Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cuộc đối thoại lớn nhất trong năm giữa Chính phủ - DN
Bảo Duy - 02/12/2013 09:07
 
Thông điệp cần hành động quyết liệt hơn nữa trong cải thiện hàng loạt vấn đề đã kiến nghị lại được cộng đồng doanh nghiệp kiên trì đặt ra trong cuộc đối thoại được chờ đợi nhất trong năm giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan của Chính phủ - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2013 - sẽ diễn ra vào ngày mai (3/12). >>> Doanh nghiệp châu Âu mong tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm >>> DN châu Âu chấm điểm môi trường kinh doanh Việt Nam >>> Vai trò của tổ chức quốc tế trong cải cách kinh doanh

Nhìn vào đầu mục 8 nhóm vấn đề được đánh giá là đang có tiến triển và cần có hành động được Ban thư ký VBF tổng hợp, dựa trên các kiến nghị của các phòng thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tỷ lệ lặp lại khá cao so với các bảng kiến nghị tại các VBF diễn ra trước đó.

  Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2013 diễn ra ngày 3/12  
  Nhiều vấn đề sẽ được cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2013 diễn ra ngày 3/12  

Đó là các vấn đề liên quan đến tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích các ngân hàng tự nguyện thực hiện quy định về trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; đưa ra định nghĩa rõ ràng về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; xây dựng khung pháp lý đồng bộ, hài hòa kết hợp giữa hai hình thức đầu tư PPP và BOT.         

Đó còn là các vấn đề liên quan đến kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô - xe máy; mở rộng sự tham gia của các cá nhân, công ty nước ngoài vào thị trường bất động sản; nâng cao quyền tự chủ cho các trường đại học và cơ sở đào tạo nghề…

Cách đây đúng 6 tháng, VBF giữa kỳ năm 2013 lần đầu tiên đã đặt ra chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: Từ chương trình tới hành động”, cũng với một danh sách kiến nghị gần như tương tự, nhưng với số lượng nhiều hơn 2 nhóm vấn đề, là quy định về trần chi phí quảng cáo và vấn đề miễn thị thực cho công dân một số quốc gia.

Rất đáng mừng khi 2 nhóm vấn đề đã được chuyển sang danh mục các vấn đề có tiến triển tích cực trong năm 2013, cùng với một số cải thiện trong lĩnh vực ngân hàng, các quy định liên quan đến thị trường vốn, hoạt động nhập khẩu, thuế tài nguyên…

Tuy nhiên, so với những tồn tại được nhắc lại, những tiến triển trong giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư - kinh doanh đã không theo kịp sự mong đợi của doanh nghiệp. Đó là chưa kể, các nội dung này vẫn là những điểm nóng tại VBF nhiều năm trước.

Sự chờ đợi các động thái tích cực và rõ ràng hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh từ phía cộng động doanh nghiệp thực ra không phải là điểm mới. Điều này đã được nhìn thấy trong sự đi ngang của Chỉ số môi trường kinh doanh (do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam thực hiện) từ quý II/2012 đến nay, cũng như sự ổn định tại vị trí 99/189 quốc gia, nền kinh tế trong Bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh 2014 do Ngân hàng Thế giới công bố cuối tháng 10 vừa qua.

Có thể thấy, sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức một con số, lãi suất VND giảm mạnh, tỷ giá hối đoái được duy trì đã được cộng đồng doanh nghiệp đưa lên hàng đầu trong số các tiến triển tích cực trong năm 2013. Song doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là những rào cản từ cơ chế chính sách, các quy định pháp luật.

Điều này đang ảnh hưởng tiêu cực tới các quyết định về kế hoạch đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2014, cũng như tiến trình khôi phục niềm tin của giới đầu tư, kinh doanh đối với địa điểm đầu tư Việt Nam. Một khi tâm lý chờ đợi và nghe ngóng sự cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn, thì kỳ vọng vào sự ổn định của các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm năm 2014 - điều kiện quan trọng để nền kinh tế phục hồi - cũng sẽ khó đạt được.

DN châu Âu chấm điểm môi trường kinh doanh Việt Nam
Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) hôm nay (6/11) đã công bố kết quả cuộc khảo sát lần thứ 13 về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư