Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đại thắng Mùa Xuân 1975: Tâm nguyện dân tộc, tâm nguyện Bác Hồ
Bá Thư - 30/04/2015 07:31
 
Với Đại thắng Mùa Xuân 1975, cả dân tộc Việt Nam thực hiện trọn vẹn tâm nguyện Bắc - Nam sum họp một nhà, cũng là tâm nguyện của Hồ Chủ tịch gửi gắm trong Di chúc từ 6 năm trước đó.

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Lịch sử Việt Nam và thế giới mãi mãi còn lưu hình ảnh và thời khắc trưa 30/4/1975, những chiếc xe tăng dũng mãnh chồm tới húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng Việt Nam tung bay ngạo nghễ giữa nơi ít phút trước còn là hang ổ của quân xâm lược Mỹ và Ngụy tay sai, đánh dấu ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Bác Hồ gặp các cháu thiếu nhi dũng sỹ miền Nam tại Phủ Chủ tịch năm 1968. Ảnh: TTXVN
Bác Hồ gặp các cháu thiếu nhi dũng sỹ miền Nam tại Phủ Chủ tịch năm 1968. Ảnh: TTXVN

 

Đại thắng Mùa Xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã khép lại cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta ròng rã gần 1/3 thế kỷ (1945 - 1975), kể từ khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn trở lại Nam Bộ; trong đó, có hơn 20 năm (1954 - 1975) chống đế quốc Mỹ can thiệp và Ngụy quân, Ngụy quyền tay sai.

Trong không khí rạo rực của mùa Xuân 1975 - mùa Xuân sum họp - lại văng vẳng những lời thơ chúc Tết, mừng Xuân, nhưng luôn đau đáu nỗi niềm thống nhất nước nhà của Bác Hồ. Điểm lại 22 bài thơ chúc Tết của Người, hầu hết các bài đều nhắc đến từ “thống nhất”.

Từ Xuân Đinh Hợi 1947, Người đã viết: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi; Thống nhất độc lập, nhất định thành công”; Thơ chúc Tết Xuân Mậu Tý 1948, Người dùng mấy câu:

“Toàn dân đại đoàn kết

Cả nước dốc một lòng

Thống nhất chắc chắn được

Độc lập quyết thành công”.

Liên tục trong những bài thơ chúc Tết các năm 1956 (Xuân Bính Thân), 1959 (Xuân Kỷ Hợi), 1960 (Xuân Canh Tý), 1961 (Xuân Tân Sửu), 1962 (Xuân Nhâm Dần), 1964 (Xuân Giáp Thìn), 1965 (Xuân Ất Tỵ)…, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có lời chúc “Thống nhất nước nhà”, “Hòa bình thống nhất”.

Đặc biệt, lời chúc Tết như lời dự cảm và thôi thúc, hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc đã nhận định đúng đắn, chính xác: cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng nhất định đến ngày thắng lợi hoàn toàn, non sông quy về một mối.

Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào, chiến thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thực sự là một mốc son chói lọi trong lịch sử nước ta, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Lần đầu tiên sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, ngót trăm năm Pháp thuộc, hàng chục năm kháng chiến chống quân xâm lược, dải đất hình chữ S sạch bóng quân thù, toàn dân bước vào khôi phục đất nước, xây cuộc đời mới.

Ở thời khắc lịch sử đó, hàng triệu người dân Việt Nam, tự đáy lòng mình, nhớ tới công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đau đáu nỗi niềm mong cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, không còn chia cắt, với lời khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Tâm nguyện suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Không phải ngẫu nhiên, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được Bộ Chính trị chọn đặt là Chiến dịch Hồ Chí Minh và sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thành phố Sài Gòn được mang tên vị cha già vĩ đại của dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã luôn hướng về miền Nam và dành cho đồng bào miền Nam tình thương yêu sâu nặng. Trong Phủ Chủ tịch, mỗi ngôi nhà, mỗi bóng cây đều in dấu tình cảm da diết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, mùa Xuân năm 1955, đồng bào miền Nam gửi tặng Bác cây vú sữa. Người đã cho trồng ngay trong vườn Phủ Chủ tịch và chính tay Người chăm tưới mỗi buổi sáng, buổi chiều sau giờ làm việc. Khi chuyển về nhà sàn (năm 1958), Bác cũng cho chuyển cây vú sữa về cạnh nhà sàn, như thể đồng bào, chiến sĩ miền Nam thân yêu luôn bên cạnh Bác.

Do điều kiện của cuộc kháng chiến, Bác chưa có dịp vào miền Nam, đó là điều mà Người luôn đau đáu. Năm 1962, Bác tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Giờ phút chia tay, Người xúc động đặt tay lên ngực và nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

Tấm lòng hướng về miền Nam, nỗi da diết mong mỏi Tổ quốc được thống nhất, non sông liền một dải luôn thường trực trong con người Hồ Chủ tịch. Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa II (ngày 8/5/1963), Quốc hội có ý định trao tặng Người Huân chương Sao Vàng cao quý. Nhưng Người xin Quốc hội cho phép chưa nhận, bởi lẽ “Tổ quốc ta hiện đang tạm bị chia cắt làm đôi (...) Đồng bào miền Nam đang bị đầy đọa dưới chế độ dã man của Mỹ - Diệm”.

Vì những lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xin Quốc hội đồng ý: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

Cuối lời phát biểu trước Quốc hội, Người đã khẳng định một lần nữa: “Cho nên chắc chắn rằng, đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng. Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Tổ quốc yêu dấu của chúng ta nhất định sẽ hòa bình thống nhất”.

Nhưng rồi, 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, Bác Hồ kính yêu đã ra đi vĩnh viễn khi chưa một lần kịp thăm miền Nam. Người ra đi mang theo một nỗi niềm day dứt là miền Nam vẫn chưa được giải phóng.

Trong Di chúc, hai lần Người nhắc đến nỗi niềm đau đáu này. Người khẳng định, “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. “Nước ta sẽ có một vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

Sáu năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta, lời ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã cất cao trong niềm hân hoan của Đại thắng Mùa Xuân 1975, như lời đáp của toàn Đảng, toàn dân ta trước tâm nguyện trong Di chúc của Người, đó là chiến thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đó có lẽ cũng là sự khác biệt mà dân tộc và nhân dân Việt Nam đã làm được, để không có một bức tường nào như bức tường Berlin ở nước Đức; để vĩ tuyến 17 không như vĩ tuyến 38 ở Nam - Bắc Hàn;  để chỉ có non sông một dải, Bắc - Nam sum họp, toàn dân tộc đồng lòng, sát vai giữ vững nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp, hội nhập với bạn bè thế giới.

6.000 người tham gia diễu binh, diễu hành mừng ngày thống nhất
Sáng 30/4, khoảng 6.000 người đã tham gia lễ diễu binh, diễu hành mừng lễ 30/4 ở lễ đài tại ngã tư Lê Duẩn - Pasteur, Công viên 30/4 (quận 1, TP HCM).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư