Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Có nên hiến định vai trò kinh tế nhà nước?
Mạnh Bôn - 04/06/2013 07:07
 
Có nên hiến định kinh tế nhà nước trong hay không là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong ngày đầu tiên thảo luận ở Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
TIN LIÊN QUAN
Các đại biểu Quốc hội tập chung thảo luận
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Trong 3 phương án được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra thảo luận sau khi lấy ý kiến nhân dân liên quan đến Điều 54, Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) thẳng thắng lựa chọn phương án 3.

Theo ông Tân, quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế” như Phương án 3 là đầy đủ, vì nếu liệt kê các thành phần kinh tế như Phương án 1 có thể là thiếu hoặc thừa.

“Các thành phần kinh tế đều bình đẳng, quy định như Phương án 3 vừa đảm bảo tính khái quát và ổn định của Hiến pháp khi cơ cấu kinh tế thay đổi. Không quy định kinh tế nhà nước chủ đạo như Phương án 2 và Phương án 1 nhằm khẳng định, Nhà nước không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế”, ông Tân phát biểu.

“Không quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta không theo định hưỡng XHCN”, ông Tân nói.

Cũng đồng tình với Phương án 3, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phân tích, nếu chọn Phương án 1 hoặc Phương án 2 tức là Nhà nước khẳng định ưu tiên hay khuyến khích một thành phần kinh tế nào đó. “Cả 2 phương án này đều không phù hợp”, ông Nhân phát biểu.

"Hiến pháp là đạo luật gốc, chỉ nên ghi nhận nguyên tắc và thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần sở hữu, hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế", - Đại biểu Phạm Trọng Nhận (Ảnh: Đức Thanh)

Hiến pháp là đạo luật gốc, vì vậy, theo ông Nhân, chỉ nên ghi nhận nguyên tắc và thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần sở hữu, hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước không thể bất biến, vì thế việc ưu tiên khuyến khích hay hạn chế thành phần kinh tế nào đó chỉ nên luật định mà không nên hiến định. “Tôi đề nghị chọn Phương án 3”, ông Nhân bày tỏ quan điểm và cho biết, đây cũng là nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục mong muốn hợp tác với Việt Nam.

“Tôi ủng hộ phương án 3”, Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Hồng Hà lên tiếng.

Theo ông Hà, chỉ cần quy định, “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” như Dự thảo xin ý kiến đóng góp của nhân dân là đủ mà không cần phải quy định thêm: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa” như đề xuất của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cũng khẳng định lựa chọn Phương án 3.

Giải thích về sự lựa chọn của mình, bà Lan cho rằng, nếu quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển” như Phương án 1 sẽ đóng khung nền kinh tế trong một mô hình xem chừng rất hợp lý.

Bà Lan cho rằng, quy định như Phương án 1 là bước lùi sau một quá trình dài đã có nhiều chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích đầu tư nước ngoài theo nền kinh tế thị trường đầy đủ, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.

Phản bác lại một số ý kiến cho rằng, nếu không quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo sẽ khó làm chủ được kinh tế chính trị của quốc dân, bà Lan cho rằng, lo ngại này không có cơ sở.

“Trên thực tế, kinh tế nhà nước vẫn phải thực hiện chức năng tham gia điều tiết nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ công mà không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng có khả năng thay thế hoặc tham gia. Có nghĩa là dù không quy định thì kinh tế nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”, bà Lan phân tích.

Vẫn theo bà Lan, chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá, thuế… là những công cụ hữu hiệu giúp Nhà nước điều hành nền kinh tế phát triển công bằng, ổn định, đồng thời khắc phục được những khuyết tật của thị trường. Trong môi trường chung này, không nhất thiết phải quy định thành phần kinh tế nào là chủ đạo, thành phần kinh tế nào là nền tảng, ưu tiên phát triển thành phần kinh tế nào.

Tuy nhiên, để bảo đảm cho nền kinh tế hoạt động thực sự bình đẳng, theo bà Lan, cần phải bổ sung Phương án 3 quy định: “Nhà nước quản lý, điều hành hoạt động kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng cân bằng ổn định của nền kinh tế quốc dân”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư