Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cổ phần hoá Genco3: Bung hàng… khủng
Thanh Hương - 24/08/2016 09:31
 
Phương án cổ phần hoá (CPH) Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Bộ Công thương trình lên Chính phủ và đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Genco 3 cho hay, hiện phương án CPH đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quyết định của EVN, thời điểm chốt giá trị doanh nghiệp của Genco 3 là ngày 1/1/2015 và tổng giá trị doanh nghiệp là 91.433 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 24.897 tỷ đồng. Bộ Công thương và EVN cũng đề xuất bán tới 49% vốn điều lệ của nhà nước tại Genco 3.

Genco 3 cũng là đơn vị được chọn là tiên phong trong số 3 tổng công ty phát điện của EVN để tiến hành CPH. Kế hoạch cũng được đặt ra, sau khi thí điểm CPH Genco 3 sẽ tiếp tục triển khai với Genco 1 và Genco 2. Các Genco này sau khi CPH sẽ hoạt động độc lập với EVN. Hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp tại Genco 1 đang được đơn vị tư vấn CPH thực hiện và trình lên Ban chỉ đạo CPH Genco 1 xem xét. Với Genco 2, công việc mới được bắt đầu khi Ban chỉ đạo CPH mới được thực hiện. CPH 3 tổng công ty phát điện cũng là trọng tâm của công tác tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, trọng tâm của công tác tái cơ cấu EVN.

Genco3 được chọn là đơn vị tiên phong của Tổng công ty phát điện EVN tiến hành cổ phần hóa
Genco3 được chọn là đơn vị tiên phong của Tổng công ty phát điện EVN tiến hành cổ phần hóa

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN, tiêu chí đặt ra cho tiến trình tái cơ cấu giai đoạn này là việc sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc EVN phải theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động với đạt mục tiêu đứng trong top 4 nước ASEAN về lĩnh vực điện lực.

Tính đến hết năm 2015, EVN đã hoàn thành toàn bộ các nội dung của Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015 theo Quyết định 1782/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm của giai đoạn này là thoái vốn toàn bộ các lĩnh vực không phải ngành nghề sản xuất chính và giảm vốn tại 7 CTCP theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và đã thành công hơn mong đợi khi EVN hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất chính và có thặng dư.

Cụ thể, Công ty mẹ - EVN đã hoàn thành việc thoái/giảm vốn tại 7 CTCP trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với tổng giá trị phải thoái/giảm vốn theo mệnh giá là 1.959,2 tỷ đồng. EVN cũng hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại 2 CTCP phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính là Công ty Cơ điện Miền Trung và Công ty Cơ khí Điện lực, giảm vốn tại Công ty Cơ điện Thủ Đức và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh.

Với số vốn nhà nước tại Genco 3 gần 25.000 tỷ đồng và đề xuất bán tới 49% phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sẽ có một khối lượng cổ phiếu lớn đang chờ được tung ra thị trường qua câu chuyện CPH và IPO Genco 3. Nút thắt lớn nhất trong việc CPH và IPO Genco 3 nói riêng cũng như nhiều doanh nghiệp khác của ngành điện nói chung vẫn là giá điện. Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Genco 3 đã không ngại ngần chia sẻ rằng, bản chất là giá điện, nếu giá tốt thì có người mua.

Theo các chuyên gia, các nhà máy điện thuộc nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, do đó, thông thường các nhà đầu tư quan tâm tới xu hướng đầu tư dài hạn 10-15 năm. Nhà máy điện dù lợi nhuận có thể không cao như một số lĩnh vực khác, nhưng xét về lâu dài nhà đầu tư sẽ thấy ngành điện ít rủi ro hơn so với nhiều ngành khác. 

Ngoài các Genco, EVN vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia (EVN NPT), đồng thời, nghiên cứu các giải pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính của EVN NPT để đảm bảo năng lực đầu tư phát triển lưới điện truyền tải trong giai đoạn tới. Dẫu vậy, EVN NPT cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu, trong đó sẽ tách biệt khâu quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện và khâu dịch vụ sửa chữa nhằm tối ưu hóa, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và tiến tới có thể tiến hành cổ phần hoá, xã hội hoá khâu dịch vụ sửa chữa.

Cũng còn 5 tổng công ty điện lực thuộc EVN hoạt động trong khâu phân phối và kinh doanh điện sẽ được tiến hành tái cơ cấu nhằm tách bạch về hạch toán chi phí giữa khâu phân phối và bán lẻ. Theo kế hoạch, cùng với việc vận hành thị trường điện cạnh tranh Việt Nam hoàn hảo, các Tổng công ty điện lực sẽ được tách ra và cổ phần hoá để cạnh tranh ngay trong khâu bán lẻ cuối cùng.

Mặc dù đang tập trung các nguồn lực để triển khai tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, nhưng lãnh đạo EVN cũng cho biết, tái cơ cấu là một quá trình không thể chủ quan, và trong khi thực hiện vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân, không ảnh hưởng xấu đến các khách hàng và đối tác, không tăng thêm các chi phí và giảm thiểu phát sinh các đầu mối quản lý trung gian.

Tư duy quốc doanh làm khó cổ phần hóa
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chậm khi 7 tháng qua, cả nước mới tiến hành cổ phần hóa được 39 doanh nghiệp và 2 đơn vị sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư