Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
“Có vấn đề” trong tặng thưởng các danh hiệu cho PVC
Mạnh Bôn - 22/07/2016 08:02
 
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, TS. Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XIII cho rằng, việc phong tặng, tặng thưởng các danh hiệu cao quý cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) là có vấn đề.

Việc phong tặng, tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động cho PVC, theo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là thực hiện theo đúng quy trình. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Tôi không bình luận về việc phong tặng, trao tặng những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho PVC có đúng quy trình hay không, nhưng tôi thấy, việc trao tặng và phong tặng này có vấn đề. Lý do là, rất ít tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được trao tặng, phong tặng các danh hiệu cao quý liên tiếp như PVC.

.
TS. Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XIII

Cụ thể, năm 2009, Tổng công ty này được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì thì ngay năm sau (năm 2010), lại được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm tiếp theo (năm 2011) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Điều rất trớ trêu là, ngay năm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2011), thì PVC bắt đầu quá trình thua lỗ với tổng số tiền lỗ trong 3 năm liên tiếp (2011 - 2013) lên tới gần 3.300 tỷ đồng.

Xét tặng danh hiệu năm 2011 căn cứ vào kết quả, thành tích của những năm trước đó và hồ sơ được hoàn thiện vào năm 2010 - thời điểm PVC vẫn hoạt động bình thường thì có gì sai đâu?

Tôi chưa nói là việc xét tặng, phong tặng phần thưởng cao quý là sai hay đúng, nhưng tôi nói là có vấn đề. Tôi cho rằng, việc xét tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2009 có thể là đúng, vì đây là sự ghi nhận, đánh giá nỗ lực của tập thể người lao động, ban lãnh đạo PVC có đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành, của nền kinh tế cũng như xã hội trong nhiều năm trước đó.

Nhưng việc xét tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2010 có vấn đề, vì chỉ sau một năm, PVC chưa thể làm được những gì đặc biệt xuất sắc để được tặng Huân chương cao quý này. Đặc biệt, với việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011, tức là đúng 1 năm sau khi được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, chắc chắn PVC không có cống hiến gì đặc biệt suất sắc để được tặng danh hiệu cao quý đó. Hơn nữa, việc PVC bắt đầu lỗ từ năm 2011 - năm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động - xuất phát từ những tồn tại, hạn chế từ những năm trước mà năm 2011 vẫn được đề nghị phong tặng danh hiệu này thì đúng là có vấn đề.

Nói như vậy thì quy chế, quy trình, tổ chức phong tặng các phần thưởng cao quý có vấn đề?

Thực tế, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương không thể có đủ nguồn nhân lực, thời gian để thẩm tra, kiểm tra lại tất cả thông tin trong hồ sơ đề nghị xét tặng thưởng huân chương, huy chương hay các phần thưởng cao quý khác cho tất cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mà tin vào hồ sơ dưới cơ sở thẩm định, xác nhận gửi lên. Vì vậy, trách nhiệm để xảy ra tình trạng khen thưởng, tặng thưởng, phong tặng bắt đầu từ tổ chức, doanh nghiệp đề nghị lên cấp trên. Cấp trên thẩm định, kiểm tra nếu thấy xứng đáng thì đề nghị lên cấp trên nữa thẩm định, kiểm tra và nếu thấy xứng đáng mới chuyển lên Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Trong trường hợp của PVC, Tổng công ty này thấy xứng đáng được tặng thưởng danh hiệu, nên làm hồ sơ đề nghị lên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). PVN thẩm định hồ sơ và chuyển tiếp lên Bộ Công thương và sau khi thẩm định, thấy PVC xứng đáng được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao, Bộ Công thương mới chuyển hồ sơ lên Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Có nghĩa là, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương không có lỗi gì trong việc này, thưa ông?

Phấn đấu để được tặng thưởng, phong tặng anh hùng, huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen là sự nỗ lực liên tục trong nhiều năm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được nhận phần thưởng cao quý, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lao động, phải là những đơn vị, cá nhân tiêu biểu, có thành tích thực sự xuất sắc, thực sự nổi bật, là niềm tự hào của cả địa phương, bộ, ngành, vì đây là tấm gương sáng để cả xã hội noi theo.

Vì vậy, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang phải làm hết sức cẩn trọng. Cụ thể, trước khi đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phải làm việc trực tiếp với hội đồng thi đua - khen thưởng ở cơ sở và phải nhận được văn bản khẳng định đơn vị đó, cá nhân đó hoàn toàn xứng đáng được phong tặng danh hiệu cao quý.

Ngay sau khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, PVC rơi vào thua lỗ. Qua sự việc này, có lẽ người dân sẽ hoài nghi với các tổ chức, cá nhân được tặng thưởng, phong tặng danh hiệu cao quý?

Theo tôi, PVC chỉ là hiện tượng cá biệt, hy hữu, còn tuyệt đại đa số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được tặng thưởng, phong tặng danh hiệu cao quý là xứng đáng với công lao đóng góp của họ cho cộng đồng và cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Qua sự việc đáng tiếc xảy ra ở PVC, đã đến lúc phải nghiên cứu, đánh giá, phân tích lại quy trình, thủ tục khen thưởng, đừng để tình trạng tháng trước khen thưởng, tặng thưởng, tháng sau thua lỗ, vi phạm pháp luật, dẫn đến làm giảm lòng tin của người dân đối với những danh hiệu, bằng khen...

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Tổng bí thư yêu cầu kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Tổng bí thư giao Ủy ban kiểm tra Trung ương tiến hành các công việc thuộc thẩm quyền, trong đó có kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với nguyên Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư