Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại gia đã bớt thao túng ngân hàng
Hà Tâm - 21/10/2015 08:11
 
Sau 4 năm tái cơ cấu ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo vẫn còn tồn tại, nhưng các cổ đông lớn không còn dám mạnh tay thao túng ngân hàng để vỗ béo cho công ty sân sau như trước.

Công cuộc tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn I bắt đầu kết thúc. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau giai đoạn này, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng.

“NHNN đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm dần (chỉ còn 3 cặp tổ chức tín dụng có sở hữu chéo). Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp tập trung ở một số ngân hàng TMCP, nhưng tỷ lệ không lớn. Tình trạng một tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại một số tổ chức tín dụng hoặc một số tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại một tổ chức tín dụng đã giảm so với thời gian trước đây”, ông Nghĩa nói.

.
 Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) là một trong số các thương vụ M&A ngân hàng thời gian qua

Thực tế, giai đoạn 2011-2015, hàng loạt thương vụ sáp nhập, hợp nhất liên quan đến sở hữu chéo đã diễn ra. Đầu tiên là trường hợp 3 ngân hàng hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), sau đó là trường hợp Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), MaritimeBank sáp nhập Tài chính dệt may, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chung sở hữu nhà nước, Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…

Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, số lượng ngân hàng vẫn liên quan đến sở hữu chéo còn rất nhiều. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng sở hữu cổ phần tại nhiều tổ chức tín dụng nhất: 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Trong đó, Vietcombank đang nắm 9,59% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), 8,24% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), 5,07% tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và trên 8% tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank).

Tương tự, Eximbank cũng đang nắm giữ cổ phần tại 4 đơn vị, trong đó nắm giữ cổ phần lớn tại Sacombank. Bên cạnh đó, tình trạng ngân hàng và doanh nghiệp sở hữu cổ phần lẫn nhau vẫn còn rất lớn. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng tuy đã loại một số ông chủ yếu kém ra khỏi lĩnh vực ngân hàng, song lại xuất hiện những ông chủ mới và vẫn tiếp tục gắn với “sân sau”.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, tình trạng sở hữu chéo tuy vẫn còn, song điều đáng mừng là các cổ đông lớn đã biết sợ, không còn dám lũng đoạn ngân hàng để sử dụng vốn cho các công ty sân sau như trước. Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, quá trình xử lý sở hữu chéo đang chậm lại. Dù sở hữu chéo đã giảm khá mạnh, song “mạng nhện” sở hữu chéo vẫn chưa được xử lý dứt điểm và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Về vấn đề này, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện một cách quyết liệt đã giúp tình trạng sở hữu chéo cơ bản gần như chấm dứt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như mong muốn, cần có cơ chế thanh lọc cơ cấu cổ đông nhằm loại trừ sự liên kết móc ngoặc giữa các cổ đông.

“Điều đó sẽ đảm bảo cho thành công của quá trình tái cơ cấu này không bị đảo ngược”, TS. Trương Văn Phước khuyến cáo.

Sẽ có đột phá trong tái cơ cấu ngân hàng
Trả lời phỏng vấn, chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2015, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là những áp lực lớn nhất trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư