Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Cơ hội của nền kinh tế
Bảo Duy - 09/08/2017 08:30
 
Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp xuất hiện nhiều tin tốt ngay trước thềm Diễn đàn M&A 2017, khai mạc vào ngày mai (10/8) tại TP.HCM.
.
Diễn đàn M&A 2017 sẽ khai mạc vào ngày mai (10/8) tại TP.HCM, quy tụ trên 20 diễn giả nổi tiếng tham dự

Đó là tin tháng 10 tới, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bán 48,3 triệu cổ phiếu VNM của Vinamilk, giảm sở hữu Nhà nước xuống còn 36% trong doanh nghiệp này. Vinamilk được mệnh danh là “hàng nhóm 1”, nên chắc chắn cổ phiếu VNM sẽ hút khách.

Cùng lúc, nguồn hàng từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp rất dồi dào và khá rõ ràng. Cụ thể, trong tháng 7 và tháng 8/2017, toàn bộ danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn và các doanh nghiệp đã hoàn tất cổ phần hóa, nhưng chưa niêm yết, sẽ buộc phải ra mắt thị trường.

Thời hạn ban hành các văn bản sửa đổi liên quan đến những hoạt động này nhằm tháo gỡ các rào cản pháp lý cũng được Chính phủ chốt với các bộ, ngành liên quan. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc lại yêu cầu trên với các thành viên Chính phủ…

Đây không chỉ là tin tốt cho giới đầu tư, tin tốt cho thị trường M&A, mà là tin tốt cho cả nền kinh tế.

Phải thẳng thắn, các thông tin trên được chờ đợi nhiều năm, thị trường đã rất kiên nhẫn và đã đến lúc, các nguồn lực quan trọng của nền kinh tế phải được tận dụng tối đa, phải phát hiệu quả cho nền kinh tế. Bởi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không chỉ là giải pháp trọng tâm của kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, mà còn là một hệ thống các giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực nhà nước, từ đó tạo dư dịa cho khu vực kinh tế tư nhân.

Nếu mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không đạt được, cũng có nghĩa, mục tiêu gia tăng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong tăng trưởng kinh tế khó đạt được.

Điều này có thể nhìn thấy rõ qua sự chậm trễ của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhiều năm qua. Về số lượng và tiến độ, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước những năm 2007-2010 đạt 30% kế hoạch, giai đoạn 2011-2015 đạt 93% kế hoạch. Song điều đáng nói là có tới một nửa số doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa vào năm 2015 - năm cuối của kỳ kế hoạch. Riêng năm 2016 chỉ cổ phần hóa được 56 doanh nghiệp. Về chất lượng, hầu hết doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 chưa đạt kế hoạch thoái vốn nhà nước theo phương án phê duyệt.

Rõ ràng, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ chưa chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư bên ngoài.

Tất nhiên, những chậm trễ này có các yếu tố khách quan, như thị trường tài chính chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, thị trường chứng khoán giảm sút, sức mua cổ phần thấp, nguồn cung dường như vượt quá năng lực hấp thụ của thị trường… Nhưng không ai quyết định tiến độ và chất lượng hoạt động trên ngoài Nhà nước. Nếu cổ phần hóa mà để lại tỷ lệ cổ phần nhà nước ở mức cao, thì nhà đầu tư bên ngoài sẽ không mặn mà. Bản thân doanh nghiệp nhà nước khi không phải đối mặt với kỷ luật thị trường, kỷ luật ngân sách, sẽ thiếu động lực cải thiện quản trị doanh nghiệp và dĩ nhiên, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước khó được cải thiện.

Nhìn lại giai đoạn 2003-2006, cả nước từng cổ phần hóa gần 2.700 doanh nghiệp, đạt trung bình 670 doanh nghiệp/năm. Khi đó, bên cạnh sự phát triển của thị trường chứng khoán, việc đổi mới tư duy và hình thức thực hiện cổ phần hóa đã tác động rất lớn đến kết quả thực hiện. Trước hết là việc đặt ra yêu cầu công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường, khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp, gắn với phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Lần này, mọi động thái liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp hội tụ nhiều yếu tố tích cực hơn, minh bạch hơn, kỷ luật cao hơn, nguyên tắc thị trường rõ ràng hơn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ người đứng đầu tới cấp thực thi. Như vậy, cơ hội để nền kinh tế cơ cấu lại theo đúng yêu cầu của mô hình tăng trưởng mới sẽ dẫn hướng cho các dòng vốn chất lượng cao có thể chảy vào đúng địa điểm mà nền kinh tế đang chờ.

Ngành hàng nào là “mỏ vàng” cho hoạt động mua bán - sáp nhập?
Hàng loạt “lô hàng lớn” sắp được tung ra sẽ trở thành những “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước, hứa hẹn một mùa vàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư