Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Chuyện lương thưởng cho CEO và nỗi lòng của cổ đông
 
Cùng với kế hoạch ESOP khủng, quỹ thù lao năm 2016 dành cho HĐQT và Ban kiểm soát của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) cũng được đề xuất tăng gấp đôi so với các năm trước, lên mức 15 tỷ đồng. Câu chuyện lương thưởng của các doanh nghiệp hàng đầu luôn là chủ đề được cổ đông và giới đầu tư quan tâm.

Lương thưởng của lãnh đạo VNM, FPT

Báo cáo thường niên của VNM năm 2014 và 2015 chỉ ghi tỷ lệ % về lương thưởng, thù lao của các thành viên HĐQT. Đơn cử, trong cơ cấu thu nhập năm 2015 của bà Mai Kiều Liên, thành viên HĐQT kiêm CEO VNM, lương chiếm 26%, thưởng chiếm 73%, thù lao 1%. Trong cơ cấu thu nhập của bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch VNM (bà Tâm không tham gia điều hành), thưởng chiếm 52%, thù lao chiếm 48%.

Thù lao cho HĐQT VNM năm 2015 theo phê duyệt của ĐHCĐ là 4,8 tỷ đồng. Thù lao cho Ban kiểm soát được ĐHCĐ 2015 thông qua là 2,18 tỷ đồng và số tiền chi trả cho từng thành viên được công bố chi tiết, trong đó ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban được 576 triệu đồng, các thành viên khác được trả khoảng 480 triệu đồng.

8 thành viên Ban điều hành VNM có quỹ lương và thưởng gần 52 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi thành viên được hưởng 6,5 tỷ đồng/năm.

Trong tờ trình của HĐQT VNM tại ĐHCĐ thường niên 2016 tới đây có đề cập, thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát đã giữ trong suốt 3 năm qua, trong khi quy mô của Công ty tăng mạnh, vì thế năm 2016, HĐQT Công ty đề xuất quỹ thù lao tăng lên 15 tỷ đồng (gấp đôi so với năm trước - PV).

Cần lưu ý là với các thành viên HĐQT điều hành tại VNM, thù lao chỉ là khoản rất nhỏ. Số liệu của VNM công bố trong báo cáo thường niên năm 2012 cho thấy, chi phí lương thưởng của Công ty tăng hàng năm. Chẳng hạn, năm 2011, tiền lương và thưởng của thành viên HĐQT và Ban điều hành là 46 tỷ đồng; năm 2012 là 56 tỷ đồng, trong số các thành viên HĐQT, bà Mai Kiều Liên hưởng thù lao tháng là 120 triệu đồng, ngoài ra có thù lao chủ tịch, trưởng ban, thù lao tiểu ban, thù lao trưởng tiểu ban, cộng cả khoản thưởng 342 triệu đồng, tính cả năm, thù lao tham gia HĐQT của bà là 777 triệu đồng.

Báo cáo này cũng tiết lộ, mỗi cuộc họp HĐQT của VNM đều có thù lao. Chẳng hạn, năm 2012, HĐQT VNM có 4 cuộc họp, tham dự mỗi cuộc họp, một thành viên được hưởng thù lao 15 triệu đồng, nếu tham dự cả 4 cuộc họp, thù lao một người được hưởng là 60 triệu đồng. Tiền lương và thưởng của thành viên HĐQT và Ban điều hành VNM năm 2012 là 56 tỷ đồng.

Nếu trừ đi thù lao của HĐQT là 3,741 tỷ đồng, thì 8 thành viên Ban điều hành có quỹ lương và thưởng gần 52 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi thành viên được hưởng 6,5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh thù lao, lương thưởng, các lãnh đạo của VNM còn được hưởng lợi từ chương trình phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong DN.

Lương thưởng là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng tới năng suất lao động và hiệu quả làm việc
Lương thưởng là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng tới năng suất lao động và hiệu quả làm việc

FPT cũng có cách chi trả thu nhập khá đặc biệt, đó là gắn với thưởng. Theo đó, thành viên HĐQT điều hành, mức lương 10,7 triệu đồng/tháng nhưng thực chi năm 2015 là 9,2 triệu đồng/tháng; khoản thu nhập quan trọng với họ chính là thưởng 0,44% lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế của FPT năm 2015 đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, nên khoản thưởng dành cho các thành viên HĐQT tham gia điều hành vào khoảng trên 11 tỷ đồng.

Báo cáo thường niên 2015 của FPT cho thấy, trong cơ cấu thu nhập của Chủ tịch Trương Gia Bình, lương chiếm 43%, thưởng chiếm 57%, thù lao không có. Trong cơ cấu thu nhập của Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc, lương chiếm 39%, thưởng chiếm 61%.

Các thành viên HĐQT khác như ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và ông Jean Charles Belliol, đại diện cho Quỹ Red River Holding có thù lao 20 triệu đồng/tháng; hai thành viên HĐQT độc lập là ông Tomokazu và ông Dan Ekhoo có thù lao mỗi người 187 triệu đồng/tháng; các thành viên HĐQT không điều hành không có lương, thưởng.

Quỹ thù lao Ban kiểm soát của FPT trong năm 2015 là 710 triệu đồng, trong đó ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng ban được trả 252 triệu đồng, các ủy viên được 166 triệu đồng/người/năm. 

Át chủ bài: kết quả kinh doanh

Không có một công cụ nào dùng để cân đo, xây dựng chính sách lương thưởng phù hợp với mọi doanh nghiệp, trong khi đó, đây luôn là chủ đề được các cổ đông quan tâm hàng đầu, bởi nó gắn với quyền lợi của cổ đông và hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất tại ĐHCĐ của các doanh nghiệp.

Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, khi xem xét bỏ phiếu về các đề xuất lương thưởng trong doanh nghiệp, yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất với họ là kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đạt kết quả tốt, chi trả cổ tức nhiều, dù đề xuất quỹ lương thưởng rất cao, cổ đông vẫn thường gật đầu. Với những nhà đầu tư tổ chức này, họ còn chú ý đến yếu tố, HĐQT và Ban điều hành công ty có thực sự làm việc vì quyền lợi doanh nghiệp và cổ đông hay không.

Tại ĐHCĐ của Tổng công ty Vinaconex trước đây, nhiều cổ đông đã phản đối đề xuất chi thưởng cho HĐQT và Ban điều hành doanh nghiệp dựa trên doanh thu. Theo quan điểm của một nhà đầu tư tổ chức, nếu có thưởng, nhất thiết phải tính trên lợi nhuận, như vậy mới tạo áp lực để lãnh đạo doanh nghiệp kiểm soát chi phí. “Nếu tính trên doanh thu, doanh nghiệp lỗ thì ban lãnh đạo vẫn được chia thưởng sao?”, cổ đông bức xúc đặt câu hỏi.

Ở một số doanh nghiệp, cổ đông lại tỏ ra lo lắng khi nhìn thấy quỹ thù lao, lương thưởng dành cho lãnh đạo công ty và người lao động thấp. Công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng mà lương cho CEO chỉ 30 triệu đồng/tháng. Họ e ngại rằng, nếu chi trả thấp như vậy, liệu CEO có toàn tâm, toàn ý vì công ty, liệu CEO có tham nhũng, trục lợi… Một cổ đông lớn đã chất vấn: “Lương thưởng thấp như vậy thì ai sẽ làm việc cho các ông? Chả trách tại sao công ty có tiềm năng mà lợi nhuận rất ì ạch”. 

Góc nhìn về quản trị lương thưởng

Theo nhiều chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, lương thưởng là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng tới năng suất lao động và hiệu quả làm việc, không chỉ là vấn đề của riêng các doanh nghiệp Việt Nam. Trong một báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs, họ cảnh báo rằng, trả thù lao xứng đáng là một vấn đề còn thiếu trong cải cách quản trị ở Nhật Bản. Trong báo cáo này, Goldman Sachs nhấn mạnh mức thưởng hiệu quả công việc còn thấp trong các công ty Nhật.

Atsushi Saito, nguyên CEO của Japan Exchange Group Inc. chia sẻ, các CEO Nhật không được trả xứng đáng. Không chỉ vậy, phần lớn thù lao của họ là lương cứng, trong khi thưởng theo hiệu quả công việc không đáng là bao.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp quan trọng, các CEO Nhật còn không dám ra quyết định vì sợ để tuột mất cơ hội giữ vai trò cố vấn cho công ty sau khi về hưu.

Lương CEO các công ty Nhật hiện nay bị giữ ở mức thấp một phần do các sếp thường được trả lương gần như trọn đời, bởi sau khi về hưu, họ tiếp tục giữ vị trí cố vấn cho công ty trong nhiều năm. Các CEO thường nghĩ “nếu mình thất bại, mình sẽ không được làm cố vấn và được hưởng lương trọn đời nữa”.

Hầu hết các CEO trong chỉ số Nikkei 225 nhận lương dưới 100 triệu Yên/năm, tương đương khoảng 840.000 USD/năm. Saito cho rằng, các công ty Nhật nên trả lương CEO ít nhất 200 triệu Yên mỗi năm để khuyến khích họ đưa ra những quyết định táo bạo hơn và cũng để thu hút được nhiều người giỏi hơn cho cương vị này. Giải pháp để các CEO Nhật làm việc tốt hơn, theo ông Saito là tăng thù lao cho họ, ràng buộc mức thưởng với diễn biến giá cổ phiếu và “chia tay” với họ một khi họ rời ghế CEO.

Lắm mối khối chuyện bực với... cổ tức
Đại chúng hóa công ty, đồng nghĩa với việc ban lãnh đạo sẽ phải chấp nhận chuyện “làm dâu trăm họ”. Trong đó, chia cổ tức là một trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư