Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đà Nẵng sử dụng vốn ODA hiệu quả
Hà Minh - 14/10/2017 17:53
 
Đó là đánh giá của các nhà tài trợ thông qua Bộ KH-ĐT Việt Nam được ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế đối ngoại thông tin đến lãnh đạo Đà Nẵng và các đại biểu tham dự Hội nghị thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng Đà Nẵng chiều 14/10.
Dự án hầm đường bộ Hải Vân là một trong những Dự án sử dụng vốn ODA hiệu quả có tác động lớn đến phát triên kinh tế-xã hội Đà Nẵng
Dự án hầm đường bộ Hải Vân là một trong những dự án sử dụng vốn ODA hiệu quả có tác động lớn đến phát triên kinh tế-xã hội Đà Nẵng

Theo ông Cường, Việt Nam hiện có 51 nhà tài trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi, bao gồm: 28 nhà tài trợ song phương; 23 nhà tài trợ đa phương, bao gồm các định chế tài chính quốc tế và các quỹ và các tổ chức quốc tế và liên chính phủ với tổng giá trị ODA cam kết đạt 78,20 tỷ USD. Tổng vốn ODA ký kết đạt 80,45 tỷ USD (ODA không hoàn lại: 7,66 tỷ USD, ODA vốn vay: 71,17 tỷ USD, vay ưu đãi: 1,62 tỷ USD). Hiện nay, tổng vốn ODA giải ngân ước đạt 56,69 tỷ USD (70,4% tổng lượng ODA ký kết).

Các lĩnh vực sử dụng nguồn vốn trên tập trung chủ yếu vào Phát triển nông nghiệp và nông thôn (bao gồm cả nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản) kết hợp với xóa đói, giảm nghèo; Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục đào tạo, dân số và phát triển và một số lĩnh vực khác); Bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên; Tăng cường năng lực thể chế và pháp triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai. 

Trong đó, lĩnh vực gGiao thông vận tải và Bưu chính viễn thông chiếm 30,4% cơ cấu vốn, Năng lượng và Công nghiệp 18,58%...

Đối với Đà Nẵng, từ năm 1999 đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận 31 dự án ODA với tổng vốn ODA khoảng 426 triệu USD, trong đó: 22 dự án hoàn thành với tổng vốn đầu tư là 86,34 triệu USD; 08 dự án đang được triển khai thực hiện với tổng vốn ODA  423,68 triệu USD.

Những dự án với tổng số vốn ODA 314 triệu USD đang được TP. Đà Năng tập trung thực hiện gồm: Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng do WB tài trợ. Dự án Đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 do ADB. Dự án Trung tâm khu vực miền Trung về y học hạt nhân và xạ trị tại Bệnh viện Đà Nẵng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Dự án Hạn mức tín dụng của AFD dành cho Quỹ Đầu tư phát triển TP. Đà Nẵng. Dự án Tăng cường tác động của cải cách hành chính TP. Đà Nẵng do UNDP tài trợ.

Các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA TP. Đà Nẵng chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như cải tạo hệ thống cấp nước, thoát nước, giao thông; xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông; cung cấp trang thiết bị y tế kỹ thuật cao... đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt đô thị của TP. Đà Nẵng.

Đặc biệt, với 2 dự án sử dụng ODA là Cảng Tiên Sa, dự án hầm đường bộ Hải Vân kết nối vùng và quốc tế cùng các dự án hạ tầng khác đã góp phần tăng số doanh nghiệp của Đà Nẵng lên 100 lần.

Dự án Cảng Tiên Sa cũng là một trong những Dự án sử dụng nguồn ODA phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt
Dự án Cảng Tiên Sa cũng là một trong những dự án sử dụng nguồn ODA phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt

Theo nhận định của Bộ KH-ĐT, Đà Nẵng đảm bảo tốt các điều kiện đối ứng cam kết trong hiệp định: Đảm bảo bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng, đáp ứng tiến độ giải ngân các dự án ODA theo yêu cầu của nhà tài trợ. Thực hiện tốt công tác giải tỏa đền bù, GPMB bàn giao đúng thời hạn để các dự án ODA được triển khai thực hiện theo kế hoạch.  Nhờ sử dụng và quản lý vốn ODA đạt hiệu quả cao, TP. Đà Năng đã tạo dựng được mối quan hệ vững chắc, tin cậy với nhà tài trợ.

Cũng theo ông Cường, hiện Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được sự đồng tình và ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế, song đi liền với đó hợp tác phát triển với các nhà tài trợ sẽ tiếp tục có những thay đổi căn bản, kết thúc giai đoạn quá độ chuyển đổi từ quan hệ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác.  

Bên cạnh đó, các nhà tài trợ tiếp tục có những điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với các điều kiện kém ưu đãi hơn, tập trung mạnh vào thương mại, hợp tác đầu tư hoặc chấm dứt các chương trình hỗ trợ phát triển cho Việt Nam. Theo ông Cường, thời gian tới nguồn tài trợ phát triển sẽ trở nên phong phú và đa dạng hơn với việc hình thành và đi vào hoạt động các Quỹ, Ngân hàng khu vực hoặc toàn cầu như Quỹ Mekong - Nhật Bản về phát triển hạ tầng hiện đại, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng các nền kinh tế mới nổi (BRICS Bank),... sẽ mang lại nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho các nước chậm phát triển và thu nhập trung bình để tiếp cận các nguồn vốn phù hợp cho đầu tư phát triển.

Nông nghiệp công nghệ cao mở ra cơ hội cho phía Tây Đà Nẵng
Đà Nẵng đang trên đà phát triển, nhưng khu vực rộng lớn phía Tây Đà Nẵng vẫn chưa được khai thác hết các tiềm năng, giá trị.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư