Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Có nên tăng tín dụng để thúc tăng trưởng kinh tế?
Nguyên Đức - 11/06/2017 14:27
 
Đã có đề xuất về việc tăng dư nợ tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng điều đó có nên hay không?

Bàn về các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nhanh là tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Cụ thể, là tăng khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra, tương ứng với việc tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng. “Mức tăng tín dụng thêm 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ bởi lạm phát cơ bản cho đến nay vẫn diễn biến thuận lợi. Quý I/2017, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,66% so với bình quân năm 2016. Ngay cả tình huống năm 2017, CPI tăng bình quân cao hơn 4% so với năm 2016 nhưng dưới 5% cũng chỉ có tác động kích thích tăng trưởng không đáng lo ngại. Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này phải không điều chỉnh tăng giá điện và giá cả các loại dịch vụ công khác như y tế, giáo dục từ nay đến cuối năm”, đại biểu Lê Thị Thu Hà nói.

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai).
Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai).

Tuy vậy, tranh luận về ý kiến này, đại biểu Trần Tuấn Anh (TP.HCM) cho rằng, giải pháp tăng dư nợ tín dụng mà đại biểu Lê Thu Hà đề cập là “giải pháp nên cân nhắc thận trọng”.

“Kế hoạch tăng dư nợ tín dụng năm nay là 18%, tăng thêm thì thành 20%. Đây là giải pháp nên cân nhắc thận trọng. Nên chăng ưu tiên nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tài khóa tiền tệ cho nền kinh tế hiệu quả hơn, sẽ tốt hơn”, đại biểu Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, thì từ năm 2013 tới nay, Chính phủ đã và đang thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, thông qua các chỉ số, như chỉ số đầu tư về ngân sách tăng, năm 2016 tăng 5,2% so với kế hoạch; bội chi có xu hướng tăng, bình quân năm 2011- 2015 là 5,2%, năm 2016 là 5,64% - cao hơn kế hoạch.

Trong khi đó, mặt bằng thuế suất thì có xu hướng điều chỉnh xuống, tức là đang cung tiền cho nền kinh tế rất mạnh. Với chính sách tiền tệ thì “độ sâu tài chính” M2/GDP cũng tăng, do tín dụng cho nền kinh tế từ năm 2013 trở lại đây đều tăng. Tất cả những chính sách mở rộng này sẽ tăng lượng cung tiền cho nền kinh tế và mở rộng phát triển sản xuất.

Vấn đề nằm ở chỗ, theo đại biểu Trần Tuấn Anh, nghịch lý đã xuất hiện. Đó là việc huy động trái phiếu Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ cũng khá lớn, năm 2016 là 60.000 tỷ đồng, năm 2017 khoảng 50.000 tỷ đồng. Phát hành lớn nhưng giải ngân không hết. Năm 2016 còn chuyển qua năm 2017 là 12.500 tỷ đồng. Nhưng năm 2017 tới nay thì giải ngân chỉ được 10,4% kế hoạch.

“Chúng ta hút tiền ở nền kinh tế vào mà lại giải ngân chậm tức là triệt tiêu chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng của nền kinh tế, nên sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Tuấn Anh cũng đã nhắc đến mức thâm hụt ngân sách và nợ công đang tăng lên trong thời gian gần đây, gần chạm mức 65% (hiện nay là 63,7%). Gánh nặng nợ công khiến áp lực trả nợ ngày càng tăng, huy động nguồn lực của nền kinh tế vào, vừa để ngăn chặn, vừa phục vụ cho việc trả nợ công thì làm cho chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng sẽ bị triệt tiêu.

“Nghịch lý trong điều hành chính sách tiền tệ là ở chỗ này. Hiệu quả việc thực thi chính sách tiền tệ bị hạn chế. Và đây chính là một nguyên nhân rất quan trọng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt được kế hoạch đề ra”, đại biểu Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tín dụng 5 tháng tăng cao nhất 8 năm qua, lại lo tiền chảy vào lĩnh vực nóng
Tăng trưởng tín dụng có thể được nới lỏng 1-2% so với mục tiêu đặt ra đầu năm, song nhiều người lo ngại, vốn ngân hàng đang chảy vào những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư