Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: "Đổi mới công tác quy hoạch để phát triển mạnh mẽ kinh tế vùng"
Hữu Tuấn - 03/11/2016 16:40
 
Để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, Đại biểu Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch.

Đại biểu Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh, rà soát các rào cản không còn phù hợp với các quy định làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi, nhằm đáp ứng tình hình hội nhập và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Tăng cường tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực tư nhân Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và hoạt động của doanh nghiệp. Có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lập nhiều kênh lắng nghe, thu thập thông tin, phản hồi, đồng hành cùng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Khuyến khích hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp.

Đối với vấn đề, phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, ông Sơn cho rằng, vấn đề này đã được Đảng và Nhà nước ta nhận thức từ rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ 8 và qua các kỳ Đại hội thứ 9, 10, 11, 12 vấn đề này đều được tiếp tục làm rõ và định hướng chiến lược phát triển vùng. Trong quá trình thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng nước ta đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, vẫn còn nhiều hạn chế cần nhìn thẳng rằng, việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng như hiện nay chưa phát huy hết tính hiệu quả trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, vai trò ràng buộc liên kết vùng và nội vùng vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc liên kết vùng hiện nay vẫn còn là sự ghép nối giữa các tỉnh, thành với nhau, một số nơi là số ghép cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, cơ bản chỉ trên tinh thần tự nguyện cam kết giữa các địa phương trong vùng, chưa có tính pháp lý, không có chế tài đảm bảo sự thực hiện lâu dài, nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ.

Đại Đại biểu Nguyễn Bá Sơn
 Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đóng góp ý kiến trên Nghị trường Quốc hội.

"Việc thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương đang mang tính chạy đua, mạnh ai nấy làm, thay nhau trải thảm đỏ mời đầu tư với nhiều hình thức ưu đãi. Thử hỏi 63 tỉnh, thành với 245 bến cảng thuộc 29 cảng biển, 21 sân bay, trong đó có tới 10 sân bay quốc tế, gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển. Điều này khiến cho lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong vùng và các tỉnh, thành đầu tư dàn trải, lãng phí, không có trọng điểm", ông Sơn nói.

Theo Đại biểu này, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế là đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, ông Sơn đề nghị Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch. Phát triển tổng thể của vùng gắn chặt với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của từng địa phương, phân tích thế mạnh của từng vùng tạo nên nhiều chuỗi giá trị hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, đảm bảo tính thống nhất, tập trung quản lý của nhà nước về kinh tế, đảm bảo giám sát tốt việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng và của vùng hài hòa lợi ích giữa các địa phương và vùng, tránh tình trạng trùng lắp lợi ích, cạnh tranh lẫn nhau.

Các tỉnh thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc nâng cao khả năng tổ chức hoạt động phối hợp liên tỉnh, tăng cường công tác phối hợp giữa lãnh đạo các tỉnh, thành trong việc thực thi chính sách chung của Chính phủ đề ra nhằm khắc phục tính cục bộ trong hoạt động xây dựng địa phương, xóa bỏ tư duy khép kín. Các bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các vùng để xây dựng quy hoạch phát triển ngành và kết cấu hạ tầng.

Thống nhất trình Dự án Luật quy hoạch tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
Chiều ngày 6/10, tại kỳ họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc cách đây ít phút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư