Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Cựu du học sinh Harvard với mô hình thay đổi hệ sinh thái giáo dục Việt Nam
Hồng Phúc - 10/02/2017 08:30
 
Tham gia phát biểu trong hội thảo"Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam – 2017” do Bộ KH&CN vừa tổ chức tại TP.HCM, Huỳnh Hạnh Phúc, cựu du học sinh Harvard được nhiều kiều bào cũng như các chuyên gia đánh giá cao về mô hình Teach for Vietnam (TFV).
TIN LIÊN QUAN

TFV là một dự án phi lợi nhuận nhằm góp phần đem lại một nền giáo dục hoàn thiện, bình đẳng và thực tiễn trong thời đại mới tại trường học cho trẻ em Việt Nam, thông qua việc tuyển chọn các hạt giống xuất sắc nhất từ đa ngành nghề. Mục tiêu quan trọng nhất mà TFV  hướng đến là giúp trẻ em nghèo ở những vùng khó khăn nên chương trình sẽ hoàn toàn miễn phí cho người học.

Huỳnh Hạnh Phúc kỳ vọng Teach for Vietnam có thể quy tụ được nhiều nhân lực giỏi đa ngành.
Huỳnh Hạnh Phúc kỳ vọng Teach for Vietnam có thể quy tụ được nhiều nhân lực giỏi đa ngành.

Đầu tháng 10/2015, Hạnh Phúc, giám đốc điều hành kiêm sáng lập Teach for Vietnam (TFV) biết đến Teach For All, một mô hình giáo dục có mặt ở 40 nước trên thế giới. Với ý tưởng mang lại cơ hội giáo dục công bằng đến cho mọi trẻ em thông qua việc tuyển chọn và phát triển những nhà lãnh đạo trẻ đến dạy toàn thời gian ở những lớp học khó khăn trong 2 năm với cách thức chủ động, sáng tạo, rồi sau đó nỗ lực trong suốt cuộc đời để tăng cơ hội giáo dục cho mọi trẻ em. Nhận thấy triết lý và cách thức tiếp cận này rất tiềm năng, nên anh chủ động liên hệ với Teach For All, với mong muốn khởi động chương trình này ở Việt Nam. Hạnh Phúc đã bỏ công việc lúc đó là quản lý chiến lược cho Grab Vietnam với mức lương khoảng 5 nghìn USD/tháng để bắt đầu dấn thân vào hành trình giáo dục này.

Ba tháng sau, đó Hạnh Phúc đã ký kết Bản ghi nhớ với Teach For All. Điều này đồng nghĩa với việc Teach For All nhìn thấy các tiềm năng ở đội ngũ TFV và hỗ trợ họ trong việc thành lập Teach For Vietnam.

Cụ thể, TFV sẽ đào tạo đội ngũ hạt giống (fellow) kỹ năng sư phạm và kỹ năng mềm; sau đó sẽ đưa họ đến dạy một số môn học toàn thời gian, bước đầu là môn Tiếng Anh, tại các trường tiểu học và THCS ở các vùng khó khăn. Chia sẻ với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Hạnh Phúc cho biết, TFV đang tuyển dụng thêm 27 vị trí hạt giống. Đây cũng là khó khăn mà TFV đang gặp phải, bởi lẽ fellow phải đạt các yêu cầu như vừa có khả năng lãnh đạo, tinh thần cộng đồng mà đảm bảo kĩ năng truyền đạt tốt, vừa chấp nhận làm ở mảng giáo dục, một mảng chưa thu hút được nhiều nhân tài ở Việt Nam.

Hiện vốn hỗ trợ cho TFV được huy động từ nhiều nguồn như Lãnh sự quán Mỹ (18.700 USD), hơn 3 tỷ đồng từ Tây Ninh và sắp tới sẽ có một số nguồn vốn từ Teach for all. Đội ngũ cố vấn của TFV được nhắc đến với nhiều chuyên gia đa ngành như ông TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam; ông Lê Hồng Phúc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc phụ trách nhân sự Tập đoàn Novaland…

Hạnh Phúc kỳ vọng, TFV sẽ tạo ra chương trình uy tín về giáo dục “hạt giống lãnh đạo trong giáo dục phổ thông” thu hút các bạn trẻ tiềm năng nhất hướng đến mảng giáo dục để truyền đạt học sinh phương pháp, kỹ năng mới và chia sẻ các kinh nghiệm kỹ năng thế kỷ 21 với giáo viên hiện tại trong hệ thống. Về lâu dài, các hạt giống trẻ sẽ phát triển thành các lãnh đạo cam kết đóng góp để gia tăng các cơ hội giáo dục cho tất cả trẻ em Việt Nam. Và TFV hướng đến mục tiêu năm 2050, mọi trẻ em Việt Nam sẽ nhận được nền giáo dục hoàn thiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư