Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chuyện “viên gạch” nhà Payoo
Thu Phương - 13/02/2019 09:38
 
Sau hơn 10 năm cần mẫn đặt từng “viên gạch”, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) cùng các đồng nghiệp đã bước đầu hoàn thành “công trình” mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam với nền tảng ví điện tử Payoo.
Với bản lĩnh tiên phong, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion đã thiết lập được vị trí vững chắc cho Payoo trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Với bản lĩnh tiên phong, ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion đã thiết lập được vị trí vững chắc cho Payoo trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Bản lĩnh tiên phong

Lý do ví điện tử Payoo ngày càng phát triển trên thị trường thanh toán điện tử Việt Nam, theo ông Ngô Trung Lĩnh, đó là vì Payoo may mắn ra đời sớm, được hình thành và nuôi dưỡng bởi một đội ngũ trẻ đầy nhiệt huyết, mang quan điểm phát triển trên sự phục vụ cộng đồng, xã hội. Đây cũng chính là yếu tố khiến NTT Data - tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu Nhật Bản - quyết định đầu tư vào Payoo.

“Hơn 10 năm trước, khi vận hành các dịch vụ trò chơi trực tuyến tại Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SaigonTel), nhóm phụ trách vận hành kỹ thuật và xây dựng cổng thanh toán cho trò chơi nhận thấy nhu cầu thực tế và tiềm năng về thanh toán điện tử tại Việt Nam. Nhóm đã trình bày ý tưởng này với HĐQT của SaigonTel và được ủng hộ để lập nên Công ty cổ phần  Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion), nhằm xây dựng và triển khai giải pháp thanh toán điện tử cho thị trường Việt Nam. Sản phẩm Payoo được thai nghén và ra đời từ đó”, ông Lĩnh chia sẻ.

Sau hai năm thành lập, đến đầu năm 2009, VietUnion là đơn vị thứ 2 được cấp phép thí điểm ví điện tử Payoo, sau Mobivi. Cũng từ thời điểm đó, ông Lĩnh và các cộng sự bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên xây dựng nền tảng thanh toán trực tuyến.

“Ngay từ những ngày đầu, Payoo đã được xác định mục tiêu là trở thành công cụ thanh toán chính cho nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam. Chúng tôi tiếp thu kinh nghiệm của những người đi trước, học hỏi từ các mô hình thanh toán điện tử nổi tiếng trên thế giới như PayPal để xây dựng ví điện tử”, ông Lĩnh kể.

VietUnion cũng là một trong những đơn vị đầu tiên kết nối với những nhà cung cấp hóa đơn của dịch vụ tiện ích như điện, nước, truyền hình, Internet, điện thoại…

Vạn sự khởi đầu nan. Những ngày đầu tiến hành kết nối dịch vụ, đội ngũ VietUnion gặp nhiều khó khăn vì hệ thống hạ tầng của đối tác còn rất sơ khai. Ông Lĩnh cùng đội ngũ Payoo đã cùng các đối tác đặt những “viên gạch” đầu tiên xây dựng các cổng kết nối và hệ thống để xử lý giao dịch.

“Đi đầu bao giờ cũng khó khăn, trong đó, khó khăn nhất là thuyết phục đối tác, đặc biệt là các ngân hàng. Ở thời điểm đó chưa có khái niệm ví điện tử, nhiều ngân hàng chưa nhận thức được đây là một hướng đi mà họ nên phát triển, trái lại còn có suy nghĩ, ví điện tử sẽ là đối thủ cạnh tranh. Thêm vào đó, do dịch vụ quá mới mẻ, Payoo chưa được nhiều người sử dụng, nên phía ngân hàng cho rằng, việc kết nối sẽ gây tốn kém và không có nhiều lợi ích”, ông Lĩnh nhớ lại.

Để thuyết phục khách hàng, Payoo cố gắng thể hiện, mang đến những lợi ích cho cả hai bên sử dụng dịch vụ khi kết nối. Ông Lĩnh và các cộng sự tiếp tục suy nghĩ các hướng đi mới như phát triển nền tảng thanh toán các hóa đơn tiện ích, không chỉ phục vụ khách hàng của Payoo mà khi kết nối nền tảng này với ngân hàng, các khách hàng của ngân hàng cũng hưởng được lợi ích vì có thể thanh toán được nhiều dịch vụ. 

Mặt khác, Payoo liên tục ứng dụng các công nghệ mới, đưa ra những dịch vụ mới dành riêng cho ngân hàng, như dịch vụ trả góp 0% qua thẻ tín dụng, kết nối mở rộng điểm chấp nhận thanh toán QR Code thông qua hầu hết ứng dụng của các ngân hàng… Đây là những “viên gạch” tiếp theo trong việc xây dựng hệ thống để hình thành nền tảng thanh toán trực tuyến có thể xử lý được hàng chục triệu giao dịch sau này.

May mắn đã mỉm cười với Payoo khi cuối năm 2014, thông tư hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không tiền mặt được ban hành, tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho hoạt động thanh toán trực tuyến và ví điện tử. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng kết nối với những fintech được cấp phép. Từ đó, các ngân hàng bắt đầu hợp tác cởi mở hơn với những tổ chức trung gian thanh toán tiên phong như Payoo.

Ngọt, đắng của một thập kỷ phát triển

Quá trình phát triển trung gian thanh toán ví điện tử của Payoo trong những ngày đầu gặp phải rào cản lớn là thói quen của người tiêu dùng với cách thức thanh toán truyền thống - trả tiền mặt. Trong khi đó, thương mại điện tử vẫn cần thêm nhiều thời gian để thực sự bùng nổ.

“Từ năm 2011, Tập đoàn NTT Data trở thành đối tác của VietUnion. Hai bên đã có nhiều cuộc trao đổi để cùng đánh giá lại tiềm năng trong lĩnh vực thanh toán điện tử của Việt Nam, phân tích nhu cầu của thị trường nhằm đưa ra định hướng phát triển cho Payoo. Chúng tôi xác định lại chiến lược phát triển của Công ty và giải pháp căn cơ là tập trung nhiều hơn vào mảng thanh toán hóa đơn”, ông Lĩnh nói.

Sở dĩ chọn thanh toán hóa đơn là mảng chủ lực, theo ông Lĩnh, là vì NTT Data và VietUnion đánh giá, việc thanh toán hóa đơn diễn ra thường xuyên theo định kỳ và có tính cấp thiết, nên có thể giúp người tiêu dùng hình thành thói quen mới nhờ được lặp đi lặp lại hàng tháng. Với giải pháp đó, Payoo nỗ lực liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích (điện, nước, điện thoại, truyền hình, Internet, dịch vụ viễn thông...) nhiều hơn.

Với sự góp mặt và nguồn vốn từ nhà đầu tư, cùng với việc kịp thời định hướng lại chiến lược, đến nay, VietUnion đã xây dựng được nền tảng thanh toán phục vụ cả thanh toán trực tuyến lẫn trực tiếp với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng như ví điện tử, cổng thanh toán; kết nối hơn 350 dịch vụ với 40 ngân hàng; cung cấp giải pháp cho thương mại điện tử, giao thông cộng cộng, thanh toán QR Code…

Năm 2018, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt khoảng 3 tỷ USD. Payoo đồng hành với rất nhiều đối tác cung cấp dịch vụ tiện ích, liên kết với 10.000 cửa hàng trên toàn quốc là các chuỗi của công ty, doanh nghiệp lớn như Thế giới Di động, FPT Shop, Vingroup (VinMart, VinMart+, VinPro), Circle K, FamilyMart, B’s mart, Ministop, Phamarcity… Hàng tháng, Payoo phục vụ hàng chục triệu khách hàng thanh toán các hóa đơn tiện ích, bước đầu thay đổi thói quen thanh toán truyền thống của người dân.

Khi mới thành lập, VietUnion tập trung vào mảng thanh toán thương mại điện tử. Vào những năm 2009 - 2010, thương mại điện tử vẫn còn rất sơ khai. Dù rất cố gắng xây dựng nền tảng, kết nối với đối tác, nhưng lượng giao dịch vẫn rất thấp. Lúc đó, họ mong ngóng từng cuộc điện thoại gọi đến Bộ phận Chăm sóc khách hàng.

“Giờ đây, mỗi ngày đến văn phòng, chúng tôi đã có thể cùng nhau chia sẻ những thông tin mới hoặc kỷ lục xử lý mới mà hệ thống ghi nhận được do sự phát triển nhanh chóng về cả lượng giao dịch, số người sử dụng và dịch vụ cung cấp. Sự sôi nổi và bận rộn của hôm nay là kết quả của những ngày nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 10 năm qua”, ông Lĩnh bồi hồi nhớ lại chặng đường phát triển của Payoo, từ những ngày đặt “viên gạch” đầu tiên.

Khách hàng là tối quan trọng và nhân viên là cốt lõi

Tại sao ví điện tử của VietUnion lại có tên là Payoo?

VietUnion có nghĩa là Cộng đồng Việt, với hàm ý, đây là nơi tập hợp những con người Việt Nam, cùng xây dựng sản phẩm/dịch vụ phục vụ cho chính cộng đồng người Việt.

Payoo là nền tảng thanh toán điện tử của VietUnion, chữ viết tắt của Pay Online và Offline. Chúng tôi muốn phục vụ khách hàng không chỉ ở các giao dịch thanh toán trực tuyến trên Internet, mà cả tại quầy giao dịch ngoài cửa hàng… Chữ Payoo phát âm là “Pay-You”, mang thông điệp “thanh toán cho bạn”.

Điểm khác biệt của Payoo là gì?

Khác với một số fintech khác trên thị trường chỉ tập trung vào một nhánh nhất định và chỉ phục vụ cho cộng đồng của mình, điểm khác biệt lớn nhất của Payoo là xây dựng nền tảng thanh toán điện tử theo hướng mở và phục vụ đa kênh, đa dịch vụ, hướng đến việc tạo lập điểm kết nối cho nhiều đối tác liên quan.

Ông có thể chia sẻ triết lý kinh doanh của mình?

Gắn bó với Payoo nhiều năm qua, triết lý kinh doanh của tôi và cũng là lẽ sống, là phương châm hành động của cả tập thể cán bộ, nhân viên VietUnion là luôn chú trọng trách nhiệm với cộng đồng; khách hàng là tối quan trọng và nhân viên là cốt lõi.

Hành khách mua vé đi tàu có thể thanh toán trực tuyến qua Payoo, MoMo
Ngoài các hình thức thanh toán trực tuyến hiện nay, hành khách có thể mua vé tàu và thanh toán qua kênh Payoo hoặc ví điện tử MoMo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư