Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cơ chế đặc biệt giúp TP.HCM dựng lại “Hòn ngọc Viễn đông”
An Linh (Dân trí) - 16/02/2018 08:20
 
Cùng với tiến trình hội nhập, "chiếc áo chật" cơ chế chính sách đối với TP.HCM đã khiến đầu tàu kinh tế của cả nước khó theo kịp cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Một chính sách mới, cởi bỏ các khuôn khổ cũ kỹ là yêu cầu tất yếu và đòi hỏi lịch sử đối với phát triển của TP.HCM.

Là địa phương tăng trưởng GDP thuộc loại cao nhất cả nước, đóng góp nguồn ngân sách lớn.... tuy nhiên, TP.HCM không có cơ chế để giữ nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu để đầu tư cho tăng trưởng; các cơ chế liên quan chuyển đổi đất đai, hạ tầng của thành phố được các chuyên gia chỉ ra kém, thậm chí thụt lùi so với yêu cầu phát triển của thành phố văn minh hiện đại.

Chấm dứt đi trước về sau trong phát triển

Bằng chứng của Hòn ngọc Viễn đông xưa, nay là đầu tàu kinh tế cả nước là cơ sở vật chất chậm được đầu tư, sân bay ách tắc và công suất tiếp nhận vượt so với thiết kế, tắc đường thường xuyên diễn ra ở TP.HCM ngày càng nhiều hơn, ngập lụt diễn ra ngày càng trầm trọng, tội phạm cướp giật xảy ra nhiều, vấn đề quy hoạch đường phố, đô thị, cảnh quan đang ngày càng đi sau, đi xa so với sức phát triển của thành phố năng động.

Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển TPHCM với số phiếu tán thành rất cao, với mục tiêu: Tăng cường nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho TP HCM.

Theo Nghị quyết được ban hành, TP.HCM được quyết định chuyển mục đích sử dụng diện tích trồng lúa 10 ha trở lên để phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế,công nghiệp công nghệ của Thành phố.

Ngoài ra, Nghị quyết cho phép TP.HCM được tự chủ quyết định đầu tư các dự án nhóm A, vốn trước đó phải thông qua Chính phủ, Thủ tướng quyết định. Các dự án lớn nhóm A được quyết định gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, theo quy định của các pháp luật liên quan giúp cho TP.HCM chuyển mình nhanh hơn đối với việc kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án lớn.

Về tài chính - ngân sách, Quốc hội cho phép TP.HCM được giữ lại 50% khoản thu tiền sử dụng đất để tái đầu tư, sử dụng vốn cổ phần hóa doanh nghiệp do Thành phố quản lý, được tăng mức phí, lệ phí theo đặc thù của thành phố. Ngoài ra nới dư nợ vay của thành phố thêm 20% từ quy định cũ dư nợ vay chỉ tối đa 70% số thu ngân sách của thành phố lên 90% số thu ngân sách... Tất cả quy định này nhằm giúp TP.HCM có nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông và chống ngập.

Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền gắn trách nhiệm của người đứng đầu quận huyện cũng được đưa ra cụ thể. Cơ chế trả lương cho cán bộ, biệt đãi chuyên gia, người có tài về thành phố làm việc cũng được giao cho TP.HCM quyền quyết định.

Ba đặc khu, ba động lực cho kinh tế Việt Nam

Năm 2017 đánh dấu là năm có nhiều chính sách kinh tế ra đời và đi vào cuộc sống, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) là một minh chứng như vậy.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) năm 2017 được thừa nhận là một trong những sắc luật được hưởng ứng tích cực nhất thời gian qua vì mục tiêu, phương hướng xác định xây dựng các đặc khu kinh tế ở 3 miền, giúp lan tỏa cho cả nền kinh tế: Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Đây được coi là đột phá chính sách phát triển từ mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đến đặc khu.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT: Mỗi đặc khu chỉ có một trưởng đặc khu là công chức biên chế, còn lại Phó trưởng, người giúp việc và bộ máy còn lại đều là cán bộ hợp đồng. Hiện cơ quan soạn thảo và Chính phủ đang trình Bộ Chính trị việc cho thuê đất dài hạn 99 năm.

“Việc cho thuê đất dài hạn 99 năm có nhiều ý kiến khác nhau, có người lo ngại, tuy nhiên, nhiều đặc khu trên thế giới đã cho thuê đất hơn 100 năm, đơn cử như UAE. Chúng ta cho thuê 99 năm đối với đất cũng là phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, từng nơi, chỗ. Nhà đầu tư nước ngoài và dư luận quốc tế cũng rất quan tâm đến cho thuê đất dài hạn ở Việt Nam và cho đây là lợi thế cạnh tranh đối với các nước khác”, ông Đông nói.

Việc xây dựng các đặc khu kinh tế tại ba vùng động lực: Bắc - Trung - Nam được tính toán sẽ thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư từ trong và ngoài nước. Nhiều mỹ từ được đưa ra như xây tổ đại bàng, kéo các tập đoàn cá mập, xây dựng trung tâm cho ASEAN hay động lực tăng trưởng mới của đất nước trong tương lai…

Để đón được dòng đầu tư lớn, hiện rất nhiều các doanh nghiệp lớn đã bỏ vốn làm cơ sở hạ tầng, trong đó có đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao và sân bay, bến cảng… mới bằng nguồn vốn xã hội hóa và hợp tác đầu tư. Đây được xem là cơ sở, nền tảng giúp nền kinh tế kiếm tìm được động lực tăng trưởng mới.

[Infographic] Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, có tốc độ tăng trưởng GDP gấp khoảng 1,5 lần cả nước. Dù...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư