Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Công ty Đại lý Hàng hải quyết tâm lên sàn
Ngọc Dương - 08/07/2015 10:28
 
Sau nhiều lần chần chừ, cuối cùng Công ty cổ phần Đại lý Hàng hải Việt Nam (VOSA) đã thông qua phương án niêm yết trên sàn Hà Nội (HNX) trong vài tháng tới. Liệu VOSA có thể trở thành món hàng hấp dẫn trên HNX?

Điểm sáng vận tải biển

Tại Đại hội đồng cổ đông của VOSA tổ chức trong tháng 6/2015, Chủ tịch Phạm Mạnh Cường cho biết, Công ty đã thành lập Tiểu ban niêm yết để làm việc với với đơn vị tư vấn và ký hợp đồng niêm yết, đã chuẩn bị hồ sơ và làm việc với HNX. Thậm chí, VOSA còn tính chuyện chuyển qua niêm yết trên UPCoM, nếu việc lên HNX không thành công. Việc chuẩn bị này cho thấy, VOSA đang rất quyết tâm lên sàn.

Đáng lẽ, VOSA phải niêm yết từ lâu, bởi Công ty đã hoàn thành cổ phần hóa từ tháng 3/2006. Sau nhiều lần dùng dằng giữa cổ đông nhỏ và Ban lãnh đạo, VOSA đành gác lại kế hoạch niêm yết.

Ngành vận tải biển được dự báo tăng trưởng khả quan là yếu tố thuận để VOSA mở rộng dịch vụ
Ngành vận tải biển được dự báo tăng trưởng khả quan là yếu tố thuận để VOSA mở rộng dịch vụ

 

Có thể thấy, trong những năm gần đây, VOSA vẫn cố cầm cự với khó khăn của ngành để duy trì được mức lợi nhuận ổn định, với lợi nhuận sau thuế trong 4 năm qua đạt 35 - 40 tỷ đồng/năm. Tính ra, tỷ lệ lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE) của VOSA ở mức khoảng 15%. Kết quả này khá khả quan, nếu đặt trong bối cảnh ngành vận tải biển đối mặt với rất nhiều khó khăn trong nhiều năm qua.

Ngành vận tải biển rơi vào vòng xoáy khó khăn khi khủng hoảng kinh tế nổ ra từ cách nay hơn 5 năm. Hàng loạt công ty vận tải biển không cầm cự được phải hủy niêm yết vì lỗ 3 năm liên tiếp, như Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP), Công ty cổ phần Vận tải Vinaconex (VCV), Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô (DDM)… Ngay cả tên tuổi lâu đời nhất của ngành là Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) cũng chịu chung cảnh ngộ và phải bán tàu lấy tiền cầm cự. Vậy do đâu mà VOSA trở thành điểm sáng của ngành?

Có thể thấy, VOSA chỉ hoạt động với quy mô nhỏ và địa bàn chủ yếu là trong nước, nên ít gặp biến động lớn về điều kiện hoạt động. Trong khi đó, các hoạt động liên doanh với hãng tàu khu vực châu Á như Singapore, Nhật Bản… đã giúp công ty có khoản doanh thu ổn định. Đặc biệt, VOSA hầu như không vay nợ ngân hàng, nên tránh được khó khăn lãi suất, yếu tố chính giết chết nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

VOSA niêm yết lúc này sẽ tạo điều kiện tăng thanh khoản cho cổ phiếu của Công ty. Ngoài ra, đây còn là cơ hội cho cổ đông lớn là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines (hiện nắm 51% vốn của VOSA) có được nguồn thu trong lúc khó khăn. Việc hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư vào VOSA, dù một phần hay toàn bộ, cũng rất quan trọng với Vinalines, bởi đơn vị này lỗ hơn 1.600 tỷ đồng trong năm 2014, bên cạnh số lỗ lũy kế hàng ngàn tỷ đồng trước đó.

Thách thức năm 2015

Tuy nhiên, VOSA cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Việc các hãng tàu nước ngoài được hoạt động tự do hơn ở Việt Nam đang tạo thêm mối lo cạnh tranh cho VOSA. Trong khi đó, giá cước vận tải liên tục suy giảm, trong khi giá nguyên liệu tăng cao khiến lợi nhuận VOSA khó tăng dù doanh thu tăng trưởng khả quan.

Đáng chú ý, một phần lợi nhuận của VOSA trong những năm qua đến từ liên doanh và tiền gửi ngân hàng, nhưng những khoản thu này gần như bị triệt tiêu trong năm nay. Lãi suất ngân hàng đã về mức thấp, khiến khoản lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng không còn đáng kể. Ngoài ra, VOSA đã bán phần vốn trong hai liên doanh (Yusen Logistics Singagporevà NYK Line Nhật Bản). Đại diện VOSA thừa nhận, việc chuyển nhượng phần vốn tại những công ty liên doanh đang hoạt động tốt sẽ khiến VOSA gặp phải những khó khăn nhất định.

Để khắc phục những khó khăn đó, VOSA cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào các liên doanh khác và đầu tư vào cơ sở vật chất để có thêm khách hàng và nguồn thu. Tuy nhiên, các kế hoạch đầu tư liên doanh mới chưa có định hướng rõ ràng và nếu có thì cũng khó mang lại doanh thu và lợi nhuận ngay trong năm 2015.

Không chỉ vậy, VOSA có kế hoạch phát triển nhiều dự án đầu tư trong năm nay, nên sẽ tiêu tốn khá nhiều tiền. Đó là Dự án Trung tâm Điều hành sản xuất - kinh doanh VOSA tại số 1 - Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM), Dự án Tòa nhà văn phòng Vitamas 7 tầng, Dự án Nhà kho chứa hàng tổng hợp 1C. Nếu VOSA không tính toán hợp lý, rất có thể, các dự án này sẽ tạo nên gánh nặng tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh năm 2015 của Công ty.

Dù gặp một số khó khăn nhất định, nhưng rõ ràng, VOSA có thể kỳ vọng ngành vận tại biển sẽ khả quan hơn trong thời gian tới. Báo cáo về ngành này của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho thấy, vận tải biển là lĩnh vực đang thoát đáy khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi. Chính sách siết chặt tải trọng đường bộ giúp vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển trở nên tiết kiệm và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, giá dầu duy trì ở mức thấp giúp các doanh nghiệp như VOSA có thể giảm chi phí hoạt động và cải thiện biên lợi nhuận.

Cổ phiếu Cienco1, Tedi, Habeco sao mãi chưa lên sàn?
Khá nhiều “ông lớn” như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco1), Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (Tedi),...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư