Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Công ty tài chính phải công khai lãi suất
Thùy Vinh - 24/02/2017 07:58
 
Từ ngày 15/3, công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất.
TIN LIÊN QUAN

Công khai lãi suất, tạo thuận lợi cho người vay

Đây là một trong những điểm mới được quy định tại Thông tư 43/2017/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giúp hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển bền vững hơn. Với quy định này, người vay có thể tham khảo mức lãi suất thấp nhất và cao nhất trước khi quyết định vay vốn.

Thực tế, nhu cầu vay tiêu dùng gia tăng, kéo theo sự ra đời và phát triển của các công ty tài chính. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng luôn là vấn đề được quan tâm, nhất là khi các công ty tài chính áp dụng mức cao. Quy chế cho vay tiêu dùng có hiệu lực từ năm 2000 và đã có nhiều bổ sung sửa đổi, song vẫn phân biệt đối xử giữa các thành phân kinh tế lẫn các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, quỹ tín dụng… trong việc cung ứng vốn cho vay tiêu dùng.

Hoạt động tại Công ty tài chính Home Credit. Ảnh: Vân Linh
Hoạt động tại Công ty Tài chính Home Credit. Ảnh: Vân Linh

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, mức lãi suất cho vay tiêu dùng cần phải được xã hội chấp nhận thì mới có hiệu quả. Do vậy, dù lãi suất vẫn thỏa thuận, nhưng quy định ban hành mức lãi suất vay tiêu dùng cao nhất và thấp nhất đã ràng buộc lãi suất của công ty tài chính. Đây là cơ sở để NHNN nhìn nhận, đánh giá công ty tài chính và người dân cũng dễ dàng so sánh với lãi suất ngân hàng, nhằm hạn chế việc công ty tài chính đưa ra mức lãi suất quá cao.

Tạo khung khổ pháp lý cho công ty tài chính

Theo lãnh đạo các công ty tài chính, với sự ra đời của Thông tư 43/2017/TT-NHNN, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã có một khung pháp lý riêng, không còn bị đối xử như với ngân hàng thương mại như trước.

Bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng Thành viên Home Credit Việt Nam cho rằng, đây là một thay đổi lớn, tích cực trong quản lý của cơ quan chức năng, có ghi nhận sự khác biệt trong hoạt động của các công ty tài chính với ngân hàng thương mại. Ngoài ra, Thông tư 43/2017/TT-NHNN có những quy định mới liên quan đến quy đổi lãi suất theo năm, thời gian gọi điện nhắc nợ với khách hàng, đơn giản hóa về hồ sơ vay vốn… “Những điều khoản này sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, đơn giản hóa các thủ tục vay, cũng như hướng đến bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng”, bà Tiên nói.

Cũng theo bà Tiên, việc yêu cầu niêm yết lãi suất theo năm trong hợp đồng sẽ giúp khách hàng hình dung rõ hơn về mức lãi suất mà họ phải trả, là căn cứ để khách hàng có thể so sánh với lãi suất ngân hàng, cẩn trọng hơn khi quyết định đi vay, mặc dù việc so sánh này chưa thật chính xác, vì hoạt động của công ty tài chính và ngân hàng rất khác biệt.

Chia sẻ vấn đề trên, bà Phạm Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp chế và tuân thủ (Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - FE Credit) cho hay, lãi suất vay tiêu dùng của công ty tài chính luôn bị đánh giá là cao hơn so với lãi suất cho vay ngân hàng thương mại. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, như chi phí huy động vốn cao do công ty tài chính không được huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, mức độ rủi ro của phân khúc khách hàng vay tiêu dùng cao hơn so với phân khúc của ngân hàng thương mại…, nhưng lâu nay phải áp dụng chung quy định về cho vay. Do vậy, Thông tư 43/2017/TT-NHNN về hoạt động cho vay tiêu dùng đã tạo hành lang pháp lý riêng cho hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Bà Vân cho biết thêm, trước khi Thông tư 43/2017/TT-NHNN được ban hành, FE Credit đã thực hiện minh bạch lãi suất bằng nhiều hình thức để khách hàng hiểu rõ về lãi suất vay tiêu dùng để khách hàng quyết định, nhằm hạn chế những tranh chấp về sau.

Tuy nhiên, theo bà Vương Thủy Tiên, các quy định của Thông tư 43/2017/TT-NHNN cũng đang đặt ra một số thách thức cho các công ty tài chính tiêu dùng, như quy định mới về phương pháp tính lãi tiền vay quy đổi lãi suất theo năm (một năm là 365 ngày thay cho 360 ngày như trước đây), quy định cụ thể về việc tính lãi chậm trả hoặc lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn… sẽ buộc công ty tài chính phải điều chỉnh hệ thống cho phù hợp. Điều này sẽ có tác động lớn đến hoạt động của Home Credit, vì số lượng khách hàng của Công ty rất lớn và mọi việc đều phải thực hiện tự động. Home Credit sẽ phải thay đổi hệ thống về cách tính lãi, lãi phạt quá hạn, sửa đổi hợp đồng và phải đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công thương. Bên cạnh đó, cách tính lãi quá hạn theo các quy định mới khá khó hiểu đối với phần lớn khách hàng của các công ty tài chính.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư