Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chuyện một doanh nghiệp thương binh ở Nghệ An bị “đẩy ra đường”
Hoàng Hảo - 30/07/2016 09:21
 
Thật khó có thể tin rằng, ngay trong dịp kỷ niệm 69 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/07/1947 – 27/07/2016), một doanh nghiệp do những người thương binh thành lập tại Nghệ An lại bị đẩy ra đường, không còn chỗ làm việc…

Khát vọng cống hiến

Năm 1997, với khát vọng tiếp tục được cống hiến cho đất nước, cho xã hội và tạo công ăn việc làm cho con cháu, ông Nguyễn Quốc Hùng (thương binh 1/4) đã vận động 32 đồng đội là những người thương binh góp vốn làm kinh tế, họ thành lập nên Tổ hợp tác thương binh Tân Hùng tại xã Diễn Xuân (huyện Diễn Châu - Nghệ An). Nghề chính của Tổ hợp tác thương binh Tân Hùng là sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và chất đốt. Trải qua hơn 10 năm hoạt động hiệu quả và tích lũy được vốn liếng lên đến hàng chục tỷ đồng, năm 2011, Tổ hợp tác thương binh Tân Hùng chuyển đổi thành Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 Nghệ An.

Hưởng ứng lời kêu gọi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào đầu năm 2012, Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 với sự tham gia góp vốn của doanh nhân Trần Văn Hồng, Hội viên Hội doanh nghiệp TP.HCM đã đăng ký và được cấp giấy phép thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (vốn đăng ký 300 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai thì dự án gặp bế tắc, chính quyền và người dân xã Diễn Yên đồng tình ủng hộ, nhưng lại bị người dân xã Đức Thành (huyện Yên Thành), nơi giáp ranh với dự án phản đối vì sợ bị ảnh hưởng môi trường. Cuối cùng Công ty Môi trường xanh đã mất gần 2 tỷ đồng chi phí ban đầu nhưng buộc phải hủy bỏ dự án.

Theo sự gợi ý của UBND tỉnh Nghệ An, Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 chuyển địa điểm của dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải lên thị xã Thái Hòa, thế nhưng, sau một thời gian khảo sát chi phí mất thêm gần 1 tỷ đồng, cuối cùng dự án vẫn không thực hiện được.

Ban lanh dao Cong ty Moi truong xanh khong con van phong lam viec phai tiep chuyen phong vien o quan cafe via he.

Ban lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 không còn phòng làm việc phải tiếp chuyện phóng viên ở quán vỉa hè.

Cuối năm 2012, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đồng ý cho phép Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 ký hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An (do UBND tỉnh Nghệ An nắm gần 90% vốn điều lệ) đầu tư cải tạo nâng cấp Khách sạn Thương Mại tại địa chỉ số 19 đường Quang Trung – TP Vinh.

Theo hợp đồng, Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 được quyền quản lý, điều hành kinh doanh khách sạn trong thời gian 19 năm và có nghĩa vụ nộp khoán lợi nhuận cho Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An theo thỏa thuận. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 năm, lúc mà khách sạn bắt đầu thu hút được đông khách đến thuê dịch vụ và UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An thì những vấn đề mâu thuẫn giữa hai đối tác liên doanh bắt đầu nảy sinh. Đỉnh điểm là mới đây Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An đòi chấm dứt hợp đồng, khởi kiện ra tòa và tước quyền quản lý kinh doanh khách sạn của đối tác liên doanh.

Quang cảnh hôm diễn ra cưỡng chế khách sạn Sài Gòn Thương mại Ngệ An.
Quang cảnh hôm diễn ra cưỡng chế khách sạn Sài Gòn Thương mại Nghệ An.

Không những thế, mặc dù Tòa án nhân dân TP Vinh chưa xét xử để phân định đúng sai giữa hai bên, nhưng đã vội vàng ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 bàn giao quyền quản lý kinh doanh khách sạn lại cho Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An. Dựa vào quyết định này của Tòa án, ngày 28/6/2016, cơ quan thi hành án TP Vinh đã tiến hành cưỡng chế. Đặc biệt là Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An còn thuê cả lực lượng vệ sĩ, trong đó có một số đối tượng từng vào tù ra tội đến trấn áp đuổi hết người của Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 ra ngoài và niêm phong cả văn phòng làm việc của Công ty.

Vì sao có sự phũ phàng với một doanh nghiệp thương binh?

Theo đơn khởi kiện của Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An gửi Tòa án nhân dân TP Vinh, lý do họ đưa ra là Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 không chịu thanh toán các khoản nghĩa vụ như: nộp lợi nhuận khoán, tiền thuê đất và các khoản bảo hiểm cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 cho biết: “Chúng tôi bị họ gài bẫy. Lúc đầu họ gọi tôi lên ký vào bản công nợ, tôi nghĩ hai bên đang hợp tác tốt đẹp nên cứ ký vào và hẹn ngày thanh toán. Khi mang về, kế toán đưa ra đối chiếu mới vỡ lẽ nhiều khoản bên Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An tính gian lận nên con số công nợ cao hơn nhiều so với thực tế phải thanh toán. Bởi vậy, tôi yêu cầu đối chiếu để làm lại bản công nợ, nhưng Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An không chịu. Do đó, vấn đề tranh cãi cứ kéo dài chưa thanh toán được chứ không phải Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 không chịu thanh toán nghĩa vụ”.

Về tranh cãi xung quanh con số giá trị đầu tư mà Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 đã thực hiện, ông Hồng nói: “Công ty thẩm định giá là do Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An thuê nên họ cố tình làm thấp giá trị đến mức tối thiểu có thể, còn con số công nợ thì bị thổi lên mức tối đa, trong đó bất cứ khoản nợ nào họ cũng đưa vào tính lãi suất 18,25%/năm làm cho riêng khoản tiền lãi theo họ tính trong bản công nợ đã hơn 1 tỷ đồng. Nếu theo như những gì mà Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An đưa ra thì sau hơn 3 năm đổ tiền ra đầu tư, trong đó mất 2 năm xây dựng không kinh doanh được, Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 không những phải ra đi tay trắng, mà còn phải nộp thêm cho Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An hơn 2 tỷ đồng, điều đó thật vô lý!?”

Dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao ban lãnh đạo Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An lại cố tình đẩy một doanh nghiệp của những người thương binh ra đường ngay trước dịp kỷ niệm 69 năm ngày thương binh liệt sĩ như vậy? Câu trả lời đã khá rõ ràng khi ngày 30/06/2016 , UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ phần vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp này và 3 nhà đầu tư cá nhân (hiện chưa được tiết lộ danh tính) đã mua hết với mức “trúng giá” bằng giá khởi điểm. Như vậy, Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An hiện đã chính thức rơi hoàn toàn vào tay của các nhà đầu tư chưa tiết lộ danh tính.

Đáng lưu ý là trong bản báo cáo tài chính năm 2015 của Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An gửi lên UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Tài chính để báo cáo thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước, thì giá trị tài sản của doanh nghiệp này là 191,428 tỷ đồng, nhưng  khoản nợ lên đến gần 140 tỷ đồng; đặc biệt trong các phi vụ thương mại của Công ty, có hợp đồng “mất trắng” 10 tỷ đồng do việc buôn bán tinh bột sắn với đối tác Trung Quốc mà không nêu rõ lý do?

Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vẫn im lặng

Ngay sau khi bị cưỡng chế, tước quyền kinh doanh Khách sạn Sài Gòn  - Thương mại và văn phòng làm việc tại số 19 Quang Trung – TP Vinh bị niêm phong, Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 đã gửi đơn khẩn cấp lên các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cho rằng Quyết định của Tòa án nhân dân TP Vinh và việc làm của Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An trái với quy định của pháp luật. Thế nhưng, nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đến nay vẫn im lặng.

Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An làm thủ tục đề nghị công nhận doanh nghiệp thương binh để hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho các doanh nghiệp của thương binh và người tàn tật, nhưng bị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An từ chối. Lãnh đạo Sở còn bảo: “Các ông đang tranh chấp với Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An nên muốn dùng danh nghĩa doanh nghiệp thương binh để gây sức ép chứ gì?”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 bức xúc: “Công ty chúng tôi lúc mới thành lập có 32 cổ đông đều là thương binh, hiện nay một số người già yếu nên đã nghỉ nhưng vẫn còn 26 cổ đông, trong đó có 20 người là thương bệnh binh. Chúng tôi không nắm được chủ trương của nhà nước nên mấy năm qua không đăng ký xin công nhận để hưởng quyền lợi. Bây giờ, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ có người tư vấn thì chúng tôi mới đến đăng ký chứ chúng tôi không dùng danh nghĩa thương binh để tranh chấp với Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An”.

Sau tròn 1 tháng bị cưỡng chế, hiện Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 vẫn chưa tìm được địa điểm làm việc mới, giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang ở địa chỉ số 19 đường Quang Trung – TP Vinh, nhưng do văn phòng đang bị niêm phong nên mọi giao dịch hoàn toàn bị ách tắc.

Điều an ủi duy nhất cho doanh nghiệp này là ngày 25/7 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người tàn tật Việt Nam (VAIDE) – Thiếu tướng Trần Quang Vinh đã ký quyết định công nhận Công ty cổ phần đầu tư Môi trường xanh 27/7 Nghệ An là thành viên chính thức của Hiệp hội.

Cưỡng chế Khách sạn Sài Gòn - Thương mại Nghệ An có đúng luật?
Quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Thẩm phán Nguyễn Hữu Thái, Toà án nhân dân TP Vinh dẫn đến việc cưỡng chế tại Khách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư