Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Có thể lập sàn chứng khoán cho start-up
Chí Tín - 10/06/2016 14:16
 
Việt Nam có thể sớm có sàn chứng khoán riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) khi các cơ quan nhà nước đang “xắn tay” hiện thực hóa ý tưởng này.

Khởi nghiệp ở Việt Nam dù là khái niệm mới, nhưng đã và đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ trong xã hội, đặc biệt trong thế hệ trẻ và được Chính phủ hết sức quan tâm, khuyến khích. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn đối với các start-up là vốn, đặc biệt trong giai đoạn ươm mầm và tăng tốc. Do đó, việc xây dựng một sàn chứng khoán riêng cho start-up nhằm tạo kênh dẫn vốn cho loại hình doanh nghiệp này sẽ là chiếc chìa khóa vàng mở toang cánh cửa dẫn vốn cho những ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp đang khát vốn.

Thực tế, việc mở sàn chứng khoán cho start-up không phải là ý tưởng viển vông, mà đã từng được một số nền kinh tế thực hiện thành công như Hàn Quốc, Đài Loan…

.
Việc hình thành một sàn chứng khoán cho start-up được kỳ vọng sẽ trở thành sân chơi để kết nối các start-up với các nhà đầu tư có vốn

Cụ thể, mô hình sàn giao dịch KONEX của Hàn Quốc dành cho các start-up đã thành công sau hơn 2 năm vận hành (từ cuối năm 2013 đến cuối năm 2015 với quy mô vốn hóa tăng hơn 8 lần (xấp xỉ 4,1 tỷ USD) và hiện có 88 doanh nghiệp niêm yết so với 21 doanh nghiệp lúc ban đầu, trong đó có không ít cổ phiếu đã được chuyển lên sàn giao dịch chính thức.

Một tín hiệu tốt có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp là ngày 7/6/2016, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, đã diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam và Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc. Nội dung của Bản ghi nhớ tập trung vào việc trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan tới các định chế tài chính trong phạm vi giám sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam và Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc. Hai bên cũng dự kiến chia sẻ phương pháp giám sát (các chỉ tiêu lành mạnh tài chính, xử lý dữ liệu...), thông tin về cơ chế điều phối nội bộ và cơ chế điều phối với các cơ quan quan trọng trong mạng lưới an toàn tài chính.

Ngoài ra, Bản ghi nhớ còn nhằm trao đổi thông tin về các hoạt động giám sát tài chính và các hoạt động của các định chế tài chính phù hợp với các quy định của mỗi nước; hợp tác về đào tạo cán bộ và hỗ trợ kỹ thuật trong hoạt động giám sát tài chính.

Đến nay, Việt Nam tuy chưa có sàn chứng khoán chính thức cho start-up, nhưng nhu cầu đầu tư vào các doanh nghiệp này đang âm thầm tồn tại. Theo đó, có những quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn ráo riết “săn” những ý tưởng khởi nghiệp có tính khả thi cao để rót vốn. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư IDG ASEAN cho biết, nền kinh tế Việt Nam hiện đã thu hút nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ này rất quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp.

Hiện Việt Nam có 40 quỹ đầu tư có vốn trên dưới 50 triệu USD và các quỹ đầu tư nhắm vào các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hình thành cho thấy nhu cầu tìm kiếm các start-up để rót vốn đầu tư trong thời gian tới là không nhỏ. Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã đồng sáng lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP.HCM (HSIF), với mức tài trợ 30 tỷ đồng. Đây là quỹ đầu tư đầu tiên của TP.HCM bảo trợ và đầu tư cho các start-up.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, hiện vẫn còn khoảng cách giữa nhà đầu tư và start-up, nên số vốn mà các start-up huy động được trên thị trường để lập nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn. Với bối cảnh như hiện nay, việc hình thành một sàn chứng khoán cho start-up được kỳ vọng sẽ trở thành sân chơi để kết nối các start-up với các nhà đầu tư có vốn, sẵn sàng đầu tư cho loại hình doanh nghiệp này.

Liên quan vấn đề xây dựng kênh dẫn vốn cho các start-up, ông Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Chính phủ cho biết, đặc thù tài trợ vốn cho hoạt động khởi nghiệp khác với tài trợ vốn cho các hoạt động kinh doanh vì tính mạo hiểm, nên tài trợ vốn truyền thống như ngân hàng là không thích hợp. Vì vậy, tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp sẽ trông vào các nhà đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư…

Bên cạnh việc tạo một kênh kết nối về vốn cho các start-up, nếu được hỗ trợ kinh nghiệm từ các quỹ đầu tư lớn, các doanh nghiệp này cũng sẽ dễ dàng tiếp cận những hướng phát triển mới, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ phục vụ kinh doanh.

Mới đây, Tổ chức tài chính PwC đã đưa ra bản đánh giá cho thấy, công nghệ đã khiến ngành dịch vụ tài chính thay đổi mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Theo đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết định dựa vào đội ngũ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và đổi mới hoạt động. Đây là những nghiên cứu có tính định hướng cho các start-up.

Sớm xây dựng sàn chứng khoán chuyên biệt tạo vốn cho khởi nghiệp
Đó là đề xuất của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội thảo phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư