Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Công chức và doanh nghiệp
Khánh An - 11/06/2017 13:11
 
Dù muốn, nhưng vẫn chưa thể gọi công chức và doanh nghiệp là những người đồng hành tin cậy trên con đường phát triển kinh tế. Trong mối quan hệ này, doanh nghiệp dường như ở thế yếu hơn, thậm chí là chịu thua thiệt hơn.
.
Gần 35% doanh nghiệp đánh giá công chức, viên chức ở cả cấp tỉnh, thành phố và các bộ, ngành không thay đổi, thậm chí còn kém tích cực hơn trước

Điều đáng nói, hệ quả của tình trạng trên là sự bất an của người kinh doanh, sự rủi ro của môi trường kinh doanh, bởi trong số khoảng 200 kiến nghị gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 vừa diễn ra, những e ngại, bức xúc, than phiền về tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của công chức vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Nếu không cải thiện, những nỗ lực, giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, dù lớn đến đâu, cũng không sớm đến được với số đông doanh nghiệp, khó tạo nên sự phát triển lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.

Kết quả khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp, khoảng 50 hiệp hội doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, cho thấy rõ thực tế này.     

Đánh giá về tính hiệu quả của các hoạt động của các bộ, ngành và các UBND tỉnh, thành phố nhằm cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, có khoảng 60% ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, các hoạt động của các bộ ngành và các UBND tỉnh, thành phố “rất hiệu quả” và “hiệu quả”. Song trong số này, tiêu chí quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ” có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá hiệu quả thấp và không hiệu quả cao nhất (khoảng 40%).

Nguyên do là công chức vẫn yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thành phần hồ sơ không có trong thủ tục hành chính; công tác tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp bị lơ là, mang tính hình thức; có hiện tượng või vĩnh, ngâm hồ sơ nhằm mục đích vụ lợi...

Chỉ có khoảng 18% doanh nghiệp đã sử dụng đường dây nóng công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố khi có khó khăn. Trong số đó, khoảng 40% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả thấp và không hiệu quả cho công cụ này. Nhiều bức xúc của doanh nghiệp bị rơi vào im lặng hoặc giải quyết lấy lệ.

Đặc biệt, đánh giá về tinh thần phục vụ doanh nghiệp, gần 35% doanh nghiệp đánh giá công chức, viên chức ở cả cấp tỉnh, thành phố và các bộ, ngành không thay đổi, thậm chí còn kém tích cực hơn trước. Ở nhiều nơi, công chức bị đánh giá chưa làm hết trách nhiệm, giải quyết công việc chậm trễ kéo dài qua từng khâu, từng ban, ngành…

Cũng phải nói thêm, doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp của các cấp lãnh đạo hơn cấp nhân viên. Sự lan tỏa của sức nóng cải cách vẫn bị ngăn trở bởi chính những người thực thi.

Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được ban hành 1 năm trước, đã khẳng định 10 nguyên tắc và 5 nhóm giải pháp cần thực hiện, nhằm mục tiêu Nhà nước kiến tạo; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp khởi nghiệp, tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Chỉ cần các nguyên tắc này được tuân thủ trọn vẹn, chắc hẳn, khoảng cách giữa công chức và doanh nghiệp trên con đương phát triển sẽ không còn.

Cải cách hành chính nhìn từ việc "lĩnh lương kiểu mới"
Ngày mai 16/12, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố Quyết định số 45/2016/Q Đ-TTg của Chính phủ về “tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư