Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cổ phiếu ngân hàng khó đi ngược thị trường
Khắc Lâm - 28/07/2017 09:10
 
Thông tin tích cực về kết quả kinh doanh, chính sách hỗ trợ cơ cấu, xử lý nợ xấu của Chính phủ dường như chưa đủ mạnh để giúp cổ phiếu của nhóm ngân hàng đi ngược thị trường trong bối cảnh Chỉ số VN-Index chịu áp lực điều chỉnh sau nửa năm tăng trưởng mạnh.

Những kết quả tích cực

Thông tin từ các ngân hàng cùng các báo cáo tài chính công bố cho thấy, ngành ngân hàng đã có nửa đầu năm 2017 kinh doanh khá khả quan.

Chẳng hạn, tại Ngân hàng MB, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II đạt 1.412 tỷ đồng, tăng 44,14%; lợi nhuận 6 tháng đạt 2.524 tỷ đồng, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Vietcombank, kết thúc quý II/2017, lợi nhuận trước thuế đạt 2.517 tỷ đồng, tăng 27%; lũy kế 6 tháng đạt 5.254,8 tỷ đồng, tăng 22,79% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 57,1% kế hoạch năm.

.
Nhà đầu tư kỳ vọng, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực trong nửa cuối năm 2017

Chung chiều hướng tích cực, BIDV cho biết, các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 3.708 tỷ đồng, tăng 11,44% so với cùng kỳ và hoàn thành 47,85% kế hoạch năm. Hay tại Sacombank, theo báo cáo tài chính quý II/2017, lãi trước thuế 6 tháng đạt 578,5 tỷ đồng, gấp 27 lần cùng kỳ năm 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 422 tỷ đồng (cùng kỳ là 2,5 tỷ đồng).

Một ngân hàng khác cũng ghi nhận kết quả tốt là VietinBank. Dù chưa có báo cáo tài chính, nhưng Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ước đạt hơn 4.700 tỷ đồng, hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm.

Câu chuyện tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm cũng là bức tranh chung của nhiều ngân hàng khác như VIB, TPBank, KienLong Bank, Saigon Bank… Dù vậy, kết quả này không khiến thị trường bất ngờ trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng 7,54% so với cuối năm 2016; kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá ổn định; tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý trước đó; lạm phát được kiểm soát; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; xuất khẩu tăng...

Vẫn còn nhiều lo ngại

Bên cạnh bức tranh lợi nhuận tích cực, báo cáo tài chính của nhóm ngân hàng cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, như xử lý nợ xấu còn chậm, nợ xấu giảm về tỷ lệ, nhưng tăng về con số tuyệt đối.

Chẳng hạn, tại thời điểm cuối quý II/2017, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng MB là 1,28% tổng dư nợ, dù giảm nhẹ 0,04% so với mức 1,32% cuối 2016, nhưng trong cơ cấu nợ, ngoại trừ nợ dưới tiêu chuẩn giảm, thì cả nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đều tăng mạnh, trong đó riêng nợ nhóm 5 tăng 81,2% so với cuối năm 2016.

Tại Vietcombank, tính đến ngày 30/6/2017, Ngân hàng có 7.922 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,51% dư nợ cho vay. Dù tỷ lệ nợ xấu không đổi so với đầu năm, song xét về con số tuyệt đối thì đã tăng thêm 986 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 tăng tới 24%, từ 4.247 tỷ đồng lên 5.287 tỷ đồng. Tương tự tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu dù có giảm giảm về tỷ lệ 1,9% từ mức 1,99% cuối năm trước, nhưng số tuyệt đối lại gia tăng ở hầu hết các nhóm.

Ngoài nợ xấu, trong 6 tháng đầu năm, dù ghi nhận nhiều đề xuất hỗ trợ của Nhà nước, song việc thực thi còn khá hạn chế. Việc huy động vàng, ngoại tệ trong dân được bàn luận nhiều, nhưng mới chỉ dừng lại ở các đề xuất, phản biện, chưa hình thành chính sách cụ thể. Đặc biệt, việc tái cấu trúc qua mua bán - sáp nhập (M&A) chưa đạt như kỳ vọng.

Các thương vụ M&A gần đây, như Ngân hàng ANZ bán lại mảng bán lẻ cho Shinhan Bank, hay Ngân hàng Commonwealth Bank of Ausatralia (CBA) bán Chi nhánh TP.HCM cho Ngân hàng VIB chỉ là những thương vụ nhỏ (bán lại một mảng hoặc một chi nhánh) liên quan đến thay đổi chiến lược của một số ngân hàng ngoại, trong khi những thương vụ được chờ đợi như sáp nhập VietinBank với PG Bank vẫn còn vướng. Trong khi đó, việc M&A các ngân hàng thuộc diện bắt buộc phải xử lý chưa mấy tiến triển.

Liên quan M&A các ngân hàng bắt buộc phải xử lý, thông tin được chú ý nhất là việc Ocean Bank đang đàm phán bán lại cho đối tác nước ngoài. Theo ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), thương vụ này đang ở giai đoạn II của quá trình soát xét, đánh giá toàn diện.

Mới đây, ngày 19/7/2017, Chính phủ ra Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch Đầu tư kết hợp hỗ trợ phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 nhằm đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Hiệp ước Basel II. Quyết định này được xem là có ý nghĩa rất lớn đối với BIDV, VietinBank và Vietcombank - 3 ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm trên 50% vốn.

Tuy nhiên, ở góc độ nhà đầu tư, với động thái trên, các ngân hàng này có thể sẽ xem nhẹ việc trả cổ tức bằng tiền mặt. Do vậy, tác động của thông tin đến các cổ phiếu trên thị trường có nhiều đánh giá trái chiều.

Với sự ổn định và tích cực của kinh tế vĩ mô, nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực trong nửa cuối năm 2017. Nhưng về ngắn hạn, trong khi kết quả kinh doanh đã phản ảnh vào các đợt tăng giá từ đầu năm và không ghi nhận thêm nhiều thông tin đột biến, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá sẽ khó có đủ động lực đi ngược thị trường trong bối cảnh áp lực giảm điểm đang đè nặng lên VN-Index và tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng sau giai đoạn tăng trưởng mạnh kể từ đầu năm.

Cổ phiếu ngân hàng có thêm "năng lượng"
Thêm các tân binh ngân hàng đổ bộ lên sàn chứng khoán và kết quả kinh doanh lạc quan của các ngân hàng đang niêm yết là các tín hiệu tốt thổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư