Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Công ty chứng khoán ngoại muốn phần to hơn "miếng bánh" thị phần
 
Sau khi thâu tóm công ty chứng khoán quy mô nhỏ trong nước, các nhà đầu tư ngoại đang bơm mạnh vốn, cấp tập chuẩn bị nhân sự để bước vào cuộc đua thị phần khốc liệt.
KBSV có kế hoạch tăng vốn, mở thêm chi nhánh tại TP.HCM và tham gia thị trường chứng khoán phái sinh để tăng sức cạnh tranh
KBSV có kế hoạch tăng vốn, mở thêm chi nhánh tại TP.HCM và tham gia thị trường chứng khoán phái sinh để tăng sức cạnh tranh

Mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã hoàn tất tăng vốn điều lệ đợt 1, nâng vốn lên 1.107 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công ty này sẽ tiếp tục chào bán cổ phiếu để tăng vốn đợt 2 trong quý I/2019, để nâng vốn điều lệ lên 1.680 tỷ đồng. Mục tiêu của KBSV là lọt Top 10 thị phần môi giới.

KBSV, tiền thân là Chứng khoán Maritime được thành lập và hoạt động từ năm 2008, được Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc (KBFG) mua lại 99,4% cổ phần từ tháng 10/2017.

Song song với việc tăng vốn, KBSV có kế hoạch mở thêm chi nhánh tại TP.HCM và tham gia thị trường chứng khoán phái sinh. Đội ngũ nhân sự cũng đang được Công ty liên tục tuyển dụng ở nhiều vị trí.

Tương tự, cuối quý III vừa qua, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tiền thân là Công ty Chứng khoán Đệ Nhất (bán 90% cổ phần cho nhóm cổ đông Đài Loan từ cuối năm 2017) đã phát hành thành công 70 triệu cổ phiếu cho Yuanta Securities Asia Financial Services Ltd., qua đó tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Yuanta Việt Nam từng chia sẻ với truyền thông, với kinh nghiệm và những lợi thế to lớn của Tập đoàn Yuanta, việc tham gia tích cực để cung cấp các sản phẩm mới cho thị trường như phái sinh, chứng quyền có đảm bảo... là định hướng và chiến lược của Yuanta Việt Nam. Việc tăng vốn lần này cũng nằm trong kế hoạch từ đầu năm 2018 và cũng chỉ là bước khởi đầu.

Yuanta cũng đang tích cực tuyển dụng các vị trí Trưởng phòng phái sinh, chuyên viên vận hành hệ thống Core chứng khoán, chuyên viên lập trung ứng dụng, nhân viên sản phẩm công nghệ…

Công ty Chứng khoán Phượng Hoàng sau thời gian dài hoạt động mờ nhạt thì với việc có nhóm cổ đông mới (nhận chuyển nhượng 100% vốn từ các cổ đông cũ) tham gia và đổi tên thành Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS) đã có những chuyển động tích cực.

Mới đây, VNCS đã điều chỉnh giấy phép kinh doanh. Theo đó, vốn điều lệ được nâng từ 60 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng. VNCS đang có kế hoạch mở rộng chi nhánh, văn phòng tại TP.HCM và đang tuyển dụng nhiều vị trí làm việc như Trưởng phòng Đầu tư, chuyên viên đầu tư, chuyên viên phân tích.

Cạnh tranh giữa công ty chứng khoán đang ngày càng khốc liệt hơn, với điểm mới là sự đầu tư rất mạnh mẽ của dòng vốn ngoại từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, thậm chí từ châu Âu vào các công ty chứng khoán nhỏ.

Cạnh tranh giữa công ty chứng khoán đang ngày càng khốc liệt hơn, với điểm mới là sự đầu tư rất mạnh mẽ của dòng vốn ngoại từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, thậm chí từ châu Âu vào các công ty chứng khoán nhỏ.

Theo đánh giá của Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán, sự đầu tư này rất bài bản ngay từ đầu và dự báo sẽ là đối thủ lớn trong tương lai. Lợi thế của các công ty chứng khoán này là có tận dụng được kinh nghiệm phát triển lâu đời, tài chính mạnh và lợi thế từ nhà đầu tư chính quốc từ công ty, cổ đông mẹ.

Chẳng hạn, KBSV là công ty thành viên được sở hữu tới 99,6% bởi Tập đoàn KBFG (Hàn Quốc) nên đang được thừa hưởng những lợi thế cạnh tranh tích cực, đồng thời có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ tập đoàn mẹ. Hiện tại, KBSV đang thiết kế những gói margin có mức ưu đãi cao, nhất là với những khách hàng mới mở tài khoản.

Dẫu vậy, theo vị phó tổng giám đốc trên, các công ty chứng khoán trong Top 3 thị phần môi giới hiện nay vẫn duy trì lợi thế. Bởi các công ty chứng khoán nhỏ được nhà đầu tư ngoại mua lại cần thêm 1, 2 năm nữa để chuẩn bị nguồn lực nhân sự, xây dựng hệ thống. Điều này cũng dự báo trước khả năng công ty chứng khoán lớn đối mặt với việc bị cạnh tranh nhân sự và trong thời gian tới sẽ có sự đổi ngôi trong Top 10 thị phần môi giới.

Thực tế cho thấy, Mirae Asset Việt Nam sau một thời gian tham gia thị trường đã lọt vào Top 10 thị phần môi giới. Mirae Asset Việt Nam đã tăng vốn mạnh mẽ trong giai đoạn 2017 - 2018, từ mức 300 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và đứng thứ 2 về vốn điều lệ trong toàn khối công ty chứng khoán, chỉ sau SSI.

Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2018 - 2019, Mirae Asset sẽ mở rộng mạng lưới của mình trên toàn quốc nhằm tăng cường sự hiện diện của mình.

Trong quý IV/2018, Mirae Asset Việt Nam sẽ cung cấp hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh, đây cũng là thế mạnh lớn của Mirae Asset tại Hàn Quốc. Đầu tháng 12 vừa qua, Mirae Asset Việt Nam đã thành lập thêm 2 chí nhánh, gồm chi nhánh Thăng Long, Hà Nội và chi nhánh Đà Nẵng.

Tuy nhiên, Top 5 sẽ khó có sự thay đổi hơn, vì hiện các công ty chứng khoán trong nhóm này đều có thế mạnh riêng và được duy trì, nhất là nguồn lực con người. Nhân tài chứng khoán đang bị hút nhiều vào nhóm này.

Dưới góc nhìn của giám đốc phân tích tại công ty chứng khoán vốn ngoại, trước năm 2016, thị phần “cô đặc” hơn ở Top 3, đóng góp nhiều bởi nhà đầu tư cá nhân nhờ lượng margin lớn nhất và họ có thế mạnh về IB – tiền đề là khách hàng tổ chức. Vị này cho rằng, muốn phát triển khách hàng tổ chức thì IB phải mạnh, tư vấn, phân tích phải tốt. Nhưng từ năm 2018, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng dịch chuyển sang các công ty chứng khoán nước ngoài.

CEO công ty chứng khoán nhỏ than khó kiếm tiền
Với tổng giám đốc (CEO) các công ty chứng khoán, hiếm khi nào áp lực kiếm tiền lại nhẹ. Hiện thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư