Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chuyện mua và bán của Masan
Tuấn Khánh - 09/08/2017 09:09
 
M&A có thể là phương thức còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt, nhưng tại Masan, M&A chỉ là một công cụ, một phương thức...

Cách đây gần 2 năm, ngày 25/12/2015, Tập đoàn Masan đã phát đi thông cáo báo chí về thương vụ bán cổ phần của Masan cho Singha đến từ Thái Lan.

Thông cáo của Masan cũng như nhiều thông cáo khác về một thương vụ cũng như hàng trăm thương vụ trong năm 2015 mà các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện, chỉ khác một điều, thương vụ này giúp cho thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) của Việt Nam có năm đầu tiên đạt giá trị vượt ngưỡng 5 tỷ USD.

Masan hoàn tất chuỗi 3F bằng khoản đầu tư 2.100 tỷ đồng để sở hữu gần 24,94% vốn chiến lược tại Vissan
Masan hoàn tất chuỗi 3F bằng khoản đầu tư 2.100 tỷ đồng để sở hữu gần 24,94% vốn chiến lược tại Vissan

Việc có một doanh nghiệp nước ngoài rót tới 1,1 tỷ USD tiền vốn đã tạo nên dấu ấn thực sự với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một kỷ lục về giá trị đầu tư mới đã được thiết lập và kỷ lục đó vẫn duy trì đến thời điểm hiện nay.

Nhưng, giá trị lớn nhất không phải là điểm độc đáo của thương vụ bán cổ phần này. Lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và nói không quá lời là trên thế giới, hai “ông lớn” về ngành hàng tiêu dùng bắt tay nhau cùng phát triển mà không phải mua đứt theo cách mà các doanh nghiệp trong ngành vẫn làm. Thời gian mà lãnh đạo của 2 tập đoàn này là ông Danny Lê, Giám đốc cao cấp Phát triển và Chiến lược của Masan cũng như ông Palit Bhirombhakdi, Tổng giám đốc của Singha Asia đã xác nhận đó là “tầm nhìn trên 20 năm”.

Phải nói thêm rằng, với một khoản đầu tư chiến lược điển hình thì “cam kết gắn bó” của nhà đầu tư thường tối đa 5-7 năm, còn ở lại hay chia tay sau thời hạn này là “hậu xét”. Thực tế tại Việt Nam, rất nhiều hợp đồng chiến lược giai đoạn 2006 - 2008 được ký kết rầm rộ, nhưng nhà đầu tư chiến lược sau những cam kết hỗ trợ hoành tráng đã sớm thoái vốn sau 3-5 năm đầu tư, mà không có một tổng kết nào về lợi ích thu được của 2 bên được công bố sau đó.

Quay trở lại với thương vụ do Masan thực hiện, sau thời điểm công bố thương vụ, rất nhiều cơ quan truyền thông đã đăng tải bài phân tích tính độc đáo từ thương vụ này, như một trường hợp “rất nên tham khảo”.

Singha là ông vua trong phòng khách tại Thái Lan, trong khi Masan là ông vua trong nhà bếp tại Việt Nam đã bắt tay nhau. Cả 2 ông vua có cùng tầm nhìn là  phụng sự tốt hơn người tiêu dùng ở thị trường lớn hơn, thị trường    In-land ASEAN  (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar) với khoảng 250 triệu dân.

Cụ thể hóa mối quan hệ này thì chỉ sau 9 tháng từ khi ký kết, Masan đã nhanh chóng tung ra sản phẩm nước mắm Chin-su Yod Thong tại Thái Lan và được người dân Thái ủng hộ.

Sự độc đáo mang tên M&A

Cách đây 20 năm, Masan được biết đến như một nhà xuất khẩu mì gói và gia vị, nhưng đến thời điểm hiện tại được nhắc đến như một nhà sản xuất hàng tiêu dùng nội địa lớn nhất, có nhiều sản phẩm dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực: nước mắm, nước tương, tương ớt, thực phẩm tiện lợi, cà phê và sản phẩm có nguồn dinh dưỡng từ thịt… Theo thống kê mà Tập đoàn này công bố, “tính tới cuối năm 2016, 98% hộ gia đình tại Việt Nam đang sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan”. Doanh thu hợp nhất năm 2016 cũng đạt xấp xỉ 2 tỷ USD (gần ngang với mức 46.200 tỷ đồng của Vinamilk).

Sự chuyển đổi về cách nhìn hay sự mở rộng về ngành hàng của Masan luôn có bóng dáng của M&A. Chẳng hạn, khi Masan bước chân vào  lĩnh vực “nguồn dinh dưỡng từ thịt” với thị trường có giá trị ước khoảng 18 tỷ USD, thì chìa khóa chính là khoản đầu tư cổ phần tại Proconco, sau đó được nâng cấp thành mức sở hữu chi phối, để đến hiện nay Masan có một thương hiệu cám Bio-zeem rất nổi tiếng với người chăn nuôi. Và để hoàn thiện chuỗi 3F (Feed - Farm - Food), Masan đã chi tới hơn 2.100 tỷ đồng để sở hữu gần 24,94% vốn chiến lược tại Vissan, nhà cung ứng thịt lợn có thương hiệu lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Nói thêm một chút về chuỗi 3F. Đây là một yêu cầu bắt buộc để thực hiện tầm nhìn của Masan là đưa giá thịt về mức hợp lý, thay đổi thực trạng người Việt đang phải trả với giá gấp đôi so với người tiêu dùng Mỹ, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thịt sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Masan dự kiến hoàn tất chu trình sản xuất khép kín 3F này vào giữa năm 2018.

Tất nhiên, M&A không phải là công cụ duy nhất để Masan trở thành nhà cung ứng thịt lợn lớn nhất. Trong năm 2016, Tập đoàn này đã rót khoản đầu tư ban đầu 1.200 tỷ đồng để xây dựng một trong những trang trại nuôi lợn sạch lớn nhất Việt Nam tại Nghệ An

M&A hay đầu tư, chọn cách nào để gia nhập thị trường hàng tiêu dùng là sự “tùy biến” của Masan theo hướng có lợi nhất. Theo cách nói của ông Danny Lê, người trực tiếp dẫn dắt các thương vụ tại tập đoàn này, thì M&A tại Masan chỉ là một công cụ, một phương thức phát triển chứ không phải là mục tiêu. Đây chính là một điểm độc đáo trong cách sử dụng công cụ M&A của Masan.

“Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu, hay lợi nhuận, mà mua “nền tảng” phục vụ chiến lược chung của Masan. Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng; nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam”, ông Danny cho biết.

Một điểm độc đáo khác trong M&A tại Masan là “vừa mua, vừa bán” và quy mô của giao dịch không phải là lý do để thực hiện M&A, theo đúng nguyên tắc “mua nền tảng”. Masan mua bia Phú Yên chỉ với giá 12 triệu USD để mua công nghệ làm bia, nhờ đó nhãn hiệu Sư Tử Trắng đã được ra đời, đang bán rất tốt tại các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ. Hay như mua Vinacafé Biên Hòa với con số cả ngàn tỷ đồng để đặt chân vào thị trường cà phê Việt Nam.

Đây là lý do Masan đang giữ 2 kỷ lục về M&A tại Việt Nam, gồm giá trị thương vụ và số lượng thương vụ (không bao gồm và so sánh với việc mua dự án trong lĩnh vực bất động sản), nhưng với những người ở Masan, thì điều này ít được nhắc đến, bởi M&A chỉ được coi là một trong nhiều phương thức thực hiện mục tiêu.

Gần đây nhất, vào tháng 4/2017, Masan đã có thêm thương vụ mới, lọt danh sách các thương vụ M&A tiêu biểu, đó là bán vốn tại Masan Group và Masan Nutri-Science cho KKR, một quỹ đầu tư lớn đến từ Mỹ. Sự đặc biệt của thương vụ này không phải giá trị đầu tư rất lớn, tới 250 triệu USD, mà là lần thứ 2, KKR đầu tư vào Masan (lần đầu là vào năm 2011 với trị giá 359 triệu USD, khoản đầu tư sinh lời vượt kỳ vọng và KKR đã rút vốn).

Sự quay lại của KRR được giải thích rằng, họ lại nhìn thấy một nền tảng mới mà Masan đã tạo ra trong lĩnh vực cung ứng nguồn dinh dưỡng từ thịt nên quay trở lại. KKR chia sẻ tầm nhìn với Masan và tin rằng, đây lại là một khoản đầu tư sinh lời trong tương lai của họ.

“Khi bán, chúng tôi không bán chi phối, mà chỉ tìm các nhà đầu tư tin vào tầm nhìn của Masan, tin vào khả năng thực hiện tầm nhìn đó”, ông Danny cho biết.

Nghệ thuật dùng tiền

“Masan không muốn vay tiền để thực hiện thương vụ mua”, ông Danny cho biết. Đây là một điều khác biệt, vì với hầu hết các doanh nghiệp khác thì câu hỏi đầu tiên lại là “tiền đâu?” khi muốn mua thâu tóm hoặc đầu tư vào một doanh nghiệp khác.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng cho một thương vụ, dù là bất ngờ, do vậy, trong bảng cân đối kế toán của Masan thường xuyên có số dư tiền lớn. Kỷ luật tài chính là yêu cầu số một khi làm M&A”, ông Danny nói.

Đắt hay rẻ, chưa bao giờ được tính trong ngắn hạn với Masan. Trước khi chọn bán cổ phần cho KKR, đã có nhà đầu tư trả giá cao hơn 20%, nhưng Masan từ chối vì nhà đầu tư này không chia sẻ hết tầm nhìn với Masan. Ngược lại, khi đi mua, tập đoàn này sẵn sàng chi cao hơn đối thủ rất nhiều, bởi giá một thương vụ được tính trong tương lai, nếu mua được nền tảng phù hợp để phát triển hơn nữa thì giá mua sau 2-3 năm sẽ không còn là đắt.

Bí quyết để một thương vụ M&A thành công là không khó với ông Danny Lê, cái khó là làm sao để doanh nghiệp đó có thể phát triển bền vững hậu M&A.

Ngoài kỷ luật tài chính thì điều khó nhất với bên mua là không nắm rõ mình cần gì, không biết được bên bán có những yếu tố mà mình cần mua không, không tin là sẽ làm tốt hơn hiện trạng của doanh nghiệp được mua.

“Tất nhiên, giống như lái xe, mình không thể nói rằng mình có thể quan sát hết mọi thứ trước mặt, nhưng yếu tố quan trọng nhất là phải xây dựng được các nguyên tắc mua hay bán của mình, và cùng chia sẻ tầm nhìn với đối tác là cùng nhau phụng sự tốt hơn người tiêu dùng bằng cách mang lại sản phẩm tốt hơn. Tại Masan, chúng tôi bán cổ phần khi có nhà đầu tư chia sẻ được tầm nhìn phát triển và chúng tôi không mua doanh thu và lợi nhuận, mà mua nền tảng để phát triển trong lĩnh vực hàng tiêu dùng với sứ mệnh phụng sự tốt nhất người tiêu dùng”, ông Danny Lê nói.

Lãnh đạo tập đoàn này cho biết, sẽ tự đầu tư hoặc thực hiện các thương vụ M&A vào các ngành phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng mà tại đó có cơ hội thị trường lớn với tiềm năng tăng trưởng cao, thiếu hiệu quả và sản phẩm bị định giá quá cao. Thị trường có thể lại chứng kiến thêm những thương vụ M&A độc đáo khác.

Mục tiêu "viển vông" của Masan?
Mục tiêu “viển vông” trong tương lai của Masan là đạt giá trị 20 tỷ USD, cung cấp “cơm có thịt” với giá chỉ bằng nửa hiện nay cho mỗi bữa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư