Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bảo hiểm tài sản công
Công cụ bảo hiểm tiên tiến giúp chủ động quản lý ngân sách
Chí Tín - 29/08/2015 19:24
 
Hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan đến dự trữ quốc gia, quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước… đã có các nội dung liên quan đến bảo hiểm với vai trò như một công cụ quản lý rủi ro ưu việt. Điều này đặt ra mục tiêu cần tiếp tục luật hóa nội dung về bảo hiểm tài sản công nhằm đồng bộ hóa hệ thống văn bản luật thời gian tới.
Các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước hiện đã đủ sức mạnh, đáp ứng được các yêu cầu cao về dịch vụ bảo hiểm
Các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước hiện đã đủ sức mạnh, đáp ứng được các yêu cầu cao về dịch vụ bảo hiểm

Thực trạng quy định pháp luật

Một số luật hiện hành liên quan đến Ngân sách Nhà nước hiện nay gồm có Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Trong đó, Luật Ngân sách Nhà nước là văn bản pháp luật quy định chung về các khoản thu, chi của Nhà nước với vai trò thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Tại Điều 9, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 quy định, dự toán chi Ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 2% đến 5% tổng số chi để chi cho các khoản chi bất thường (phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, các khoản cấp bách phát sinh ngoài dự toán...).

Ngoài ra, Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được lập quỹ dự trữ tài chính từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách… Trường hợp đã sử dụng hết dự phòng ngân sách thì được sử dụng quỹ này để chi cho các khoản chi bất thường, nhưng cũng không được quá 30% số dư của quỹ.

Mới đây, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (thay thế Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002) đã được Quốc hội khóa XII thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017.

Một trong những điểm mới của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 là quản lý chặt quỹ dự trữ tài chính với tỷ lệ khống chế số dư của quỹ dự trữ tài chính ở mỗi cấp không vượt quá 25% dự toán chi ngân sách hàng năm của cấp đó. Trong trường hợp Chính phủ và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố khi có nhu cầu chi các khoản chi bất thường, nếu đã sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn, được sử dụng quỹ dự trữ tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi, nhưng mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.

Theo một số quan điểm tiến bộ, xu hướng quản lý chi tiêu Ngân sách Nhà nước cần hướng tới các phương thức chủ động hóa. Theo đó, kế hoạch chi tiêu sẽ cần phải có tính chuẩn xác cao ngay từ thời điểm lên dự toán ngân sách năm, giảm bớt các khoản chi bất thường nhằm quản lý ngân sách được chặt chẽ, ổn định và hiệu quả. Hay nói cách khác, phương thức quản lý chi ngân sách sẽ phải dần chuyển từ cơ chế dự phòng (thụ động) sang cơ chế chủ động. Để đạt được mục tiêu này, công cụ bảo hiểm chính là một trong những giải pháp hiệu quả nhất đảm bảo việc chủ động trong chi tiêu ngân sách ngay cả khi có những tình huống bất thường xảy ra trong năm (thiên tai, hỏa hoạn, đổ vỡ…)

Trên tinh thần hướng tới sự chủ động hóa trong việc quản lý và bảo vệ tài sản công, hầu hết các văn bản pháp luật được xây dựng những năm gần đây như Luật Dự trữ quốc gia năm 2012; Luật quản lý, sử dụng đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (do Nhà nước nắm giữ 100% vốn) năm 2014... đều đưa các quy định về bảo hiểm vào nội dung luật.

Chẳng hạn, điều 14 Luật Dự trữ quốc gia quy định Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về dự trữ quốc gia. Trong khoản 7, Điều 14 có nội dung liên quan đến bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia.

Ngoài ra, trong Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21/10/2013 hướng dẫn về kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách Nhà nước chi cho dự trữ quốc gia có nội dung quy định về các khoản chi cho việc mua bảo hiểm đối với hàng dự trữ quốc gia. Tại Điều 10 Thông tư 145 quy định, thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm đối với kho, hàng dự trữ quốc gia thuộc quyền quản lý theo quy định của chế độ bảo hiểm bắt buộc hiện hành.

Trong khi đó, tại Luật quản lý, sử dụng đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng có quy định về bảo hiểm đối với tài sản công tại doanh nghiệp Nhà nước. Tại Điều 35, một trong những biện pháp bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp là mua bảo hiểm tài sản.

Với những nội dung khá đồng bộ và nhất quán trong việc sử dụng công cụ bảo hiểm trong việc phòng vệ rủi ro, bảo vệ vốn Nhà nước trong các quy định pháp luật hiện hành, việc đưa các quy định liên quan đến bảo hiểm vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là việc làm cần thiết nhằm đồng bộ hóa hệ thống pháp luật hiện hành. Quan trọng hơn nữa, đây cũng là một trong những giải pháp nhằm quản lý chi tiêu ngân sách theo hướng chủ động, hiệu quả.

Ngành bảo hiểm sát cánh bảo vệ tài sản công

Thực chất, mặc dù các quy định pháp luật chưa cụ thể hóa, nhưng trong thời gian qua, một số cơ quan có nhiệm vụ quản lý tài sản công và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã khá tích cực trong việc mua bảo hiểm cho tài sản công. Điều này góp phần bảo vệ an toàn cho tài sản công, kiểm soát được các rủi ro bất thường có thể xảy ra.

Theo số liệu thống kê của 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (chiếm 68,9% thị phần về bảo hiểm tài sản), đến nay đã có gần 1.000 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã mua bảo hiểm cho tài sản công. Các loại tài sản công được bảo hiểm bao gồm tòa nhà, máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng với tổng giá trị được bảo hiểm là 46% tổng giá trị của các tài sản công được giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị này quản lý. Rủi ro được bảo hiểm chủ yếu bao gồm cháy nổ (đối với nhà), mọi rủi ro (đối với máy móc thiết bị). Phí bảo hiểm trung bình thời gian qua vào khoảng 180 tỷ đồng/năm. Một số công trình lớn đã và đang được bảo hiểm bao gồm vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 (1.034 triệu USD), Thủy điện Sơn La (15.066 tỷ đồng), Nhà máy lọc dầu Dung Quất (3.300 triệu USD)…

Sự đồng hành của các doanh nghiệp bảo hiểm đối với tài sản công thời gian qua, tuy giá trị được bảo hiểm chưa cao, nhưng đã đem lại những lợi ích thiết thực, giảm thiểu đáng kể những thiệt hại, rủi ro cho ngân sách Nhà nước.

Trong giai đoạn 2011 – 2014, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường cho nhiều vụ tổn thất lớn. Chẳng hạn, vụ cháy tại Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam – Sân bay Tân Sơn Nhất năm 2008 đã gây ra thiệt hại 7,2 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường 2,5 tỷ đồng. Vụ cháy tại Ban Quản lý Trung tâm hành chính – Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2013 gây thiệt hại 6,8 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp bảo hiểm chi bồi thường 4,5 tỷ đồng; cơn bão năm 2013 gây thiệt hại 2,5 tỷ đồng cho Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng cũng được bảo hiểm bồi thường 1,2 tỷ đồng…

Hướng tới việc luật hóa bảo hiểm tài sản công

Các con số trên là những dẫn chứng sống động về những thành công mà một số cơ quan quản lý tài sản công và các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện để bảo vệ an toàn, giảm thiểu rủi ro cho tài sản công. Tuy nhiên, bảo hiểm đối với tài sản công còn gặp hạn chế như: Nhiều cơ quan quản lý tài sản chưa ý thức được hết ý nghĩa của việc mua bảo hiểm, chưa có cơ chế tài chính hướng dẫn cụ thể cho việc mua bảo hiểm… Chính vì vậy, tỷ lệ tài sản công được bảo hiểm vẫn còn rất thấp, số đơn vị tham gia mua bảo hiểm đến nay mới chỉ chiếm gần 1% tổng số đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công (chưa kể lực lượng vũ trang). Theo đó, ngân sách Nhà nước vẫn phải đối mặt với rủi ro rất lớn trước những biến cố bất thường đối với tài sản công.

Theo Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, thời gian qua, phần lớn các công trình cơ sở hạ tầng (cầu, đường, đê, kè, kênh, mương…) chỉ mới tham gia bảo hiểm trong thời gian xây dựng, chưa bảo hiểm sau khi hoàn thành và trong quá trình sử dụng. Phạm vi bảo hiểm vẫn còn bị hạn chế, phần lớn tài sản công chưa được bảo hiểm cho rủi ro thiên tai, trong khi đây là loại rủi ro có nguy cơ xảy ra cao và gây hậu quả lớn nhất.

Theo nghiên cứu của Quỹ Châu Á và Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 10 năm qua, Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới. Trung bình mỗi năm, rủi ro thiên tai gây thiệt hại 14.500 tỷ đồng, tương đương 1,2 – 1,5% GDP.

Gần đây nhất, trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh và một số tỉnh miền Bắc vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề. Riêng Quảng Ninh ước tính thiệt hại khoảng 2.200 tỷ đồng (trong đó ngành than khoảng gần 1.200 tỷ đồng). Trên địa bàn Quảng Ninh có 4.285m tường, kè bị sập đổ; nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng; 177 cột điện bị gẫy đổ, hư hỏng; 251 tuyến đường trung thế và trạm biến áp bị sự cố…

Do đó, với thực trạng hiện nay, việc đưa các quy định về bảo hiểm vào nội dung các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết. Điều này không những góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật mà còn tạo điều kiện để dịch vụ bảo hiểm – một công cụ tài chính tiên tiến đã được cộng đồng quốc tế áp dụng và phát triển rộng rãi – phát huy tối đa hiệu quả; giúp việc sử dụng tài sản công được an toàn, hiệu quả, qua đó đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư