Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội nói về 3 mất cân đối của nền kinh tế
Hà Nguyễn - 02/11/2017 16:30
 
Đăng đàn thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 2/11, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) đã nói về 3 mất cân đối của nền kinh tế, ảnh hưởng tới sự phát triển dài hạn của Việt Nam.

kinh tế đang diễn biến tích cực, song là người đăng đàn sớm nhất trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 2/11, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) đã nhấn mạnh việc nền kinh tế vẫn đang bị mất cân đối ở 3 khía cạnh, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển dài hạn.

Thứ nhất là mất cân đối trong cán cân thương mại. Con số dự báo nhập siêu 3 tỷ USD năm 2017, theo đại biểu Trần Anh Tuấn, cho thấy khả năng cạnh tranh của các mặt hàng trong nước chưa cao, đặc biệt là những mặt hàng có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM)
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM)

“Xuất khẩu chưa nhiều, các loại nguyên vật liệu, phụ liệu thay thế hàng nhập khẩu cũng chưa có nhiều; mà xuất khẩu lại lệ thuộc lớn vào khối FDI. Mặt khác, sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế”, đại biểu Trần Anh Tuấn nói.

Cũng theo đại biểu Trần Anh Tuấn, các doanh nghiệp FDI thường nhập nguyên vật liệu từ chính quốc, phần sử dụng nguồn lực trong nước rất hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam lại còn nhỏ lẻ, chưa xâm nhập vào thị trường bán lẻ của các nước trong khu vực. Trong khi đó, thị trường bán lẻ trong nước lại có áp lực cạnh tranh lớn từ các nhà bán lẻ nước ngoài.

“Giải pháp đối với sự mất cân đối này là sự liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp và nhà phân phối bán lẻ. Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ ra các nước trong khu vực cũng là giải pháp cần lưu ý”, đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, mất cân đối thứ hai trong nền kinh tế chính là mất cân đối thu - chi ngân sách. Bội chi hiện nay ở mức 3,5% GDP, tức là 178.300 tỷ đồng. Trong đó, chi tiêu thường xuyên vượt kế hoạch 11.600 tỷ đồng; cơ cấu chi tiêu thường xuyên còn khá cao, trên 64%, trong khi chi cho đầu tư phát triển chỉ khoảng 27%.

“Sự mất cân đối này có thể giải quyết bằng việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy như Nghị quyết Trung ương 6 vừa rồi. Tiếp tục tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, đặc biệt là cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tăng cường hiệu quả về ngân sách, giảm chi, trong đó đặc biệt chi thường xuyên”, đại biểu Trần Anh Tuấn đề xuất.

Còn mất cân đối thứ ba, đó chính là thiếu hụt vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Vốn đầu tư từ ngân sách hiện chiếm khoảng 1/4 trong tổng vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, đây là năm thứ hai liên tiếp, hầu hết các bộ, ngành, địa phương không có đủ nguồn vốn để khởi công mới các dự án, trong bối cảnh áp lực nợ công cao, hiệu quả đầu tư còn thấp, giải ngân vốn đầu tư còn chậm.

“Giải pháp cần tập trung tôi nghĩ cần có một sự linh hoạt trong phân bổ vốn đầu tư, kịp thời điều chuyển vốn ở những dự án chậm giải ngân sang những dự án đang thiếu vốn mang tính trọng điểm, đặc biệt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn, các dự án mang tính liên kết vùng”, đại biểu Trần Anh Tuấn nói và cho rằng, cũng cần tăng cường phân cấp đầu tư cho các địa phương để họ có thể chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực phát triển.

“Việc thu hẹp các mất cân đối trên là cơ sở để đưa kinh tế nước ta phát triển bền vững hơn cho những giai đoạn tiếp theo”, đại biểu Trần Anh Tuấn kết luận.

Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Tâm điểm nợ công, nợ xấu, hiệu quả DNNN
Hôm nay (31/10), Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV sẽ chính thức bắt đầu 2,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Nợ công, nợ xấu còn cao,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư