Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đắk Nông - viên ngọc thô giữa đại ngàn
Hoàng Anh - 12/01/2019 20:38
 
Sở hữu những lợi thế về công nghiệp khai khoáng, du lịch sinh thái và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, Đắk Nông được ví như viên ngọc thô quý giá, chờ đợi được mài dũa và tỏa sáng.

Say đắm Đắk Nông

“Phải một lần đến với Đắk Nông”, đó là lời chào mời của những người đã từng check-in các cảnh đẹp ở vùng đất này. Quả vậy, nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Tây Nguyên, Đắk Nông sở hữu những thắng cảnh mê hoặc lòng người. Đó là hồ Ea Snô, một hồ nước thiên tạo được bao quanh bởi những đồi núi nhấp nhô; là quần thể hang động Chư Bluk với hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á; là Vườn quốc gia Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”...

Vườn quốc gia Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”
Vườn quốc gia Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”

Những cảnh đẹp riêng có ấy đã trở thành một trong những thế mạnh trong thu hút đầu tư của vùng đất đại ngàn này. Các công ty và tập đoàn lớn đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đầu tư vào du lịch của Đắk Nông. Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC nhận định, với nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa phong phú và độc đáo, Đắk Nông có rất nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá.

“FLC nhận thấy Đắk Nông có tiềm năng phù hợp với chiến lược đầu tư của Tập đoàn. Tiếp nối thành công của những quần thể như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Hạ Long…, chúng tôi muốn kiến tạo trên mảnh đất Tây Nguyên này những công trình có tầm vóc, hiện đại và đẳng cấp. Một trong những dự án mà chúng tôi đang nghiên cứu đầu tư là quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Tà Đùng tại nơi được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”, bà Dung chia sẻ.

Ngoài du lịch, Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế khác, đó là công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Trong đó, công nghiệp khai khoáng là thế mạnh nổi trội. Sở Công thương Đắk Nông cho biết, alumin là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông trong năm 2018, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lần đầu tiên cán đích 1 tỷ USD.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động đã tạo nên sức bật cho sự phát triển của tỉnh Đắk Nông.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động đã tạo nên sức bật cho sự phát triển của tỉnh Đắk Nông.

Việc Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động đã tạo nên sức bật cho sự phát triển của tỉnh Đắk Nông. Trong tháng 12/2018, Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) đã tổ chức chào đón tấn alumin thứ 650.000 trong năm, một con số khẳng định tiềm năng to lớn của Đắk Nông về công nghiệp khai khoáng.

Dự kiến đến cuối năm 2019, nhà máy luyện nhôm của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân (Khu công nghiệp Nhân cơ, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp) sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 700 triệu USD này khi đi vào hoạt động sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ và một phần sản lượng của Nhà máy Alumin Tân Rai; đồng thời sẽ cung cấp đủ toàn bộ lượng nhôm cho thị trường trong nước thay vì phải nhập khẩu.

Dự kiến, trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 được tổ chức ngày 14/1/2019, tỉnh Đắk Nông sẽ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án, với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Đó là 2 dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Nhà máy Điện mặt trời Trúc Sơn và Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung cùng Dự án Nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn.

Cũng tại Hội nghị, tỉnh Đắk Nông sẽ ký kết biên bản cam kết đầu tư với các nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư cam kết khoảng 48.000 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể tới một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC,  Công ty cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao, Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh… Các nhà đầu tư đánh giá rất cao tiềm năng và lợi thế của tỉnh Đắk Nông và sẵn sàng “rót tiền” để khai thác, mài dũa những viên ngọc thô trên vùng đất này.

Lớn mạnh cùng doanh nghiệp

Dù sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng thu hút đầu tư của Đắk Nông chưa được như mong đợi. Trong năm 2018, Đắk Nông đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư cho 20 dự án. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có 15 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng; nông nghiệp có 2 dự án với vốn đầu tư dự kiến 117 tỷ đồng… Những kết quả đó thật sự còn rất ít.

Ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết, để tạo điều kiện thu hút nhà đầu, lãnh đạo tỉnh đã chú trọng rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính và thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Tỉnh đã chỉ đạo 5 sở gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an tỉnh và Cục Thuế tỉnh tạo điều thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến liên hệ xử lý công việc và cam kết trước UBND tỉnh về việc không để trễ hạn giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh tư vấn, hướng dẫn và làm hồ sơ miễn phí cho doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa phương. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Chiến lược thu hút đầu tư vào tỉnh đến năm 2025 với những nhiệm vụ cụ thể. “Nội dung trọng tâm của Đề án là tập trung thu hút các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả xúc tiến, ưu tiên các dự án sản xuất công nghệ cao…”, ông Trung cho biết.

Với quan điểm, doanh nghiệp mạnh thì tỉnh mới lớn mạnh, nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính. Ông Trần Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để chủ động tháo gỡ và giải quyết những khó khăn của địa phương, tỉnh đã hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học của Trung ương, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM để chỉ ra các nút thắt và hợp tác giải quyết các nút thắt này nhằm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Kịch bản phát triển tỉnh Đắk Nông đã nhận được sự đồng tình của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và sự ủng hộ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đắk Nông đã và đang hợp tác với một số tập đoàn kinh tế lớn để quy hoạch chi tiết, tổng thể Công viên địa chất Đắk Nông, Vườn quốc gia Tà Đùng, đô thị Gia Nghĩa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

“Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục hợp tác với tỉnh Đắk Nông để khai phá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa địa phương phát triển nhanh chóng và bền vững. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi khi nhà đầu tư đến với Đắk Nông”, ông Hải khẳng định.

25 dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2020

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có 7 dự án như Dự án Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (huyện Đắk Mil); Khu sản xuất và chế biến nông sản tập trung (huyện Cư Jút), Nhà máy cấp nước sinh hoạt cho các xã Nam Dông, Ea Pô, Đắk Wil (huyện Cư Jút)…

Lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp có 5 dự án như Nhà máy cơ khí chế tạo máy và sửa chữa các thiết bị phục vụ hoạt động khai thác, chế biến bô xít và cung cấp thiết bị cơ khí cho dự án điện phân nhôm; Nhà máy sản xuất dây cáp điện; Nhà máy sản xuất linh kiện thiết bị công nghiệp sử dụng nhôm và hợp kim nhôm cung cấp cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu…

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch có 8 dự án như Khu du lịch sinh thái Hồ Trúc, Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly, khu thương mại, dịch vụ…

Lĩnh vực xã hội hóa có 5 dự án như Trung tâm văn hóa thể thao và công viên thiếu nhi huyện Cư Jút; Bệnh viện đa khoa khu vực phía Bắc tỉnh Đắk Nông; Dự án Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt…

Xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của Tây Nguyên
Đến năm 2050, tỉnh Đắk Nông là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, một cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực Tam giác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư