Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Công bố quy định về niêm yết và giao dịch chứng khoán phái sinh
Chí Tín - 31/05/2017 11:30
 
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quy chế về niêm yết và giao dịch chứng khoán phái sinh.
Chứng khoán phái sinh là một sản phẩm bậc cao của thị trường chứng khoán
Chứng khoán phái sinh là một sản phẩm bậc cao của thị trường chứng khoán

Mở tài khoản giao dịch

Để tham gia giao dịch trên thị trường phái sinh, nhà đầu tư phải mở một tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán tại một CTCK là thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh. Nếu nhà đầu tư đã có sẵn tài khoản giao dịch chứng khoán thì chỉ cần mở thêm một tiểu tài khoản, nằm trong tài khoản sẵn có, để giao dịch phái sinh.

Kết cấu phiên và thời gian giao dịch

Khác với thị trường cổ phiếu chỉ có 2 phiên khớp lệnh liên tục và định kỳ đóng cửa, kết cấu phiên giao dịch hợp đồng tương lai gồm 3 phiên: phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ mở cửa, phiên khớp lệnh liên tục, và phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa. Thời gian thị trường phái sinh mở cửa sẽ sớm hơn thị trường cổ phiếu 15 phút, nhưng kết thúc cùng giờ với thị trường cơ sở, cụ thể như sau:

- Phiên sáng:

+ Phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa: 8h45 – 9h00

+ Phiên khớp lệnh liên tục: 9h00 – 11h30

+ Giao dịch thỏa thuận: 8h45 – 11h30

- Nghỉ trưa 11h30 – 13h00

- Phiên chiều

+ Phiên khớp lệnh liên tục: 13h00 – 14h30

+ Phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa: 14h30 – 14h45

+ Giao dịch thỏa thuận: 13h00 – 14h45

Sản phẩm hợp đồng tương lai VN30-Index

TT

Đặc điểm

Quy định

1

Tên hợp đồng

Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30

2

Mã hợp đồng

Theo quy ước xác định mã giao dịch của HNX, ví dụ VN30F1706

3

Tài sản cơ sở

Chỉ số VN30

4

Quy mô hợp đồng

100.000 đồng × điểm chỉ số VN30

5

Hệ số nhân hợp đồng

100.000 đồng

6

Tháng đáo hạn

Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý tiếp theo

7

Biên độ dao động giá

7%

8

Bước giá /Đơn vị yết giá

0,1 điểm chỉ số

Sản phẩm phái sinh được đưa vào giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30-Index.  

Mỗi hợp đồng tương lai có một mã riêng tương tự như cổ phiếu, được quy ước theo quy tắc nhất định và chứa đựng thông tin về hợp đồng đó. Ví dụ, Hợp đồng có mã VN30F1706 bao gồm các thông tin: “VN30F” là Hợp đồng tương lai của chỉ số VN30. “17” là năm 2017 và “06” là tháng đáo hạn của Hợp đồng.

Hiện tại cùng một lúc sẽ có 4 "tháng” hợp đồng (contract months) được giao dịch với chỉ số VN30-Index: hợp đồng tương lai cho tháng hiện tại; hợp đồng tương lai cho tháng kế tiếp; hợp đồng tương lai cuối quý gần nhất; hợp đồng tương lai cuối quý tiếp theo.

Ví dụ, hợp đồng tương lai có mã số VN30F1706 là hợp đồng cho tháng hiện tại sẽ đáo hạn vào tháng 6/2017. Bên cạnh đó nhà đầu tư có thể giao dịch hợp đồng có mã số VN30F1707 là hợp đồng sẽ đáo hạn vào tháng kế tiếp (tháng 7/2017). Hợp đồng có mã số VN30F1709 là hợp đồng sẽ đáo hạn vào quý gần nhất (tháng 9/2017 – quý III/2017). Hợp đồng có mã số VN30F1712 là hợp đồng đáo hạn vào quý kế tiếp (tháng 12/2017 – quý IV/2017).

Nội dung quan trọng nhất trong hợp đồng mẫu là hệ số nhân. Hệ số nhân để quy đổi giá trị điểm chỉ số thành tiền và sẽ quy định quy mô hợp đồng. Hệ số nhân đối với VN30-Index là 100.000 đồng, nghĩa là quy mô một hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index tại mức 700 điểm là 70.000.000 đồng (100.000 x 700).

Ký quỹ giao dịch  

Căn cứ vào quy mô hợp đồng, nhà đầu tư có thể tính toán lượng tiền ký quỹ ban đầu để mua một hợp đồng tương lai. Theo quy định của TTLKCK mức ký quỹ ban đầu là 10% giá trị hợp đồng, nghĩa là nếu quy mô hợp đồng là 70.000.000 thì nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra mức ký quỹ ban đầu là 7 triệu đồng để mua được 1 hợp đồng.

Đơn vị yết giá/Bước giá

Đơn vị yết giá không theo giá trị tính bằng tiền mà tính theo điểm chỉ số cơ sở của hợp đồng và được quy định theo từng mẫu hợp đồng cụ thể. Với hợp đồng chỉ số cổ phiếu là 0,1 điểm chỉ số.

Bước giá dao động tối thiểu của hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index là 0,1 điểm chỉ số, tương tự như bước giá giao dịch cổ phiếu. Ví dụ VN30-Index hiện có điểm số 700 điểm, nhà đầu tư có thể đặt lệnh ở các mức điểm số: 700,1 điểm, 700,2 điểm, 699,9 điểm và tương ứng là lượng tiền cần có để mua một hợp đồng tại bước giá đó.

Đơn vị giao dịch là 1 hợp đồng.

Biên độ dao động giá

Biên độ dao động giá hợp đồng tương lai được xác định cho từng hợp đồng cụ thể trong giới hạn giữa giá trần và giá sàn chứ không có một mức biên độ dao động cụ thể như trên thị trường cổ phiếu niêm yết hay UPCoM. Giới hạn lệnh, giới hạn vị thế được quy định theo từng hợp đồng, mẫu hợp đồng và được Sở GDCK Hà Nội công bố trước khi áp dụng. Đối với hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30, biên độ dao động giá là 7%.

Lệnh giao dịch

Các loại lệnh giao dịch hợp đồng tương lai cũng tương tự như giao dịch cổ phiếu gồm có lệnh giới hạn (LO), lệnh thị trường (MOK, MAK, MTL), lệnh ATO, ATC. Việc sửa hủy lệnh cũng được áp dụng giống như đối với giao dịch cổ phiếu niêm yết.

Giá tham chiếu

Giao dịch hợp đồng tương lai không có giá đóng cửa cuối ngày như trên thị trường cổ phiếu, thay vào đó sẽ có giá thanh toán cuối ngày. Giá thanh toán cuối ngày là giá trị chỉ số cơ sở đóng cửa tại ngày giao dịch cuối cùng của HĐTL và do TTLKCK xác định và công bố. Giá tham chiếu là giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên do TTLKCK xác định.

Ngày giao dịch cuối cùng

 Là ngày thứ Năm thứ ba trong tháng đáo hạn, nếu trùng vào ngày nghỉ thì ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng đáo hạn tháng đó sẽ được điều chỉnh sang ngày giao dịch liền trước đó.

Phương thức giao dịch và thanh toán

Phương thức giao dịch gồm khớp lệnh và thỏa thuận trên nguyên tắc ưu tiên về giá và thời gian.

Phương thức thanh toán: tiền mặt.

Khi giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư thanh toán tiền và cổ phiếu cho người bán qua hệ thống thanh toán bù trừ với giá trị đúng bằng giá trị cổ phiếu khớp lệnh Đối với giao dịch hợp đồng tương lai, nếu nhà đầu tư dự đoán chỉ số VN30-Index sẽ tăng/giảm trong thời gian tới, nhà đầu tư đó sẽ đặt lệnh mua một hợp đồng tương lai.

Khi chỉ số đó tăng/giảm đúng như dự đoán thì có thể bán hợp đồng đó đi để chốt lãi. Thực chất là nhà đầu tư thực hiện một lệnh bán một hợp đồng tương lai cùng kỳ hạn với hợp đồng đang nắm giữ, tức là nhà đầu tư đang cân bằng vị thế với hợp đồng đang có và tổng vị thế bằng 0, số tiền lãi sẽ được thu về bằng tiền mặt. Nếu nhà đầu tư chưa nắm giữ hợp đồng để cân bằng vị thế thì việc bán hợp đồng mới thực ra lại là mua. Nhà đầu tư sẽ phải trả tiền (tiền ký quỹ ban đầu) để có được một hợp đồng.

Để chốt lời/cắt lỗ với vị thế đã có thì giao dịch là đóng vị thế (cover/close) bằng hành động ngược với giao dịch trước đó ở hợp đồng có cùng kỳ hạn.

Ngày 24/3/2017, Sở GDCK Hà Nội đã ban hành Quy chế niêm yết và giao dịch hợp đồng tương lai tại Sở GDCK Hà Nội với một số nội dung chính như sau:

Niêm yết và hủy niêm yết hợp đồng tương lai

 Hai sản phẩm phái sinh được đưa vào giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.

Mẫu hợp đồng tương lai do Sở GDCK Hà Nội quy định, tối thiểu bao gồm các điều khoản cơ bản quy định về hợp đồng, phương thức giao dịch và thanh toán hợp đồng. Mỗi hợp đồng tương lai có một mã giao dịch khác nhau trong đó chỉ rõ loại tài sản cơ sở và thời gian đáo hạn.

Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai là các chỉ số cổ phiếu và trái phiếu giả định có đặc điểm như một trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành. Tại thời điểm chuyển giao vật chất, trái phiếu Chính phủ sẽ được tính theo hệ số chuyển đổi (là tỷ lệ hoán đổi trái phiếu cơ sở sang trái phiếu chuyển giao tại mức lãi suất danh nghĩa của trái phiếu giả định của HĐTL TPCP tại ngày thanh toán cuối cùng của hợp đồng).

Khác với cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành, hợp đồng tương lai do Sở GDCK Hà Nội xây dựng và niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội.

Khi một hợp đồng tương lai đáo hạn, Sở GDCK Hà Nội sẽ niêm yết hợp đồng tương lai mới của cùng một loại tài sản cơ sở vào ngày giao dịch ngay sau ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng đáo hạn gần nhất.

Quy mô hợp đồng được xác định bằng điểm chỉ số cổ phiếu hoặc mệnh giá trái phiếu Chính phủ nhân với hệ số nhân hợp đồng, do đó, hệ số nhân là nội dung quan trọng nhất trong hợp đồng mẫu. Hệ số nhân hợp đồng được Sở GDCK Hà Nội xác định tùy theo từng mẫu hợp đồng.

Việc hủy niêm yết hợp đồng tương lai được thực hiện trong các trường hợp: khi hợp đồng đáo hạn, khi chỉ số cổ phiếu không còn được sử dụng làm tài sản cơ sở hoặc khi HNX xét thấy mẫu hợp đồng tương lai không còn phù hợp với điều kiện thị trường.

Giao dịch hợp đồng tương lai

Nhà đầu tư thực hiện giao dịch hợp đồng tương lai theo quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BTC và các văn bản liên quan. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch hợp đồng tương lai theo quy định tại Thông tư 123/2015/TT-BTC ngày 18/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trong trường hợp thị trường biến động mạnh gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư, Sở GDCK Hà Nội có thể áp dụng các biện pháp để ổn định thị trường và bảo vệ nhà đầu tư hoặc áp dụng cơ chế tạm ngừng giao dịch tự động. Sở GDCK sẽ thông báo biện pháp và thời điểm áp dụng.

 

Sẽ chạy thử hệ thống chứng khoán phái sinh trong tháng 10
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký (VSD), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và các công ty chứng khoán dự kiến sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư