Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cổ phiếu VGC quyết "nhảy sàn" sang HoSE trong năm 2018
Thế Hải - 02/07/2018 15:37
 
Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (mã chứng khoán: VGC) đang thực hiện các thủ tục để quý IV/2018 chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu VGC từ sàn HNX sang HoSE.

Viglacera chuyển sàn trong quý IV/2018

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2018 của Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, các cổ đông đã nhất trí cao với chủ trương chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), đồng thời giảm tỷ lê vốn nhà nước tại Viglacera xuống còn 36%.

“Công ty dự kiến hoàn tất các thủ tục trong quý IV/2018 để có thể thực hiện công tác chuyển sàn từ HNX sang HoSE”, ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Viglacera cho hay.

.
Việc niêm yết trên HoSE sẽ giúp cổ phiếu VGC có “đất diễn” tốt hơn, thuận lợi cho quá trình thoái vốn nhà nước

Theo đánh giá của HĐQT, với quy mô vốn hóa thị trường hiện nay, việc niêm yết trên HoSE sẽ giúp cổ phiếu VGC có “đất diễn” tốt hơn, tối đa hóa giá trị đầu tư cho cổ đông. 

Một yếu tố thuận lợi nữa là, năm qua, thị trường bất động sản khởi sắc đã hỗ trợ hoạt động kinh doanh, bán hàng của Viglacera, với lợi nhuận trước thuế của mảng bất động sản đạt 305 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2016.

Về kế hoạch cho năm 2018, Viglacera đặt mục tiêu lãi 950 tỷ đồng, ứng với doanh thu hợp nhất 9.100 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức duy trì ở 9,5%. Vốn điều lệ cũng giữ nguyên 4.483,5 tỷ đồng.

Năm 2018, lợi nhuận và doanh thu chính sẽ đến từ lĩnh vực bất động sản. Theo chia sẻ của lãnh đạo Viglacera, Công ty đầu tư vào Khu công nghiệp Đồng Văn IV khá đồng bộ, với 167 ha. Trong đó, diện tích đất cho thuê là 50 ha, chiếm 24%, đạt doanh số 500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2023 sẽ lấp đầy và có thể mở rộng thêm 300 ha.

Năm 2017, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Viglacera hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông giao, với tổng doanh thu 9.197 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 914 tỷ đồng và chi 426 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 9,5%.

Năm 2017, lợi nhuận trước thuế mảng vật liệu xây dựng của Viglacera đạt 744 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016, với tất cả nhóm sản phẩm đều có lãi.

Với Dự án Yên Phong mở rộng, hiện đã đầu tư khoảng 50%, thu hút 20 khách hàng, với tổng diện tích cho thuê 47 ha, chiếm 23% đất thương phẩm. Doanh số và giá cho thuê hiện khá tốt. 

“Theo số liệu sơ bộ trong 6 tháng đầu năm, riêng lĩnh vực bất động sản đạt doanh thu khoảng 210 tỷ đồng, so với kế hoạch cả năm là 400 tỷ đồng”, lãnh đạo Viglacera cho biết.

Viglacera sẽ tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ tại các đơn vị đã được Bộ Xây dựng chấp thuận, đồng thời tái cơ cấu sở hữu vốn tại các công ty con. Cụ thể, Viglacera dự kiến tăng vốn điều lệ ở một số công ty con, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của các đơn vị, gồm: Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng lên 165 tỷ đồng; Công ty cổ phần Kính Viglacera Đáp Cầu tăng vốn từ 80 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng…

Năm 2019 sẽ thoái hết vốn nhà nước tại Viglacera

Trong cơ cấu cổ đông của Viglacera, Bộ Xây dựng hiện nắm giữ 53,97% vốn. Trong tháng 7/2018, nếu thoái vốn thành công, tỷ lệ vốn nhà nước tại Viglacera sẽ giảm còn 36%.

Ông Luyện Công Minh cho biết, Tổng công ty đã thực hiện bán vốn nhà nước vào ngày 28/6/2018, nhưng do áp lực bán quá mạnh, nên việc chào bán không thành công. Kế hoạch bán sẽ kéo dài tới ngày 21/7. Nếu vẫn không thành công, Viglacera sẽ xin gia hạn thêm 60 ngày nữa.

“Với việc đưa tỷ lệ vốn nhà nước xuống còn 36%, Viglacera sẽ có thay đổi cơ bản về sở hữu vốn và có sự tham gia của các nhà đầu tư trong công tác quản trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Tổng công lên tầm cao mới”, ông Luyện Công Minh kỳ vọng.

Theo lộ trình thoái vốn, Bộ Xây dựng dự kiến, đến năm 2019 sẽ rút toàn bộ vốn tại Viglacera.

Nằm trong kế hoạch đầu tư, tận dụng cơ hội thị trường trong các mảng xương sống của mình, Viglacera còn dự kiến hợp tác đầu tư sản xuất - kinh doanh với Tập đoàn ROCA (Tây Ban Nha) trong lĩnh vực sản xuất sứ vệ sinh - sen vòi bằng hình thức thành lập các công ty liên doanh (hoặc công ty cổ phần) từ các công ty được đầu tư xây dựng mới và các công ty hiện hữu. 

Dự kiến, trong quý III/2018, Viglacera sẽ thành lập Liên doanh SANVIG với đối tác Cuba. Hiện tại, 2 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng với sự tham gia của Viglacera tại Cuba đang được đầu tư cải tạo để cuối năm nay có thể đưa vào hoạt động. Cơ hội kinh doanh ở Cuba được đánh giá là khá tốt do nhu cầu vật liệu xây dựng rất cao. 

Trước xu hướng thị trường vật liệu xây dựng đang thay đổi mạnh mẽ, các dự án đầu tư của Viglacera sẽ “chất” hơn. Tổng giám đốc Viglacera, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin, năm 2018, Viglacera sẽ đầu tư mạnh vào các dự án công nghệ cao, dự án “xanh” thân thiện với môi trường.

Cụ thể, kế hoạch đầu tư phát triển của Viglacera trong năm 2018 tập trung vào các lĩnh vực vật liệu xây dựng công nghệ cao, dự án xanh và các dự án đô thị nhà ở.

Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, Viglacera tập trung vào các dự án đầu tư bổ sung các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm “xanh” như kính siêu trắng, kính tiết kiệm năng lượng, gạch bê tông khí chưng áp, gạch granite in kỹ thuật số thân thiện với môi trường...

Bộ Xây dựng muốn bán hơn 80 triệu cổ phiếu Viglacera với giá cao hơn giá trên sàn
Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thoái vốn tại Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) xuống 36% trong thời gian từ 27/6 đến 21/7 thông qua việc bán khớp lệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư