Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại biểu Dương Trung Quốc: “Quốc hội là trường đại học lớn”
Mạnh Bôn - 04/05/2016 08:10
 
Gần 1 năm sau ngày đất nước thu về một dải, ngày 25/4/1976, hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8%) đã đi bầu ra Quốc hội thống nhất đầu tiên (khóa VI) trong lịch sử. “Hơn 40 năm đã trôi qua, Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất…”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Tham gia Quốc hội 3 khóa liên tục và tiếp tục ứng cử Quốc hội khóa XIV, ông đánh giá thế nào về hoạt động của Quốc hội?

Với 14 năm làm đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy rất rõ sự thay đổi trong hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đặc biệt là tiến trình dân chủ hóa. Số người tự ứng cử vào cơ quan dân cử ngày càng tăng đã chứng tỏ tính dân chủ của chế độ. Trong hoạt động ở Quốc hội, tính dân chủ, vai trò của đại biểu được thể hiện rất rõ trong các phiên chất vấn, thảo luận trên nghị trường.

Mặc dù tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách còn thấp, nhưng hoạt động của Quốc hội ngày càng sát hơn với đời sống xã hội; tiếng nói của đại biểu ngày càng có trọng lượng hơn với dư luận, với các cơ quan, bộ, ngành. Tuy nhiên, để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân, mỗi đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XIV tới đây còn phải cố gắng, phấn đấu, học hỏi rất nhiều.

.
Ông Dương Trung Quốc đã tham gia Quốc hội 3 khóa liên tiếp

Cố gắng, phấn đấu nếu không có nền tảng chuyên môn thì làm sao đại biểu có thể đóng góp ý kiến thực sự chất lượng vào các vấn đề quan trọng như tài chính, ngân sách, nợ công…?

Trình độ của đại biểu qua từng khóa đều được cải thiện, hầu hết đại biểu tốt nghiệp đại học, trong đó, tỷ lệ người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ rất cao. Vì thế, mặc dù không được đào tạo chuyên sâu ở lĩnh vực nào đó, song đại biểu vẫn có thể cho ý kiến có chất lượng.

Tôi là người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, có hiểu biết nhất định về văn hóa, xã hội, giáo dục… nhưng lại là “ngoại đạo” với nhiều vấn đề, trong đó có ngân sách nhà nước. Mặc dù vậy, tôi hiểu rằng, ngân khố quốc gia là nguồn duy nhất bảo đảm sự vận hành của cả xã hội, vì vậy, mọi người dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế, còn Chính phủ có nghĩa vụ sử dụng tiền thuế của dân hợp lý, hiệu quả nhất, đặc biệt là phải minh bạch, tạo điều kiện tối đa để người dân giám sát chặt chẽ, tránh lãng phí, tham ô, tham nhũng. Với quan điểm này, cho dù không phải là chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng, song từ thực tiễn cuộc sống, phản ánh của cử tri và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cộng với việc tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, thì các đại biểu Quốc hội hoàn toàn có thể đóng góp ý kiến chất lượng cao khi cho ý kiến vào dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách hay nợ công, nợ xấu…

Bản thân ông đã bao giờ phải quyết định vấn đề vô cùng quan trọng trong khi không hiểu biết nhiều lắm? Nếu có trường hợp như vậy, ông xử lý thế nào?

Tôi còn nhớ, khi Quốc hội thảo luận và thông qua độ cao của Hồ thủy điện Sơn La (năm 2004) với các độ cao là cao, thấp và trung bình. Tôi gần như mù tịt về lĩnh vực này, nên đi hỏi ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS. Trần Văn Giàu và cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Trong khi quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là phải đặt an toàn lên trên hết, nếu để ở mức cao có thể gây ra thảm họa khi không may đập bị vỡ vì lý do khách quan nào đó. Do vậy, theo Đại tướng, nên xây hồ ở mức thấp. Còn GS. Trần Văn Giàu thì lại cho rằng, đất nước mình nhiều nơi có thể xây dựng được thủy điện, không nhất thiết phải xây hồ ở mức cao, mà nên chọn mức trung bình. Ngược lại, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng, muốn phát triển kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì phát triển điện phải đi trước một bước, vì vậy cần xây Hồ thủy điện Sơn La ở mức cao.

Sau khi tham vấn ý kiến của “ba cây đại thụ” này, tôi rất bối rối vì không biết sẽ “ấn nút” chọn mức nào. Vì thế, tôi phải tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, đồng thời tìm hiểu tài liệu để nghiên cứu và cuối cùng tôi đã chọn mức trung bình - phương án được Quốc hội quyết định.

Một khối lượng luật khổng lồ đang chờ Quốc hội khóa XIV sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo Hiến pháp năm 2013 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông, để bảo đảm chất lượng của luật, Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội khóa XIV cần phải đổi mới những gì?

Tiến trình hội nhập với kinh tế thế giới của Việt Nam diễn ra rất nhanh và sâu rộng, nên đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải có sự hiểu biết nhất định, có đủ thông tin cần thiết để cân nhắc, đánh giá cẩn trọng trước khi quyết định. Muốn vậy, không có cách gì khác, từng đại biểu phải coi Quốc hội là trường đại học lớn, trong đó từng “sinh viên” phải tự học hỏi, tự nghiên cứu, tự thu thập thông tin, kiến thức mới đáp ứng được sự trông đợi của cử tri.

Quốc hội khóa XIV tới đây, theo tôi, phải tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện tối đa cho đại biểu tổ chức điều tra, khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực mà họ phải có ý kiến và ra quyết định cuối cùng là thông qua hay phủ quyết vấn đề nào đó.

Danh sách đầy đủ Bộ máy lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội
Danh sách bộ máy lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội từ các chức danh cao nhất như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư