Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chuyển trạm thu phí Bàn Thạch thành trạm BOT
Sơn Thắng - 20/08/2013 21:13
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký Văn bản số 1309/TTg-KTN ngày 16/8/2013 về việc xử lý 4 trạm bán quyền thu phí trên quốc lộ bao gồm trạm Phù Đổng, Bàn Thạch, Bạch Mai (đều thuộc quốc lộ 1) và trạm Bãi Cháy thuộc quốc lộ 18.
TIN LIÊN QUAN

Trong đó, trạm thu phí Bàn Thạch thuộc QL1A đoạn Phú Yên đã chính thức chuyển sang trạm BOT để thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả kể từ 0h ngày 01/9/2013.

   
     

Theo văn bản này, phương án mua lại quyền thu phí đối với thời gian thu phí còn lại của trạm thu phí Bàn Thạch thực hiện theo kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, từ đó đưa vào tính toán phương án tài chính của dự án BOT hầm Đèo Cả.

Liên quan đến chủ trương chuyển trạm thu phí Bàn Thạch thành trạm dự án BOT, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định rằng, từ đầu, Chính phủ đã cho phép Dự án hầm Đèo Cả thu phí ngay từ khi bắt đầu triển khai.

Theo ông Trường, trạm Bàn Thạch nằm trong cung đường của Dự án hầm Đèo Cả nên việc chuyển sang thành trạm thu phí BOT cho dự án là hoàn toàn hợp lý

Ông Trần Đại Xuân, Phó ban quản lý dự án hầm Đèo Cả cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế để thực hiện tại Văn bản số 476/TTg-KTN ngày 11/4/2012, trong đó có việc bàn giao hai trạm thu phí Bàn Thạch (Km 1350+150 QL1) và Ninh An (Km 1408+200 QL1) cho Nhà đầu tư để hoàn vốn cho Nhà đầu tư.

Ông Xuân cho rằng, chủ trương này của Chính phủ nhằm mục đích khuyến khích các nhà đầu tư triển khai dự án hạ tầng theo hình thức BOT và BT (PPP, hình thức công – tư).

Chưa kể, theo hợp đồng  số 06/HĐXD-DEOCA Dự án BOT và BT hầm đường bộ Đèo cả giữa Bộ Giao thông - Vận tải và CTCP Đầu tư Đèo cả cũng đã nêu rõ những vấn đề liên quan đến cơ cấu vốn giữa Nhà nước và Nhà đầu tư.

Đồng thời hợp đồng cũng ghi rõ nhà nước sẽ tham gia cùng nhà đầu tư trong việc xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng, di dân.

Tuy nhiên, theo ông Xuân, đến thời điểm này, do phái địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn, nên phía Đèo Cả đã chủ động chi tiền để thực hiện các phần việc trên, trong đó phía Phú Yên hơn 100 tỷ đồng và phía Khánh Hòa hơn 15 tỷ đồng.

Mặc dù đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác di dời dân, sớm bàn giao mặt bằng để triển khai các phần việc thuộc dự án, nhưng đến nay phía chỉ có tỉnh Phú Yên là thực hiện nghiêm túc.

Riêng phía tỉnh Khánh Hòa công tác này chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, khiến Công ty Đèo Cả rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án hầm Cổ Mã nói riêng và tiến độ chung của dự án.

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã chính thức khởi công từ tháng 11/2012, với tổng vốn đầu tư là 15.603 tỉ đồng.

Dự án có chiều dài toàn tuyến 13,4 km, trong đó hầm đèo Cả dài 3,9 km, hầm Cổ Mã dài 500 m và đường dẫn cầu dài 9 km. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997 với tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư