Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Con đường gốm sứ ven sông Hồng sắp có diện mạo mới
Đinh Thuận (BNews/TTXVN) - 09/12/2017 07:30
 
Sau thời gian bị xuống cấp, từ đầu tháng 12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã trùng tu con đường gốm sứ ven sông Hồng, đảm bảo cảnh quan cho công trình văn hóa của Thủ đô.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng sắp có diện mạo mới. Ảnh: thanglong.chinhphu.vn
Con đường gốm sứ ven sông Hồng sắp có diện mạo mới. Ảnh: thanglong.chinhphu.vn

Tổng vốn đầu tư dự án trên 2,5 tỷ đồng. Trước mắt, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện thí điểm một đoạn dài 1,01 km từ số nhà 1053 đường Hồng Hà đến đường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm. Đơn vị thi công sẽ thực hiện gia cố vết rạn nứt và hàn vá những chỗ bong tróc để sửa chữa, bảo dưỡng lại công trình.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nghệ thuật Tân Hà Nội – đơn vị thi công cho biết: Với những chỗ nứt vỡ sẽ được đục rộng ra để trát keo và xi măng tạo độ dãn nở đồng thời tiếp tục vá vào các mảnh gốm. Một số trụ sắt phía sau cũng được gia cố để bức tường tranh thêm vững chắc. Việc bảo dưỡng lần này sẽ làm triệt để đảm bảo độ đẹp và bền cho bức tranh gốm.

Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài gần 4km với diện tích khoảng 6.500 m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Đây chính là bức tranh gốm đa dạng mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng… đã đạt kỷ lục Guiness bức tranh gốm dài nhất thế giới. Tháng 5/2010 công trình được khánh thành sau 3 năm xây dựng.

Hiện tại, đơn vị thi công đang tích cực sửa chữa, dự kiến hoàn thành trước Tết âm lịch Bính Thân. Nếu phương án sửa chữa, gia cố đạt hiệu quả, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục trình UBND thành phố Hà Nội phương án thực hiện đoạn còn lại của con đường gốm sứ vào năm 2019.

Trước đó, con đường gốm sứ ven sông Hồng bị xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, nhiều mảng gốm bị phồng rộp, nứt vỡ, bong tróc. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, bức tranh gốm được xây dựng cạnh đường giao thông, độ rung lớn và thời tiết khắc nghiệt tác động đến độ bền của tranh.

Thậm chí, người dân chưa có ý thức gìn giữ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, mỹ quan công trình. Việc gìn giữ trước đó chỉ đơn thuần dội rửa vệ sinh do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng như lực lượng thanh niên đảm nhiệm.

Hà Nội sẽ cải tạo, nâng cấp cầu Long Biên thành cầu đi bộ
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020, Hà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư