Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cú hích từ Gong Cha và cuộc chiến nhượng quyền trà sữa nóng lên từng ngày
Anh Hoa - 14/09/2017 10:26
 
Thị trường trà sữa đang nóng lên từng ngày do có nhiều tên tuổi nước ngoài được nhượng quyền vào Việt Nam và tái khởi động trào lưu từng một thời khuynh đảo thị trường đồ uống.
Trà sữa Gong Cha đến từ Đài Loan đang thu hút sự quan tâm của khách hàng Việt.
Trà sữa Gong Cha đến từ Đài Loan đang thu hút sự quan tâm của khách hàng Việt.

Cú hích từ Gong Cha

Hơn 3 năm trước, gia đình ông Nguyễn Hoài Phương, một doanh nhân trẻ tại TP.HCM đã quyết định tham gia lĩnh vực mới - kinh doanh nhượng quyền trà sữa Đài Loan tại Việt Nam.

Quyết định của ông được đưa ra sau khi ông và các thành viên trong gia đình có những chuyến du lịch và công tác đến Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Ở đó, mọi người được thưởng thức những ly trà Gong Cha có vị rất thơm ngon, khiến ông Phương nảy sinh ý định đưa sản phẩm này về nước.

“Chứng kiến cảnh giới trẻ tại Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore xếp hàng mua những ly trà đó, tôi mường tượng ra bức tranh tương tự ở Việt Nam. Điều này khiến tôi muốn đưa thương hiệu trà sữa Gong Cha về Việt Nam”, ông Phương cho biết. Thế rồi, ông đã tiếp cận trực tiếp với Công ty Royal Tea Taiwan và ông chủ sáng lập Gong Cha.

“Tôi mất khoảng 6 tháng để nói chuyện và trao đổi với Tập đoàn Royal Tea Taiwan cũng như phải vài lần sang Đài Loan thuyết trình trực tiếp với ông chủ công ty này về năng lực cũng như kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam”, ông Phương kể.

Để được nhượng quyền độc quyền (Master Franchise) trà sữa Gong Cha trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ngoài việc đáp ứng đủ các yêu cầu khắt khe về năng lực tài chính, kế hoạch kinh doanh thương hiệu và sản phẩm Gong Cha lâu dài, thì Gong Cha còn có một yêu cầu đặc biệt trước khi ký hợp đồng nhượng quyền. Đó là, các cổ đông chính và các thành viên quản lý chính của Gong Cha Việt Nam phải bay qua Đài Loan 2 tháng ăn, ngủ tại Tổng hành dinh của Gong Cha, để học cách pha trà, sau đó ra đứng ở các tiệm trà trên các đường phố tại Đài Loan để hiểu được được cách bán trà và vận hành của cửa hàng cũng như nhân viên. Kết thúc khóa học và thực hành pha trà tại Đài Loan, mọi người phải trải qua một kỳ thi viết và pha trà để được chứng nhận đạt yêu cầu. Sau đó, hợp đồng nhượng quyền mới được chính thức ký kết.

Điều đó cho thấy, tài chính và kinh nghiệm là chưa đủ, mà cần phải có cả sự đam mê và quyết tâm.

Được khai sinh ở Đài Loan, nhưng Gong Cha phát triển theo mô hình franchise ra nước ngoài nhiều hơn, đặc biệt ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Malaysia… và khu vực Bắc Mỹ như Hoa Kỳ và Canada. Riêng tại Hàn Quốc hiện có hơn 1.000 cửa hàng Gong Cha.

Ông Phương ấn tượng vì mô hình kinh doanh trà sữa của Gong Cha. Thương hiệu này có quy định chặt chẽ về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm và họ có công thức pha chế riêng của từng loại và vị trà phù hợp cho mọi đối tượng, nhất là giới trẻ. Ví dụ, tự chọn một loại trà phù hợp với khẩu vị, xong có thể chọn thêm trân châu trắng hoặc đen, nha đam, sương sáo, đậu đỏ… và cuối cùng có thể chọn lựa mức độ đường và đá trong ly trà hoặc trà sữa nhiều hay ít.

Với kinh nghiệm gia đình kinh doanh nhà hàng và quán ăn ở TP.HCM và Hà Nội, nắm bắt xu hướng của giới trẻ, cộng với niềm đam mê kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, ông Phương đã nhanh chóng bắt nhịp được với mô hình franchise của Gong Cha và tạo riêng mô hình kinh doanh cho Việt Nam. Sau 3 năm, Gong Cha đã có 20 cửa hàng tại các thành phố lớn và dự kiến có 25 cửa hàng vào cuối năm nay - vượt xa mức yêu cầu là 15 cửa hàng trong 3 năm từ phía Hội sở chính ở Đài Loan.

Cạnh tranh khốc liệt

Trà sữa là một dạng sản phẩm tạo niềm vui vì tính chất đồ uống và đồ ăn nhai giòn giòn, dai dai vui miệng, khiến giới văn phòng và các bạn trẻ ưa thích. Nếu như trước đây, trà sữa là thứ đồ uống được giới trẻ, học sinh, sinh viên ưa chuộng, thì nay, đối tượng khách hàng đã mở rộng, đa dạng hơn. Những người làm việc tại văn phòng và người trung niên cũng là đối tượng chính được các thương hiệu trà sữa quan tâm.

Giới đầu tư cho rằng, mở trà sữa ở Việt Nam hiện nay giống với trào lưu mở quán cà phê hay hàng ăn vặt ngày xưa.

Vài năm trở lại đây, các cửa hàng trà sữa mọc lên khắp phố phường, nhưng danh tiếng và mức độ thâm nhập thị trường thực sự chỉ thuộc về những tên tuổi ngoại. Các thương hiệu này đang cạnh tranh trực tiếp theo chuỗi với nhau như Ding Tea, TocoToco, Chatime, ChaGo, ChaChaGo, Bobapop, Citea Fun, Blackball, Trà Tiên Hưởng, Gong Cha, Koi The, T4, Tealive, Queeny…, gần đây nhất là Goky và Mr.Good Tea. Trong đó, dẫn đầu là Ding Tea với hơn 100 điểm bán và TocoToco với hơn 60 cửa hàng; Goky có gần 20 cửa hàng ở Hà Nội; Mr. Good Tea có trên 20 điểm bán.

Với quy mô thị trường và dân số trẻ của Việt Nam, nhiều thương hiệu trà sữa và nước trái cây nước ngoài sẽ thử vận may của họ tại đây trong thời gian tới, khiến cuộc chiến giành thị phần trở nên gay gắt hơn.

Thế nhưng, khi nhắc đến trà sữa, sẽ không ngoa nếu nói Đài Loan chính là “ông tổ trà sữa”, ít nhất là ở trong phạm vi châu Á. Đó là lý do để các thương hiệu trà sữa có nguồn gốc từ Đài Loan tự tin sẽ trở thành thương hiệu dẫn dắt thị trường.

Ở Hà Nội, Ding Tea là chuỗi cửa hàng thu hút nhiều khách hàng nhất (với tỷ lệ 49%), tiếp đó là Toco Toco (16%) và Gong Cha (9%).

Ở TP.HCM, Hot & Cold là chuỗi cửa hàng chiếm thị phần lớn nhất (22%), tiếp đó là Hoa Hướng Dương (14%) và Phúc Long (13%).

(Nguồn: Khảo sát của Q&Me - dịch vụ nghiên cứu thị trường về nhu cầu trà sữa ở Việt Nam)

Tuy nhiên, một số quan điểm lại không nghĩ vậy. Theo họ, quan trọng là thương hiệu nào tạo được một sản phẩm hợp thị hiếu và có cái đặc biệt riêng. Có người thích Royal Tea Goky vì thương hiệu này tạo ra được một sản phẩm trong cùng một ngành hàng khá thời thượng. Đó là trà sữa kem pho-mát, trong khi nói đến trà sữa, người ta thường nghĩ chỉ là trà pha với sữa và trân châu. Trong khi đó, đại diện đến từ Nhật Bản là Goky lại đang mở khá nhiều điểm ở khắp nơi đang thu hút khách hàng vì tin vào chất lượng trà Nhật Bản.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam đã xuất hiện quá nhiều quán trà sữa của các hộ kinh doanh cá thể, khiến các đơn vị nhượng quyền chính thống lo lắng. Có người đặt câu hỏi về nguồn gốc, nguyên vật liệu của trà sữa và nếu không may có một vài cửa hàng có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến cả ngành kinh doanh. Khi đó, các tên tuổi nhận nhượng quyền từ nước ngoài về có thể sẽ bị vạ lây.

Đối với các đơn vị nhận nhượng quyền, mỗi năm, bên hội sở chính có đợt kiểm tra đột xuất để kiểm định chất lượng, quy trình, nếu vi phạm sẽ cảnh cáo, phạt tiền và nếu vi phạm 3 lần sẽ rút giấy phép nhượng quyền. Vậy nên, các đơn vị rất thận trọng trong kế hoạch nhượng quyền lại tại Việt Nam.

“Gong Cha phát triển nhanh, nhưng việc nhượng quyền lại ở Việt Nam rất hạn chế, vì chúng tôi muốn kiểm soát chất lượng. Không phải nhà đầu tư có 5 - 7 tỷ đồng là dễ nhận nhượng quyền của Gong Cha. Tiêu chí quan trọng nhất để chọn đối tác nhượng quyền là người chủ phải biết lăn xả vào bán hàng. Rất ít người có tiền ở Việt Nam chịu làm như vậy, vì họ nghĩ chỉ cần có tiền là làm được mọi thứ”, ông Phương cho biết.

Hơn nữa, việc Gong Cha thận trọng chọn nhà nhận nhượng quyền vì tính am hiểu địa phương. Mỗi vùng, Gong Cha sẽ chọn một đối tác có đầy đủ kinh tế, phẩm chất, quan điểm kinh doanh để phụ trách mở rộng địa bàn hoạt động của mình.

Cũng giống như Gong Cha, hiện Trà Tiên Hưởng (đến từ Đài Loan) cũng có chiến lược không cho mở nhiều để đảm bảo thương hiệu, kiểm soát được chất lượng. Theo chủ thương hiệu này, Trà Tiên Hưởng sẽ không mở rộng ở Sài Gòn, mà tập trung đầu tư nâng cấp thương hiệu, đánh vào phân khúc cao cấp hơn để khẳng định tên tuổi.

Có thể thấy, với nền kinh tế tăng trưởng năng động, dân số trẻ, Việt Nam đang là thị trường cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu trà sữa nước ngoài được nhượng quyền. Ngoài việc thử sức và thận trọng “nhân giống”,

thì chỉ những thương hiệu có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, sản phẩm nắm bắt đúng “gu thị hiếu” của người tiêu dùng mới có thể tồn tại và phát triển.

Migroup sẽ nhượng quyền nhà hàng Thế giới hải sản
Migroup đang lên kế hoạch nhượng quyền thương hiệu chuỗi nhà hàng - siêu thị Thế giới hải sản trên cả nước từ năm 2018.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư