Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
COP-21 gặp khó do thiếu ngân sách tổ chức
Uyên Linh (Theo TTXVN) - 01/09/2015 19:32
 
Tại vòng đàm phán mới nhất về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra ở thành phố Bonn của Đức, các nhà tổ chức thông báo hiện chưa đủ ngân sách để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP-21) vào cuối năm và phiên đàm phán cuối cùng dự kiến vào tháng 10 tới.
Khói thải từ nhà máy nhiệt điện ở thủ đô Sofia, Bulgaria. Nguồn: AFP/TTXVN
Khói thải từ nhà máy nhiệt điện ở thủ đô Sofia, Bulgaria. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành Hiệp ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, hiện còn thiếu 1,2 triệu euro để chi trả cho các hoạt động tổ chức hội nghị.

Đại diện Liên hợp quốc kêu gọi các nước có khả năng đóng góp để tổ chức sự kiện quan trọng này.

Hội nghị thượng đỉnh COP-21, với sự tham gia của 195 quốc gia, dự kiến diễn ra từ 30/11 đến 11/12 tại Paris, được kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm hạn chế nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C, so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong khi đó, tại vòng đàm phán kéo dài một tuần ở Bonn lần này, các nhà thương thuyết sẽ tập trung thảo luận về bản dự thảo kế hoạch chi tiết vốn đã được thông qua tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 2 vừa qua.

Bản dự thảo dài 86 trang với nhiều sáng kiến hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu đã nhận được sự hoan nghênh từ các bên đàm phán và giới quan sát, được đánh giá là một bước quan trọng nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên, cũng như tạo đà cho việc hướng tới một thỏa thuận toàn cầu mới.

Cho đến nay, mới chỉ có 56 quốc gia - chiếm gần 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chính thức thông báo hạn ngạch cắt giảm khí thải và mức đóng góp này được ghi nhận là chưa đủ để hạn chế mức tăng nhiệt độ không quá 2°C.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cảnh báo nếu không có các nỗ lực đặc biệt, nhiệt độ Trái Đất có thể tăng hơn 4°C từ nay đến cuối thế kỷ.

Theo các nhà khoa học, 2°C là mức tăng nhiệt độ cho phép nhân loại kiểm soát được các biến đổi khí hậu, quá mức này, thảm họa thiên nhiên được coi là vượt quá khả năng đối phó.

Các nhà khoa học cảnh báo với tốc độ thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, Trái Đất sẽ ngày càng nóng lên và con người sẽ đứng trước các thảm họa lụt, bão, hạn hán và nước biển dâng cao.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm 2014 là năm nóng kỷ lục, nguyên nhân một phần là do Trái Đất vẫn tiếp tục nóng lên.

Tháng 7/2015 là tháng nắng nóng nhất trong lịch sử
Tháng 7/2015 đã trở thành tháng Bảy nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư