Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đại án PVC: Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Đỗ Mến – Bùi Trang - 03/02/2018 11:31
 
Tính đến nay, duy chỉ có bị cáo Trịnh Xuân Thanh kêu oan, trong khi hầu hết bị cáo còn lại đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, từ ngày 8-22/1/2017, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVC. Sau gần 2 tuần tòa tuyên bản án sơ thẩm, có 12 bị cáo trên tổng số 22 bị cáo làm đơn kháng cáo.

Tính đến nay, duy chỉ có bị cáo Trịnh Xuân Thanh kêu oan, hầu hết bị cáo còn lại đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN.

Đồng loạt xin giảm án

Bị tuyên phạt mức án 9 năm tù, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) cho rằng hình phạt của bị cáo quá cao. Bị cáo Khánh đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm hình phạt và trách nhiệm dân sự nêu trong bản án sơ thẩm.

Các bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó tổng giám đốc PVC), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN), Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN), Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó tổng giám đốc PVC), Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC), Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC), Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC) đều làm đơn kháng cáo xin được Tòa án Cấp cao tại Hà Nội giải quyết theo trình tự phúc thẩm để giảm nhẹ hình phạt tù, giảm nhẹ mức bồi thường dân sự, xem xét áp dụng bổ sung các tình tiết giảm nhẹ.

Nêu trong đơn kháng cáo, bị cáo Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) không xin giảm nhẹ hình phạt tù mà chỉ xin giảm nhẹ mức bồi thường dân sự và giảm tiền án phí dân sự cho bị cáo.

Trước đó, bị cáo Trương Quốc Dũng đã bị tuyên phạt mức án 17 tháng tù giam về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường 2,3 tỷ đồng và 79 triệu đồng tiền án phí dân sự.

“PVC phải chịu trách nhiệm dân sự”

Bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) cho rằng, mức án 22 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọn  và Tham ô tài sản mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên là quá nặng.

Bị cáo cũng cho rằng, bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ khác chưa được HĐXX cấp sơ thẩm xem xét. Bị cáo khẳng định không trực tiếp chỉ đạo việc lập hồ sơ khống để tham ô. Bị cáo chỉ ký phiếu ý kiến của Hội đồng quản trị mà phiếu ý kiến này không đủ điều kiện để ban hành Nghị quyết của Hội đồng quản trị.

Trước khi bị khởi tố, bị cáo đã rất tích cực hợp tác, khai báo giúp cơ quan tố tụng điều tra tội phạm để sớm đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm chưa áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cho bị cáo. Mặt khác, bị cáo đã đề nghị gia đình khắc phục hậu quả trước khi bị khởi tố

Bị cáo Thuận còn cho rằng, tòa sơ thẩm áp dụng trách nhiệm dân sự với bị cáo là không có căn cứ. Bởi lẽ bị cáo là người đại diện theo pháp luật của PVC, bị cáo đã nhân danh pháp nhân, hành động vì lợi ích của PVC và không vụ lợi, nên PVC phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 93 - Bộ luật Dân sự 2005.

Với lý do trên, bị cáo Thuận đề nghị được xét xử theo trình tự phúc thẩm nhằm giảm nhẹ hình phạt tù tối đa cho bị cáo và buộc PVC phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định.

Được biết, ngoài hình phạt tù, HĐXX cấp sơ thẩm xác định, hành vi cố ý làm trái của các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 119 tỷ đồng. Chia theo tỷ phần, bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh phải liên đới bồi thường mỗi người 30 tỷ đồng, các bị cáo còn lại trong nhóm tội này phải bồi thường mức tiền từ 2 – 6 tỷ đồng.

Từ đại án PVC, Hội đồng xét xử kiến nghị điều tra, làm rõ một số vụ việc thất thoát, sai phạm khác
Tại bản án sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái, Tham ô tài sản tại PVC, ngoài mức án tuyên cho các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư