Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Công nghiệp ô tô với “giấc mơ Samsung”
Thanh Hương - 07/10/2016 09:06
 
Doanh số bán xe năm 2016 có khả năng đạt 300.000 chiếc, nhưng cơ hội để tham gia dây chuyền sản xuất toàn cầu của các thương hiệu ô tô nổi tiếng, hay gia tăng hàm lượng sản xuất tại Việt Nam vẫn xa vời.

Ngoại chờ, nội đợi

Tháng 2/2016, Quyết định 229/2016/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách để thực hiện Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được ban hành. Như vậy, tính từ khi Chiến lược và Quy hoạch ô tô được phê duyệt hồi giữa năm 2014, doanh nghiệp đã phải chờ đợi thêm khoảng 18 tháng nữa để thấy chính sách cụ thể, làm cơ sở để phân tích, ra quyết định đầu tư.

Trước đó, khi Chiến lược và Quy hoạch ô tô mới được phê duyệt, rất nhiều doanh nghiệp ô tô có mặt tại Việt Nam đã kỳ vọng sớm có những chính sách cụ thể mang tính đột phá để họ có bước tính đường xa. Sở dĩ vậy là bởi từ năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN sẽ là 0%.

VMS 2016 gửi tới thông điệp về một sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống, trong đó ô tô đóng vai trò hết sức quan trọng.
VMS 2016 gửi tới thông điệp về một sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống, trong đó ô tô đóng vai trò hết sức quan trọng

Còn nhớ, hồi tháng 4/2015, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết, thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% là một vấn đề lớn. Toyota Việt Nam cũng như các nhà sản xuất khác trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đều phải tính toán xem nên tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu. “Câu trả lời cuối cùng cần phải được đưa ra trong năm 2015, bởi thông thường để sản xuất một mẫu xe sẽ cần thời gian chuẩn bị là 3 năm”, ông Maruta nói và lý giải, khi thuế về 0%, nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện về lắp ráp. Còn ở thời điểm này, tức là đã 8 tháng trôi qua kể từ khi có Quyết định 229/2016/QĐ-TTg, chưa có một dự án ô tô mới nào được ký kết thoả thuận đầu tư hay triển khai cụ thể trên thực tế. Tất cả vẫn là dự định và kế hoạch của tương lai gần.

Đáng nói là, ngay cả các dự án được kỳ vọng này lại cũng đang chờ đợi các quyết sách cụ thể liên quan đến sản xuất ô tô trong nước, khi Thông tư 20/2011/TT-BCT về quy định nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Bộ Công thương hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và hướng xử lý tiếp theo chưa được đưa ra.

Với thực tế các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu đang gây sức ép, nhằm mở toang cánh cửa nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và không bị ràng buộc trách nhiệm nào, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lại ở vào trạng thái chờ.

“Giấc mơ Samsung”

Ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp cho biết, đã có một số cơ quan hỏi ông về việc, nếu ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài vào làm nhà máy tại Việt Nam, rồi xuất khẩu thì công nghiệp ô tô Việt Nam được lợi gì? “Tôi đã trả lời là, Việt Nam được lợi khi tham gia vào dây chuyền sản xuất của một thương hiệu quốc tế, có thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất linh, phụ kiện để phát triển công nghiệp phụ trợ, như Samsung đầu tư vào Việt Nam đã giúp kim ngạch xuất khẩu điện thoại bứt phá. Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan, Indonesia rất phát triển mà đâu có mục tiêu phải làm ra chiếc ô tô có thương hiệu riêng của nước họ. Nếu nhà đầu tư không đến, Việt Nam vẫn phải chi ngoại tệ ra mua ô tô mà không có cơ hội phát triển công nghiệp phụ trợ”, ông Quang nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ang Bon Beng, Chủ tịch Công ty Nissan Việt Nam, đồng thời là đại diện Tập đoàn Tan Chong (Malaysia) - bên góp 70% vốn trong Công ty Nissan Việt Nam cho hay, Tập đoàn Tan Chong vẫn đang nghiên cứu chính sách thuế của Việt Nam. Nếu ưu đãi tốt, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện vào đầu tư cùng để giảm giá thành xe.

“Tại Malaysia, Tan Chong hợp tác với một công ty chuyên sản xuất phụ tùng, linh kiện và đã giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hoá với xe Nissan, nên được hưởng chính sách tốt từ Chính phủ. Tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hoá của xe Nissan mới là 12%, còn rất thấp và chúng tôi muốn hợp tác với nhiều công ty sản xuất linh phụ kiện ngay tại Việt Nam”, ông Ang Bon Beng nói và cho biết thêm, doanh nghiệp Malaysia được Chính phủ hỗ trợ để tập trung vào sản xuất và vươn ra các thị trường nước ngoài, mở rộng hoạt động.

Tại thị trường ASEAN, ngoài 2 nhà máy lắp ráp xe Nissan có tổng công suất 50.000 xe/năm mà Tan Chong đầu tư ở Malaysia, Việt Nam là nơi có nhà máy đầu tiên ở nước ngoài của Tan Chong với công suất 2 ca có thể lên tới 40.000 xe/năm. Tập đoàn này cũng được phép bán xe Nissan tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Bởi vậy, nhà máy tại Việt Nam của Tan Chong được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ phát huy tốt.

Chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất để tiến vào thị trường ASEAN cũng là cách mà Kia, Mazda đang quan tâm khi đối tác là Công ty Ô tô Trường Hải vừa có năng lực sản xuất lẫn năng lực kinh doanh. Tuy nhiên, việc Việt Nam có sớm trở thành cứ điểm sản xuất mới, đồng thời tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng của ngành công nghiệp ô tô quốc tế hay không vẫn phải chờ những quyết sách cụ thể từ phía cơ quan chức năng, cho dù mốc 2018 ngày càng gần.

Động cơ mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Sáng nay (8/6), Triển lãm Quốc tế lần thứ 13 về Phương tiện giao thông và công nghiệp phụ trợ (Vietnam AutoExpo 2016) chính thức khai mạc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư