Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cuộc chiến phía trong xe ôtô
Khánh Đoan (NCĐT) - 11/08/2016 05:51
 
Các dịch vụ dữ liệu bên trong ôtô và chia sẻ xe có thể tạo ra 1.500 tỷ USD doanh thu hằng năm vào năm 2030.

Những mẫu xe mới nhất hiện nay khiến cho nhiều người phải kinh ngạc về những điều mà chúng có thể làm được. Đáng chú ý là khả năng cập nhật hơn 100.000 điểm dữ liệu, từ thông tin về áp lực lốp xe cho đến mức độ ô nhiễm mà động cơ thải ra. Các hệ thống dẫn đường gắn trên xe theo dõi từng cây số xe chạy và ghi nhớ con đường từ nhà đi đến sở làm. Những chiếc xe thông minh còn chỉ đường giúp người lái tránh được nạn kẹt xe hoặc ghi nhớ chỗ đậu xe, thậm chí thu thập một số dữ liệu cá nhân như trọng lượng của hành khách ngồi ở ghế trước.

Với khối lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được, xe được kết nối internet sẽ là một tiện ích tuyệt vời hoặc có thể là cơn ác mộng đối với người lái (vì xe biết quá nhiều thông tin về họ). Tuy nhiên, đối với các hãng xe, những dữ liệu này là một mỏ “vàng”. Chính vì thế mà các nhà sản xuất xe bằng mọi giá phải dựng hàng rào phòng thủ, ngăn bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực dữ liệu ôtô của các gã khổng lồ công nghệ ở thung lũng Silicon như Apple và Google.

Theo ước tính của hãng tư vấn McKinsey, các dịch vụ dữ liệu in-car (bên trong xe ôtô) và ridesharing (chia sẻ phương tiện) có thể tạo ra 1.500 tỷ USD doanh thu hằng năm vào năm 2030. “Ai cũng tranh nhau kiểm soát màn hình trong xe. Những dữ liệu đó chứa giá trị rất lớn. Và họ đang tìm cách làm sao để lấy nó ra”, Tony Posawatz, CEO hãng tư vấn Invictus iCar, nhận xét.

Các hãng công nghệ và các nhà sản xuất ôtô đều muốn giành được tiền đồn trước trong cuộc chiến chiếm lĩnh bảng điều khiển trên xe với một lý do rất đơn giản: một khi xe tự lái trở nên phổ biến, người ngồi trên xe sẽ có thời gian rảnh rỗi để trở thành người tiêu dùng di động thực sự. Và những dữ liệu chi tiết về việc họ dành thời gian ngồi trên xe truy cập vào đâu và vào lúc nào (cả việc mua sắm) sẽ giúp các nhà marketing cung cấp những mẫu quảng cáo đúng đối tượng và đúng nhu cầu đến cho khách hàng, nhằm phát huy tối đa hiệu quả quảng cáo.

Vì thế, Ford và các hãng xe khác không muốn Google hay Apple tiếp cận được những dữ liệu có giá trị nhất, tức dữ liệu có thể được sử dụng vào mục đích bán các dịch vụ bên trong ôtô hoặc phát triển các mẫu quảng cáo dành cho những người đi mua sắm trong khi đang ở trên xe.

“Chúng tôi không ở trong vị thế cho xe của chúng tôi có một trải nghiệm nào liên quan đến Google hay Apple. Chúng tôi muốn đảm bảo khách hàng có tiếng nói đối với mức độ sử dụng các thông tin về thói quen của họ và chúng tôi muốn chia sẻ bất cứ giá trị nào được tạo ra”, Don Butler, Giám đốc điều hành về xe được kết nối và các dịch vụ liên quan của Ford, cho biết.

Ford, BMW, General Motors (GM) và các hãng xe khác đã phát triển hoặc mua những hệ thống đặc biệt đóng vai trò như một nền tảng cho các ứng dụng bên trong xe do bên thứ 3 phát triển. Nhiều nhãn xe trong đó có Chevrolet và Ford cho phép người lái cài các hệ điều hành màn hình ôtô của Apple và Google như CarPlay và Android Auto, mà không cho những hãng công nghệ này quyền tiếp cận thông tin cá nhân của người lái hay xe.

Dịch vụ thông tin di động Onstar của GM có thể giúp đặt trước phòng khách sạn. Ảnh:brasilpost.com.br
Dịch vụ thông tin di động Onstar của GM có thể giúp đặt trước phòng khách sạn. Ảnh:brasilpost.com.br

Một ví dụ là AppLink của Ford, mà Toyota cũng sử dụng. Dịch vụ này cho phép xe tiếp cận 90 ứng dụng di động mà không phải sử dụng CarPlay hay Android Auto làm trung gian. Trong khi đó, BMW, Daimler và Volkswagen đã bắt tay nhau vào năm ngoái để mua lại bộ phận bản đồ kỹ thuật số của Nokia được gọi là Here với giá 3,1 tỷ USD, nhằm cung cấp nền tảng cho các dịch vụ dựa trên vị trí cũng như tăng cường khả năng bản đồ của xe tự lái.

Dịch vụ thuê bao thông tin di động Onstar của GM có thể đặt phòng khách sạn và cấp phiếu đổ xăng tại các trạm xăng ExxonMobil. Dich vụ Mbrace của Mercedes-Benz có thể dẫn đường cho tài xế vượt qua dòng xe đông đúc trên đường hoặc thời tiết xấu. Cả 2 dịch vụ này tính phí 20 USD mỗi tháng.

Các công ty châu Á cũng muốn có phần trong miếng bánh đầy tiềm năng này. Alibaba Group đang xúc tiến các thương vụ tương tự với các nhà sản xuất xe Trung Quốc. Tập đoàn này hiện sở hữu YunOS, có thể kết nối smartphone, máy tính bảng và đồng hồ thông minh. Trong khi đó, Mazda Motor (Nhật) hỗ trợ vốn phát triển một mạng lưới gọi là OpenCar. Bryan Mistele, CEO của nhà sản xuất phần mềm Inrix, công ty đã mua lại OpenCar hồi tháng 3 vừa qua, cho biết thỏa thuận ký kết với các hãng xe khác sẽ được công bố vào cuối năm nay. Ông cho biết tất cả các hãng xe đều “bày tỏ lo ngại về Google và Apple”.

Họ có lý do chính đáng để lo ngại. Apple và Google đang phát triển xe và công nghệ tự lái của riêng mình và cả 2 đều đi đầu trong dịch vụ có kết nối internet. Vào lúc này, Apple và Google đang chiếm ưu thế vì hàng triệu triệu người trên thế giới lúc nào cũng mang điện thoại bên mình kể cả khi lái xe. Tại Mỹ, năm 2015, có 228 triệu chiếc smartphone được sử dụng, trong khi số xe hơi lưu thông trên đường tại nước này lên tới 258 triệu chiếc.

Những ứng dụng nổi bật trong số các ứng dụng đang được người lái ưa chuộng là Waze của Google (chuyên cung cấp hướng dẫn chỉ đường để tránh kẹt xe), Yelp (cung cấp địa điểm và đánh giá doanh nghiệp) và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify.

Hầu như không có bằng chứng nào cho thấy các hãng xe cũng giỏi như các công ty công nghệ trong việc phát triển ứng dụng và nội dung kỹ thuật số, theo Eric Noble, Chủ tịch hãng tư vấn CarLab. “Lợi thế nào cho các hãng xe khả năng tạo ra một dịch vụ nào đó mà có thể cạnh tranh được với một chiếc điện thoại? Họ đang đuổi bắt cầu vồng”, ông nhận xét.

Kaori Miyake, phát ngôn viên của Google, cho rằng Công ty rất háo hức hợp tác với các hãng ôtô trong lĩnh vực xe được kết nối internet. Bà cho biết Google không quan tâm đến các dữ liệu về hành vi người tiêu dùng trong xe nhằm sử dụng cho mục đích quảng cáo của riêng mình. Nhưng bà lại không trả lời câu hỏi về việc liệu Google có muốn sở hữu những thông tin như vậy để bán chúng cho bên thứ 3.

Thực tế Waze đã khai thác dữ liệu cá nhân trong smartphone với sự cho phép của người sử dụng và đã hiển thị các mẫu quảng cáo pop-up xuất hiện trên màn hình của 50 triệu người sử dụng trên toàn cầu của nó, theo Julie Mossler, đứng đầu bộ phận nhãn hàng và marketing toàn cầu của Waze. Đây là lý do vì sao David Fuller, một nhà thầu tại Mỹ, cho biết ông đã xóa ngay ứng dụng Waze chỉ sau 1 ngày sử dụng. Hơn nữa, ông không thích các quảng cáo pop-up.

Không chỉ các hãng công nghệ hứng thú với dữ liệu trong xe, mà các công ty bảo hiểm cũng rất muốn nắm thông tin về người tiêu dùng khi đang ngồi sau vô lăng. Chẳng hạn, một công ty bảo hiểm sẽ tính phí bảo hiểm cao hơn đối với những tài xế có thói quen lái xe rất nhanh, nghĩa là khả năng gây tai nạn cao hơn. Nhưng trường hợp ngược lại cũng có thể xảy ra. Bởi lẽ, Ford sẽ sớm cung cấp cho người lái xe một ứng dụng giúp họ giảm được phí bảo hiểm nếu thông tin ghi nhận được cho thấy họ có thói quen lái xe an toàn. GM cũng có tính năng tương tự trong những chiếc xe của mình.

Phil Abram, Giám đốc về thông tin giải trí tại GM, cho biết, GM sẽ luôn giám sát các sản phẩm/dịch vụ internet bên trong xe. “Chúng ta phải cẩn thận về những gì mà mình đẩy mạnh. Chúng phải liên quan đến xe. Đó là chiến thắng win-win, đôi bên cùng có lợi, miễn là làm sao đừng để người lái xe trở nên sợ hãi”, ông nói.

Mỹ lắp đặt hệ thống "giao tiếp" giữa các ôtô
Bộ Giao thông Mỹ (DOT) cho biết sẽ bắt đầu triển khai những bước đi cho phép lắp đặt hệ thống liên lạc không dây giữa các xe ôtô trong khi đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư