh doanh là một trong những ưu tiên của Coca-Cola trong tiến trình xây dựng nhà máy thông minh”, bà Tiffani Sassei, Giám đốc Công nghệ thông tin của Coca-Cola toàn cầu nói.

Thực tế, không chỉ Coca-Cola, mà nhiều DN Việt Nam cũng đã rục rịch cho chuyển đổi số. Một ví dụ là công ty thương mại điện tử Shopee. “Thương mại điện tử là ngành phải xử lý rất nhiều dữ liệu người dùng, vì thế Shopee phải xây dựng hệ thống phân tích sâu để đánh giá thị trường dựa trên Big Data. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch ứng dụng Big Data và Machine Learning (phương pháp phân tích dữ liệu được tự động hóa việc xây dựng mô hình phân tích) vào việc kiểm soát gian lận, chống hàng giả”, ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc điều hành Shopee chia sẻ.

Trong khi đó, “ông lớn” Vinamilk chuyển đổi số bằng cách đầu tư 2.400 tỷ đồng để tự động hóa các khâu sản xuất. Tập đoàn TH lựa chọn đầu tư hàng trăm ngàn USD cho một chiếc máy cắt cỏ tự động, có thể thay thế cho sức làm việc của 800 người…

Còn FPT, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, thậm chí sẽ thực hiện chuyển đổi số ở cả “ba mũi giáp công”.

Đầu tiên là chuyển đổi số trong chính các hoạt động kinh doanh, quản trị của mình, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của toàn Tập đoàn.

Thứ hai, FPT sẽ cùng làm việc với những tên tuổi lớn trên thế giới như Amazon Web Services, Siemens, General Electric, Microsoft… để tiên phong triển khai các giải pháp, dịch vụ công nghệ dựa trên các nền tảng công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng số cho các khách hàng tại Nhật, Mỹ, châu Âu…, cũng như hỗ trợ DN Việt chuyển đổi số nhanh chóng và hiệu quả. Điều này bước đầu đã được chứng minh trong thực tế, khi mà dựa trên các nền tảng IoT, Big Data, ChatBox, trí tuệ nhân tạo... FPT đã cung cấp các giải pháp giao thông thông minh ở TP.HCM, ở đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai…, cũng như hỗ trợ các đơn vị thành viên như FPT Telecom, FPT Retail, FPT Play, VnExpress... chuyển đổi số hiệu quả.

Thứ ba, FPT sẽ đầu tư, ươm mầm những mô hình kinh doanh mới từ việc ứng dụng công nghệ. Sự ra mắt của ANTS và CyRadar, thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Khuyến khích khởi nghiệp Việt Nam chính là bước đi táo bạo cho cách tiếp cận này.

Thực tế, không phải đến bây giờ, mà từ 7 năm trước, FPT đã bắt đầu và nỗ lực với “cuộc chơi” S.M.A.C (dựa trên 4 xu hướng hiện đại là xã hội - S, di động - M, phân tích dữ liệu - A và đám mây - C) và IoT. Nhờ vậy, doanh thu từ lĩnh vực này của FPT đã không ngừng tăng qua từng năm. Nếu năm 2014, doanh thu chỉ là 628 tỷ đồng, thì năm 2015 đã tăng lên 1.093 tỷ đồng, năm 2016 là 2.197 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm nay đạt 1.343 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực này của FPT đã lên tới 3 con số (144%) trong năm ngoái.

“Chúng tôi sẽ trở thành nhà tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, đồng thời hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới để hỗ trợ không chỉ DN Việt Nam thực hiện chuyển đổi số”, ông Việt khẳng định.

Thách thức còn ở phía trước

Kết quả cuộc khảo sát do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) thực hiện và công bố tại Diễn đàn ICT Summit 2017 cho thấy, có 35,2% DN được hỏi cho biết đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0. Có tới 70% cho rằng, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế là giải pháp quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Kết quả khảo sát này cho thấy, các DN đã hiểu rõ vai trò sống còn của chuyển đổi số. Nhưng thực hiện chuyển đổi số như thế nào lại không hề đơn giản. Theo ông Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học - Công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST), chuyển đổi số, tự động hóa sẽ đỏi hỏi lực lượng lao động phải theo kịp cách mạng công nghiệp 4.0. “Nhà nước cần thu hút nhân tài trong công nghệ số, thay đổi mục tiêu, cách thức đào tạo”, ông Bảo nói.

Có cùng quan điểm, ông Trương Gia Bình, người đồng thời là Chủ tịch VINASA cho rằng, thách thức lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi số là chất lượng nguồn nhân lực. “Thách thức lúc này là các kỹ sư Việt Nam phải sẵn lòng học cái mới để đáp ứng nhu cầu vô cùng lớn trong tương lai. Tương lai cần một người biết nhiều việc, đẻ ra trăm việc”, ông Bình nói.

Thách thức trong chuyển đổi số, theo các chuyên gia, còn ở việc phải xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia thật mạnh, hoàn thiện và đồng bộ; xử lý các vấn đề như dư thừa nhân lực khi máy móc thay thế con người; năng lực tài chính của DN đến đâu... Và để chuyển đổi số thành công, cũng cần một chiến lược chuyển đổi số quốc gia phù hợp.

Chỉ khi những thách thức trên được hóa giải, thì chuyển đổi số mới có thể thực hiện thành công, đưa các DN, cũng như nền kinh tế Việt Nam chuyển sang một bước phát triển mới và tận dụng được cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng: "Hãy bắt đầu cuộc cách mạng 4.0 ngay tại hội trường này"
Tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017 diễn ra ngày 6/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel chia sẻ rằng, mỗi một cá nhân, mỗi doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư