Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Đại hồng thủy” trên TTCK Trung Quốc: Tác động tức thời tới Việt Nam chưa lớn
Tín Thành - 31/07/2015 08:29
 
Cơn “đại hồng thủy” trên thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đang khiến giới đầu tư tài chính quốc tế lo ngại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức độ tác động tức thời tới Việt Nam là chưa lớn và khó có khả năng dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi TTCK Trung Quốc sẽ chảy vào Việt Nam.

Cuộc khủng hoảng trên TTCK Trung Quốc bắt đầu diễn ra từ giữa tháng 6/2015 và chỉ sau hơn 1 tháng, Chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc đã bốc hơi gần 40% giá trị, làm giới đầu tư tài chính quốc tế ngỡ ngàng. Điều đặc biệt là, động thái này diễn ra ngay sau một chu kỳ đi lên, khi Shanghai Composite Index trước khi lao dốc đã chạm đỉnh hơn 5.100 điểm, tăng 150% so với giữa năm 2014.

Trước động thái đó, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp rất mạnh tay để nâng đỡ thị trường, như hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục, đình chỉ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), cảnh báo hành vi bán khống, ngừng giao dịch hàng trăm cổ phiếu đang niêm yết, thực hiện mua lại cổ phiếu để tạo sức cầu…

Chạy theo hiệu ứng bầy đàn của nhà đầu tư nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân khiến TTCK Trung Quốc và nhiều thị trường khác trồi sụt. Ảnh: S.T
Chạy theo hiệu ứng bầy đàn của nhà đầu tư nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân khiến TTCK Trung Quốc và nhiều thị trường khác trồi sụt. Ảnh: S.T

 

Tại buổi Tọa đàm về TTCK Trung Quốc do Báo Đầu tư tổ chức sáng 29/7, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã đưa ra góc nhìn khá toàn diện về thực trạng TTCK Trung Quốc, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, tác động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam…

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những đặc điểm khá rõ của thị trường tài chính Trung Quốc là cấu trúc tài chính vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa phát triển.

Hàng hóa trên TTCK Trung Quốc hiện chủ yếu là cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, chiếm 2/3 giá trị thị trường. Trong khi đó, tỷ trọng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng vốn hóa thị trường khá thấp, chỉ chiếm 25 - 30%.

Đặc điểm nữa của TTCK Trung Quốc là tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức rất thấp, trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tới hơn 97%. Theo TS.Thành, đặc tính của nhà đầu tư nhỏ lẻ là tính chuyên nghiệp kém, dễ chạy theo hiệu ứng bầy đàn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thị trường trồi sụt mạnh như đã từng diễn ra.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc thường có những diễn biến không hoàn toàn đi theo quy luật chung của nhiều thị trường lớn trên thế giới. Cụ thể, trong giai đoạn sau khủng hoảng năm 2008, phần lớn các TTCK lớn trên thế giới đều rơi vào sụt giảm một thời gian, sau đó phục hồi mạnh trở lại, thì TTCK Trung Quốc lại không biến động mạnh, mà chỉ đi ngang trong suốt giai đoạn từ năm 2008 đến 2014. Theo đó, cổ phiếu của các công ty niêm yết trên TTCK Trung Quốc cho đến trước đợt tăng giá mạnh năm 2014 có chỉ số P/E (thị giá so với thu nhập) khá thấp, chỉ khoảng 10 lần.

Phân tích điều này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, việc thị trường Trung Quốc tăng hồi năm 2014 là kết quả của một quá trình tích lũy trước đó. Tuy nhiên, điều khác biệt ở chỗ, chứng khoán Trung Quốc đã tăng quá nhanh, vượt qua rất nhiều so với mức P/E hợp lý. Do đó, nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu giai đoạn trước đã bung hàng chốt lời, dẫn đến làn sóng bán ra mạnh. Động thái này đã bắt đầu diễn ra từ cuối năm 2014, với lượng xả hàng của khối ngoại đạt khoảng 2 tỷ USD/tuần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến làn sóng bán tháo sau đó diễn ra tại Trung Quốc vào giữa năm 2015.

Trở lại câu chuyện về tác động của khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc đối với Việt Nam, một trong những câu hỏi được đặt ra là, dòng vốn rút ra từ thị trường Trung Quốc thời gian qua có đổ sang Việt Nam hay không? Hầu hết các chuyên gia cho rằng, dòng vốn sang Việt Nam hầu như không đáng kể, bởi quy mô thị trường Việt Nam khá nhỏ, chưa thể đủ hấp thụ dòng tiền này. Những tác động tiêu cực là có thể, nhưng không đáng kể.

TS. Võ Trí Thành cho biết, do kênh dẫn vốn chính của doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chủ yếu đến từ ngân hàng (chứng khoán chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu vốn của doanh nghiệp), nên khủng hoảng trên sàn chứng khoán sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vốn đầu vào của doanh nghiệp Trung Quốc, do đó cũng ít tác động đến các đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, mặc dù đợt suy thoái có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân Trung Quốc do đầu tư chứng khoán bị thua lỗ, song thông thường, dân Trung Quốc chỉ dành khoảng 10 - 15% tổng thu nhập vào chứng khoán, nên tác động này đến hành vi tiêu dùng của dân chúng tuy có thể có, nhưng cũng không lớn…

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo, dù Trung Quốc đã có những biện pháp mạnh để nâng đỡ thị trường, nhưng khả năng thị trường tiếp tục đi xuống là hoàn toàn có thể xảy ra. Lý do là, chỉ số P/E của Trung Quốc hiện vẫn ở mức khá cao (khoảng 20), trong khi động thái xả hàng của nhà đầu tư nước ngoài chưa có tín hiệu dừng lại.

Biến động về chứng khoán có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Trung Quốc.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Câu chuyện hiện nay là liệu thị trường chứng khoán Trung Quốc có xấu hơn nữa không, có gây khủng hoảng cho Trung Quốc hay không?

Rất nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, những biến động về chứng khoán có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Trung Quốc.n

TTCK Trung Quốc sụt giảm quá sớm.

Ông Đỗ Trọng Khanh, Vụ trưởng Vụ tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Sự sụt giảm mạnh của TTCK Trung Quốc nếu tính trên các chỉ số vĩ mô, thì đúng là sụt giảm quá sớm. Trung Quốc tuy giảm tăng trưởng, nhưng mức tăng 7% vẫn là tốt.n

TTCK Trung Quốc sụt giảm sẽ ảnh hưởng không lớn đến các nhà đầu tư nước ngoài.

TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

TTCK Trung Quốc sụt giảm sẽ ảnh hưởng không lớn đến các nhà đầu tư nước ngoài, bởi cách đây 1 năm, các định chế đầu tư quốc tế đã cảnh báo về TTCK nước này. Bị thiệt hại trong đợt sụt giảm này chủ yếu là nhà đầu tư Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc suy yếu có thể ảnh hưởng tới hàng tiêu dùng.

Ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty F.I.T

 Trên góc độ sản xuất kinh doanh, F.I.T có khoảng 10 doanh nghiệp, nếu nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, có thể ảnh hưởng tới các mặt hàng như hàng tiêu dùng, các sản phẩm nông nghiệp...

Sự can thiệp của Chính phủ dù không nhiều, nhưng cần thiết.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt

Nếu nhìn lại trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua của TTCK Trung Quốc, thì thấy Nhà nước có can thiệp. Sự can thiệp của Chính phủ dù không nhiều, nhưng đó là các giải pháp cần thiết để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Tôi đồng ý với các chuyên gia là cuộc khủng hoảng của TTCK Trung Quốc hiện nay là do margin. Thực tế, TTCK Việt Nam cũng đã có những giai đoạn khủng hoảng khi các công ty chứng khoán cho vay hợp tác đầu tư. Giai đoạn đó việc giải chấp, liệu có nên yêu cầu các công ty chứng khoán phải báo cáo định kỳ 2 lần/tháng về số dư vay

margin, thậm chí có thể báo cáo hàng ngày.n

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất 8 năm
Shanghai Composite Index giảm 8,5% hôm nay, mạnh nhất kể từ tháng 2/2007 làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả các biện pháp can thiệp của Chính phủ thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư