Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đại biểu “truy” trách nhiệm của thanh tra NHNN với ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt
T.L - 17/11/2017 09:44
 
Sức khỏe của hệ thống ngân hàng còn “mập mờ” khiến người dân bị sốc khi ngân hàng bị rơi vào tình trạng tái cơ cấu. Vậy trách nhiệm của cơ quan giám sát đến đâu? Đây là một trong những câu hỏi được đại biểu chất vấn Thống đốc NHNN sáng nay (17/11).
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 17/11

Xử lý trách nhiệm cá nhân đến đâu?

Chất vấn Thống đốc sáng nay, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhắc đến kết luận của Thanh tra Chính phủ đưa ra cuối tháng 8/2017. Kết luận thanh tra có đề cập tới việc NHNN chậm ban hành quyết định đưa tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo Luật các tổ chức tín dụng. Đại biểu Nghĩa đề nghị Thống đốc cho biết kết quả kiểm tra và xử lý trách nhiệm của cá nhân có liên quan.

Về câu hỏi này, Thống đốc cho biết, hiện NHNN đang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan, khi có kết quả sẽ báo cáo Chính phủ và các đại biểu Quốc hội.

Thống đốc khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra giám sát. Ngoài ra, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng sẽ giúp NHNN tới đây có thêm nhiều công cụ để đánh giá thực trạng, kiểm soát tình hình của các ngân hàng yếu kém.

Buộc ngân hàng lên sàn để người dân giám sát "sức khỏe"

Cũng liên quan đến vấn đề ngân hàng yếu kém, đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) chất vấn Thống đốc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong cảnh báo thường xuyên kịp thời về sức khỏe của các ngân hàng.

Do đó, đại biểu Mai đặt câu hỏi liệu thời gian tới NHNN có đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng hay không? Và có công khai cho người dân biết hay không để người dân đỡ bị sốc khi một ngân hàng bị xếp vào diện yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt?

Về vấn đề này, Thống đốc cho biết, NHNN đang xây dựng dự thảo thông tư mới thay thế quy định cũ, dự kiến sẽ đánh giá phân loại không chỉ ngân hàng thương mại cổ phần mà còn NHTM Nhà nước, tổ chức tín dụng nước ngoài, phi ngân hàng. Các tổ chức tín dụng được đánh giá theo các tiêu chí định lượng, định tính theo định kỳ hàng năm.

Tuy nhiên, Thống đốc khẳng định, việc công bố các kết quả này chỉ thông báo cho các tổ chức tín dụng vì các tổ chức quốc tế đã công bố xếp hạng với mục tiêu tham khảo cho nhà đầu tư và người gửi tiền, để đưa ra các quyết định đầu tư.

Còn với cơ quan quản lý nhà nước, mục tiêu xếp hạng là để quản lý và hành động kịp thời, nhằm đánh giá kết quả an toàn của các tổ chức tín dụng, phát hiện tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro.

Tuy vậy, Thống đốc cho biết, để giúp người dân có thể biết về sức khỏe của các ngân hàng, thời gian tới, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, công bố báo cáo tài chính định kỳ, có kiểm toán. Qua đó, người dân và nhà đầu tư có thể giám sát, xác định sức khỏe ngân hàng, từ đó bảo vệ người gửi tiền.

Sở hữu chéo đã giảm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thanh Tùng về sở hữu chéo trong ngân hàng, Thống đốc cho biết, đến nay cơ bản tình trạng này đã được giải quyết, các ngân hàng minh bạch và đại chúng hơn. Tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện và xử lý.

Cụ thể, đến nay không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn. Số cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp nhau giảm từ 7 (năm 2012) xuống còn 2. Số cặp ngân hàng sở hữu cổ phần trực tiếp giảm từ 5 xuống 2. 

Mặc dù vậy, ông Hưng cũng thừa nhận sở hữu chéo là vấn đề khá phức tạp, khó phát hiện, kiểm soát với trường hợp cố tình, nhờ người đứng tên hộ, đòi hỏi thanh tra kỹ lưỡng.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến sở hữu chéo chưa được giải quyết dứt điểm như: khó tìm đối tác mua lại, nhiều nhà đầu tư khó khăn về nguồn vốn, điều kiện thị trường chưa thuận lợi…

Thống đốc cho rằng nếu Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết triệt để các tình trạng hiện nay. Trong dự thảo, NHNN đã sửa đổi một số quy định về khái niệm người có liên quan để xác định được cổ đông hưởng lợi cuối cùng. Ngoài ra, sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện với chức danh chủ tịch HĐQT, theo hướng chặt chẽ hơn, đưa vào quy định góp vốn mua cổ phần các tổ chức tín dụng.  Khi luật mới ra đời, NHNN cam kết xử lý nghiêm các vi phạm về sở hữu cổ phần, cổ đông của các ngân hàng.

Giao dịch tiền ảo sôi động, Thống đốc nói gì?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định), Thống đốc khẳng định sẽ phối hợp Bộ Tư pháp đưa ra khuôn khổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư