Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cổ đông “ngồi trên đống lửa”, dù cổ phiếu VHG tăng giá
Kỳ Thành - 03/03/2018 08:55
 
Mặc dù cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam hồi phục 4 phiên sau khi thị trường mở cửa trở lại sau Tết, nhưng nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này vẫn “ngồi trên đống lửa” do mua vào từ khi giá cao, bên cạnh mối lo hủy niêm yết.

Giá cổ phiếu tăng liên quan đến kế hoạch hủy niêm yết?

Báo Đầu tư số 16 (ra ngày 5/2/2018) đã có bài “Mập mờ thoái vốn: VHG “thổi bay” ngàn tỷ đồng”, đề cập việc Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam (mã VHG - HOSE) ghi nhận khoản lỗ lên tới 1.164 tỷ đồng trong năm 2017.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 của VHG, lỗ sau thuế của Công ty đạt “kỷ lục” trong quý này, với con số âm 878 tỷ đồng. Tại phần thuyết minh tài chính, VHG giải trình, khoản chi phí hoạt động tài chính gồm lỗ do thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn là 847,2 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2017, lỗ do thanh lý các khoản đầu tư của VHG là 950,5 tỷ đồng.

Là công ty cao su, nhưng VHG hoạt động cả trong các lĩnh vực khác.
Là công ty cao su, nhưng VHG hoạt động cả trong các lĩnh vực khác.

Sau bài báo trên, tại một diễn đàn dành cho các nhà đầu tư chứng khoán, đã có cổ đông của VHG đặt ra nghi vấn khá nặng nề như “mua tài sản ảo”, “rút ruột” đối với Ban lãnh đạo của VHG. Tuy nhiên, sau khi có hơn 70 ý kiến thảo luận, chủ đề này đã bị gỡ xuống.

Ngày 10/2, ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc VHG đã liên hệ với Báo Đầu tư và thông báo, Công ty sẽ có giải trình về các thông tin mà bài báo nêu. Tuy nhiên, đến ngày 28/2, VHG vẫn chưa có thông tin gì liên quan vấn đề trên.

Trong khi đó, trên sàn giao dịch, cổ phiếu VHG đã có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, với giao dịch đạt gần 2 triệu cổ phần/phiên. Theo nhận định của một số nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VHG, sự hưng phấn này, ngoài sự hưng phấn của thị trường chung, còn có tác động của việc các cổ đông nắm giữ tỷ lệ lớn mua gom để thông qua kế hoạch hủy niêm yết trên HOSE để chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM.

Kế hoạch hủy niêm yết từng được VHG đề xuất và được các cổ đông thông qua với tỷ lệ 100% cổ phần có quyền biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, tương ứng tỷ lệ 33,34% vốn điều lệ. Tuy nhiên, Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE quy định quyết định hủy bỏ niêm yết được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua theo quy định pháp luật doanh nghiệp, trong đó phải được ít nhất 51% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua. Tuy nhiên, tỷ lệ tham dự Đại hội đồng cổ đông năm 2017 của VHG (không có cổ đông lớn) thực tế chỉ đạt 33,34%, nên không đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện hủy niêm yết tự nguyện theo quy định.

Kế hoạch chuyển sang giao dịch trên UPCoM khiến nhiều cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu VHG lo ngại khó tiếp cận các thông tin về hoạt động của Công ty, bởi khi giao dịch trên UPCoM, doanh nghiệp không phải chấp hành các quy định về công bố thông tin nghiêm ngặt như tại HOSE. 

Góc khuất mới trong Báo cáo tài chính

Tiếp tục tìm hiểu Báo cáo tài chính quý IV/2017 của VHG, tại mục Các khoản phải thu khác, VHG liệt kê giá trị khoản phải thu chuyển nhượng Granite Phú Yên là 21 tỷ đồng, phải thu chuyển nhượng TNHH Hoài Mỹ 1 tỷ đồng và phải thu chuyển nhượng Khoáng sản LC Quảng Trị 8 tỷ đồng. Việc không ghi nhận doanh thu và con số phải thu được liệt kê khá “chẵn”, có thể khiến cổ đông nghi ngờ. Tại Báo cáo tài chính quý III trước đó, các khoản đầu tư nói trên có giá trị nguyên giá lần lượt là 201,54 tỷ đồng, 25 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.

Chưa kể, tính đến cuối năm 2017, VHG vẫn còn một số khoản đầu tư có giá trị lớn chưa được “động đến”, như Công ty TNHH Thống Nhất (198,4 tỷ đồng), CTCP Lâm nghiệp Thống Nhất (92,6 tỷ đồng).

Tuy nhiên, điều làm nhiều nhà đầu tư thấy khó hiểu nhất là khoản đầu tư của VHG tại CTCP Phát triển bất động sản Tây Hồ Tây, với giá trị lên tới 728 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 54/NQHĐQT-VHG ngày 26/8/2017 của HĐQT, Công ty thông qua việc thoái và thu hồi toàn bộ vốn liên quan đến hoạt động tại CTCP Phát triển bất động sản Tây Hồ Tây trong năm 2017, với mục tiêu phải đảm bảo thu hồi đầy đủ và toàn bộ số vốn liên quan đến hoạt động đầu tư tại công ty này.

Mặc dù mục tiêu đã đề ra như vậy, nhưng Báo cáo tài chính quý IV/2017 không hề ghi nhận khoản vốn thu hồi, trong khi VHG còn lỗ do thanh lý các khoản đầu tư trong quý IV lên tới 847,2 tỷ đồng. Hơn nữa, một khoản đầu tư lớn có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của VHG trong quý III, được HĐQT thông qua mà không lấy ý kiến cổ đông.

Theo thông tin Báo Đầu tư có được, các cổ đông của VHG đang tập hợp kiến nghị để gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về những vấn đề đang diễn ra tại VHG.

Phiên 15/9: Cổ phiếu VHG vẫn chưa thấy “ánh sáng” dù có Chủ tịch mới
Đóng cửa phiên hôm nay, VHG giảm 6,6%, xác lập phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp với khối lượng khớp 3,45 triệu đơn vị. VHG sẽ bổ nhiệm ông Vũ Anh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư