Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
CIEM: Ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách
Khánh Linh - 19/04/2019 18:59
 
Cập nhật triển vọng kinh tế 2019, CIEM dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 là 6,88%. So với lần dự báo trước đó, vào tháng 1/2019, mức này có giảm đi. Khi đó, CIEM đưa ra mức dự báo là 6,93%.
.
Hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng. Quý I là quý thứ 7 liên tiếp GDP vượt mức tiềm năng, và là quý thứ 8 liên tiếp tăng trưởng GDP vượt mức tiềm năng.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý, tốc độ tăng trưởng tiềm năng – thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP – vẫn tiếp tục suy giảm. Điều này có thể gây quan ngại về củng cố nền tảng kinh tế vi mô cho tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, diễn biến kinh tế vĩ mô trong các quý còn lại của năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài,

Các yếu tố đó bao gồm: rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng; căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt; nhu cầu phê chuẩn sớm EVFTA có thể giảm bớt; hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP; và thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị.

Ở bên trong, Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện.

Ngay cả với CPTPP, các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều. Thậm chí, biểu thuế xuất nhập khẩu theo cam kết CPTPP với các nền kinh tế thành viên chậm được ban hành, khiến doanh nghiệp chưa nắm được lợi ích cũng như chưa có cơ sở để xin hồi tố với các lô hàng đã thực hiện kể từ ngày 14/1, thời điểm CPTPP có hiệu lực. 

Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện.

“Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và/hoặc thực hiện đầy đủ”, ông Dương nhận định.

Trong các tháng còn lại của năm 2019, CIEM nhắc đến những thách thức liên quan đến hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển còn nhiều vấn đề và tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm.

"Không gian kinh tế chưa thực sự rộng mở, doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn, gánh nặng thuế... là các vấn đề doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt. Đây cũng có thể là lý do tỷ suất lợi nhuận của khu vực tư nhân thấp hơn các khu vực khác", ông Dương nói.

Liên quan đến xuất khẩu, việc xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa khởi sắc như kỳ vọng cũng được nhắc đến, với nguyên nhân cả về năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp và sự chậm trễ trong ban hành chính sách của Chính phủ.

Tuy vậy, tổng quan, CIEM cho rằng Chính phủ đang đi đúng hướng với cải cách, nhưng khuyến nghị chưa thể vội vàng, sốt ruột với tăng trưởng kinh tế.

"Quan điểm của chúng tôi vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách", ông Dương nói.

Về cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019 của CIEM cũng khuyến nghị, Chính phủ cần làm tốt hơn cải thiện môi trường kinh doanh, tư duy mở với các vấn đề mới của kinh tế số, cuộc cách mạng 4.0... cũng như giải quyết tình trạng nợ động chính sách. 

 

Cập nhật triển vọng kinh tế năm 2019
Tăng trưởng GDP: 6,88
Lạm phát (bình quân): 3,71
Tăng trưởng xuất khẩu: 9,02
Cán cân thương mại (tỷ USD): 3,1

Nguồn: Báo cáo kinh tế quý I/2019, CIEM
Kinh tế 2019: Bứt phá bằng động lực cải cách
Năm 2018 kết thúc thì cũng là lúc câu hỏi “đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2019” được đặt ra. Câu trả lời, hơn lúc nào hết,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư