Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Cổ phiếu bảo hiểm trở thành tâm bão
Chí Tín - 22/07/2015 13:27
 
Sau khi nhóm cổ phiếu ngân hàng làm mưa làm gió trên thị trường trong quý II/2015, thì cổ phiếu ngành bảo hiểm đã trở thành tâm bão trên sàn chứng khoán trong tháng 7 này.
.
Cổ phiếu BVH bùng nổ mạnh mẽ, khi tăng từ mốc dưới 40.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 65.000 đồng/cổ phiếu.

 

Cổ phiếu BVH của “anh cả” ngành bảo hiểm là Tập đoàn Bảo Việt từ cuối tháng 6 đến nay đã bùng nổ mạnh mẽ, khi tăng từ mốc dưới 40.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 65.000 đồng/cổ phiếu. BVH nổi sóng đã ảnh hưởng khá tích cực đến thị trường chung, bởi đây là một trong 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, với khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 400.000 cổ phiếu/phiên. Trong mấy phiên gần đây, cổ phiếu BVH tuy có điều chỉnh, nhưng vẫn treo ở mức giá khá cao so với cách đây 1 tháng, đến đầu phiên chiều 22/7, thị giá cổ phiếu này là 53.000 đồng/cổ phiếu.

Việc Bảo Việt vừa lọt top 10 doanh nghiệp niêm yết có uy tín nhất trên truyền thông năm 2015 do Vietnam Report bình chọn được xem là một yếu tố quan trọng góp phần tạo sức nóng cho cổ phiếu BVH trong 1 tháng qua.

Theo thống kê của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cổ phiếu BID của BIDV và cổ phiếu BIC của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV lọt top cổ phiếu bứt phá mạnh nhất. Tốc độ tăng thị giá của 2 cổ phiếu so với đầu năm có thời điểm đạt mức tăng tương ứng 110% và 98%.

BIC cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm đạt 730,5 tỷ đồng, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 74,4 tỷ đồng, tăng 11%. BIC tiếp tục có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Trong khi đó, cổ phiếu PVI của Công ty cổ phần PVI chỉ từ tháng 6 đến nay đã bật mạnh từ mốc hơn 16.000 đồng/cổ phiếu lên mốc gần 23.000 đồng/cổ phiếu, và hiện đang ở mức 20.100 đồng/cổ phiếu.

Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu hợp nhất của PVI đạt 4.722 tỷ đồng, hoàn thành 109% kế hoạch 6 tháng và thực hiện 56% kế hoạch năm. Doanh thu bảo hiểm gốc PVI đạt 3.599 tỷ đồng, hoàn thành 103,3% kế hoạch 6 tháng. Doanh thu tái bảo hiểm đạt 753 tỷ đồng, hoàn thành 143,5% kế hoạch 6 tháng. Doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính ước đạt 343 tỷ đồng, hoàn thành 106,5% kế hoạch 6 tháng.

So với PVI, nhịp tăng của cổ phiếu PTI (Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện) xuất phát chậm hơn, khi bắt đầu tăng tốc từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, sức bật của PTI cũng khá ấn tượng, tăng từ hơn 15.000 đồng hồi đầu tháng 7 lên mốc gần 20.000 đồng, sau đó có điều chỉnh xuống 18.100 đồng/cổ phiếu.

Được biết, PTI đang tấn công mạnh vào lĩnh vực bán hàng trực tuyến. Mới đây, PTI đã ra mắt phiên bản mobile cho website bán bảo hiểm trực tuyến. Hiện nay, mặc dù doanh thu từ bán bảo hiểm trực tuyến chưa cao, ngay cả tại doanh nghiệp mạnh về lĩnh vực này như PTI, thì doanh thu bán hàng trực tuyến tính đến hết ngày 30/6/2015 mới chiếm khoảng 1% tổng doanh thu bảo hiểm gốc, song các công ty bảo hiểm vẫn đặt khá nhiều kỳ vọng vào sự bùng nổ từ hoạt động này trong thời gian tới.

Bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc Trung tâm Bán hàng trực tuyến và Chăm sóc khách hàng của PTI cho biết, về lâu dài, bảo hiểm trực tuyến sẽ phát triển mạnh bởi một số lợi ích, như khách hàng được chủ động lựa chọn sản phẩm lợi phù hợp với nhu cầu, mức phí bảo hiểm trực tuyến thường thấp hơn phí bảo hiểm thông thường, nhiều chương trình ưu đãi… 

Ngoài các cổ phiếu trên, thời gian qua, hầu hết các cổ phiếu bảo hiểm khác cũng đều biến động mạnh. Từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu PGI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex đã nổi sóng tăng từ mốc 13.000 đồng/cổ phiếu lên 16.500 đồng/cổ phiếu và sau đó giảm xuống 13.900 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu BMI của Công ty cổ phần Bảo Minh tăng từ mốc trên 16.000 đồng/cổ phiếu lên trên 24.000 đồng/cổ phiếu, đến đầu giờ chiều 22/7 là 22.700 đồng/cổ phiếu…

Cơn lốc tăng giá của cổ phiếu bảo hiểm thực chất đã được một số chuyên gia dự báo từ trước. Hồi cuối tháng 6/2015, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra báo cáo phân tích cho rằng, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang bị định giá thấp so với tiềm năng tăng trưởng. Theo đó, sự bứt phá của cổ phiếu ngành này trong tháng 7 là hoàn toàn có cơ sở, xuất phát từ các yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp nhóm ngành này.

Nên sớm "xóa tên" các công ty chứng khoán ốm yếu
(ĐTCK) Việc khó “xóa tên” các công ty chứng khoán đang được nhìn nhận là gây nên nhiều hệ lụy đáng ngại. Nếu tình trạng này không sớm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư