Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cơ hội kinh doanh từ cơ chế phát triển sạch
Thanh Tùng - 15/05/2015 13:32
 
Nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến việc thực hiện các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) tại Việt Nam.

Việt Nam  - thị trường CER tiềm năng

Giống như một số nhà đầu tư trồng rừng hấp thụ carbon ở Việt Nam, Tập đoàn ForestFinance (Đức) vào Việt Nam từ năm 2010 để thực hiện 3 dự án trồng rừng hấp thụ carbon, kéo dài 50 năm, với 573 ha tại Quảng Ninh, 450 ha tại Quảng Trị và 1.500 ha tại Kon Tum.

ForestFinance, tập đoàn chuyên về đầu tư lâm nghiệp và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chỉ đầu tư gần 5.000 USD/ha. Việc trồng và chăm sóc rừng là do các công ty trong nước đảm nhiệm. Sản phẩm thu được của ForestFinance chính là tín chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CER) được cấp bởi Ban Chấp hành quốc tế về cơ chế phát triển sạch. Các tín chỉ này sẽ được ForestFinance bán lại cho các doanh nghiệp có mức phát thải khí nhà kính cao và bị buộc phải cắt giảm.

Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho việc phát triển rừng hấp thụ carbon. Ảnh: GE
Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho việc phát triển rừng hấp thụ carbon. Ảnh: GE

 

Các dự án của ForestFinance được gọi là dự án cơ chế phát triển sạch (CDM). Theo Nghị định thư Kyoto, CDM là cơ chế phát triển sạch, mà theo đó, các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển (như Việt Nam) thực hiện các dự án thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Những dự án này có sản phẩm đầu ra là các tín chỉ CER có thể mua bán được. Mỗi CER được tính tương đương 1 tấn CO2 phát thải.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho việc phát triển rừng hấp thụ carbon, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Rừng tại Việt Nam có thể hấp thụ CO2 tốt hơn nhiều so với rừng ở nhiều quốc gia khác.

Một số doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã chớp cơ hội bán CER thông qua việc trồng rừng tại đây. Chẳng hạn, Công ty Honda Việt Nam cũng đã thực hiện dự án trồng rừng keo theo CDM tại tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2008-2011. Đây là dự án CDM đầu tiên ở Việt Nam được Liên hiệp quốc công nhận. Với việc tái tạo rừng trên 309 ha đất trống, đồi trọc, dự án này hấp thụ khoảng 41.000 tấn CO2 trong 16 năm và thu hút 320 hộ nông dân tham gia.

Cơ hội lớn

Theo Nghị định thư Kyoto, Việt Nam chưa có nghĩa vụ phải cắt giảm khí nhà kính. Do vậy, CDM mở ra nhiều cơ hội mới cho các tổ chức và doanh nghiệp trong việc bán CER cho các doanh nghiệp từ các nước phát triển.

Giá thị trường của 1 CER dao động 30-40 USD, phụ thuộc vào loại dự án và diễn biến thị trường.

Việc kinh doanh CER thông qua trồng rừng chỉ là một trong nhiều cách mà các doanh nghiệp trên thế giới thực hiện. Nhiều dự án CDM tại Việt Nam được thực hiện trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, hóa chất, xây dựng, giao thông, nông nghiệp và trồng rừng.

Theo Cục Khí tượng thủy văn và Biếtn đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các loại dự án CDM tại Việt Nam bao gồm thu hồi khí thải từ bãi rác (7%), thu hồi khí metal (27%), trồng rừng (4%), điện gió (4%), thủy điện (54%) và các dự án khác (4%).

Có thể kể tới các trường hợp điển hình như Công ty Tài chính cổ phần Điện lực, chuyên về đầu tư tài chính và phát triển các dự án năng lượng, hiện đang đẩy mạnh các dự án CDM. Tính đến ngày 31/12/2014, công ty này đã đăng ký thành công CDM cho 14 dự án năng lượng, trong đó có Dự án Thủy điện Đồng Nai 4 với công suất 315 MW và Dự án 1 triệu bóng đèn compact cho 800.000 hộ nghèo tại 21 tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.

Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã được Ban Chấp hành quốc tế về cơ chế phát triển sạch cấp CER cho dự án trị giá 73 triệu USD về thu hồi và sử dụng khí đồng hành từ mỏ dầu Rạng Đông.

Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực 3 vào năm 2011 cũng đăng ký thành công CDM cho Dự án Thủy điện Đakpône, có chu kỳ tín dụng tính sản lượng CERs đầu tiên là 7 năm (từ ngày 2/6/2011 đến 2/6/2018). Các CER thu được từ dự án này được bán cho Công ty Vietnam Carbon Assets (Thụy sỹ).

Nhiều doanh nghiệp từ Bắc Âu, Pháp, Anh, Đan Mạch và Thụy Sỹ cũng đã đến Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các dự án CDM. Đơn cử, một số nhà đầu tư Nhật Bản đã thực hiện các dự án CDM tại Việt Nam, trong khi một số nhà đầu tư Hàn Quốc đã từng hợp tác với TP.HCM xử lý các bãi rác Đông Thanh và Phước Hiệp 1.

Công ty Voluntary Credit (Australia) cũng đã hợp tác với Công ty Vietnam Carbon Exchange trong 1 dự án kéo dài 30 năm, trồng 30.000 ha rừng hấp thụ carbon tại tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2009. Mỗi năm, dự án này có thể hấp thụ 50.000-60.000 tấn sinh khối và 40.000-50.000 tấn CO2. Tổng cộng, dự án này có thể hấp thụ 1,2-1,5 triệu tấn CO2/năm trong vòng 30 năm.

Phát triển sạch là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, việc tìm kiếm những giải pháp thông minh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư