Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cổ đông bức xúc với cổ tức ngân hàng
Thùy Vinh - 11/05/2014 12:31
 
Nhiều ngân hàng không chia cổ tức cho cổ đông, khiến cổ đông bức xúc trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay.Thời gian qua, một số ngân hàng không trả cổ tức cho cổ đông, dù cổ tức dự kiến chi trả chỉ ở mức rất thấp.
TIN LIÊN QUAN

Cụ thể, Southern Bank chưa thực hiện kế hoạch chi trả cổ tức năm 2012 ở mức 2,5% cho cổ đông và kế hoạch trả cổ tức 5% cho năm 2013 đã được đại hội đồng cổ đông kỳ họp thường niêm năm trước đưa ra đến nay cũng chưa tạm ứng được đợt nào.

  Cổ đông bức xúc với cổ tức ngân hàng  
  Southern Bank chưa thực hiện kế hoạch chi trả cổ tức năm 2012 ở mức 2,5% cho cổ đông   

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông tháng 4 vừa qua, cổ đông Southern Bank tỏ ra bức xúc khi 3 năm qua, nhà băng này không hề chia cổ tức cho cổ đông, cho dù chỉ tiêu trả cổ tức vẫn được đề ra và lợi nhuận có kết quả dương.

Đáng chú ý là, năm vừa qua, lợi nhuận trước thuế của Southern Bank chỉ đạt 18 tỷ đồng, song HĐQT ngân hàng này đã trình cổ đông thông qua mức thù lao cho HĐQT, Ban Kiểm soát lên đến 14 tỷ đồng, tương đương 80% lợi nhuận trước thuế trong năm. Trong khi đó, mức thù lao này được cổ đông thông qua trong kỳ đại hội đồng cổ đông năm qua chỉ là 3% tổng lợi nhuận trước thuế.

Lý do không trả cổ tức, theo ông Mặc Thiệu Đức, Chủ tịch HĐQT Southern Bank, là do tình hình khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng đòi hỏi phải trích dự phòng cao. Được biết, nợ xấu của Southern Bank đến cuối năm 2013 là 1.600 tỷ đồng, trong đó có đến 1.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn.

Cũng theo ông Đức, lợi nhuận trước thuế trong năm qua chỉ đạt 18 tỷ đồng và lợi nhuận dùng chia cổ tức chỉ 2 tỷ đồng, tương đương 0,05%, nên HĐQT xin cổ đông không chia cổ tức năm 2013 và giữ lại dưới hình thức lợi nhuận chưa phân phối để hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Navibank cũng mất khả năng chi trả cổ tức cho cổ đông trong hơn 2 năm gần đây, khi hoạt động khó khăn, nợ xấu tăng cao và đang phải đẩy mạnh tái cấu trúc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, năm 2012, lợi nhuận sau thuế của Navibank chưa đạt tới 3,5 tỷ đồng. Nợ xấu dù đã được xử lý và bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhưng tỷ lệ nợ xấu của Navibank vẫn trên 6% và nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 500 tỷ đồng. Đó là lý do khiến Navibank mất khả năng chi trả cổ tức.

Năm 2013, Navibank đạt lợi nhuận trước thuế 23,9 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 6,07%, ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC 768 tỷ đồng, nhưng vẫn nói “không” với cổ tức.

Trong khi đó, tuy vẫn có chia cổ tức, song tỷ lệ chi trả cho cổ đông của các nhà băng lớn cũng sụt giảm. Eximbank chỉ thực hiện chia cổ tức năm 2013 ở mức 4%, thay vì kế hoạch ban đầu là 10 - 12%, vì chỉ hoàn thành được 25% chỉ tiêu lợi nhuận năm qua. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà Eximbank đưa ra cho năm nay là 1.800 tỷ đồng và cổ tức dự kiến ở mức 8,5%.

Năm 2013, ACB đạt 1.035 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ chia cổ tức trình cổ đông là 7% (645 tỷ đồng). Điều này khiến cổ đông không mấy hài lòng, vì cổ tức của ACB lâu nay luôn ở mức cao.

Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, lợi nhuận đạt được của Ngân hàng trong năm qua không như kỳ vọng, nên đã ảnh hưởng đến cổ tức.

Vấn đề cổ tức luôn được các cổ đông ngân hàng quan tâm chất vấn trong mùa đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, so với thời điểm trước khủng hoảng, lợi nhuận ngân hàng những năm gần đây sụt giảm đáng kể. Đặc biệt, những ngân hàng đang tái cấu trúc không đặt mục tiêu lợi nhuận và cổ tức, mà chủ yếu dành để trích dự phòng rủi ro và phục vụ quá trình tái cơ cấu, nên HĐQT kêu gọi cổ đông có sự chia sẻ.

Tại đại hội đồng cổ đông của NamA Bank sáng ngày 27/3, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, nguyên Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho biết, Ngân hàng sẽ trả cổ tức năm 2013 ở mức 7% cho cổ đông và trong năm qua, NamA Bank đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 3%. Kế hoạch cổ tức dự kiến cho năm 2014 của NamA Bank cũng tương tự năm qua.

Theo bà Loan, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành ngân hàng, NamA Bank chia cổ tức ở mức 7% là hợp lý. “Vì tình hình tăng trưởng tín dụng trong những năm gần đây khó khăn, trích dự phòng cao và lợi nhuận không đạt kỳ vọng, nên HĐQT NamA Bank mong muốn cổ đông chia sẻ với ngân hàng”, bà Loan nói.

TIN LIÊN QUAN
Đốc thúc thu cổ tức tại doanh nghiệp có vốn nhà nước
PVcomBank lo hậu sáp nhập, chưa tái niêm yết
Nhựa Đông Á dùng 80% lợi nhuận để chia cổ tức
Xi măng La Hiên: Bùng nhùng phận “con rơi”
Cổ đông SouthernBank bức xúc vì HĐQT đòi thù lao khủng
Chứng khoán Bảo Việt thưởng lớn, không chia cổ tức

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư