Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Đạm Ninh Bình hoạt động đạt 80% công suất, nhưng vẫn ngập trong nợ và thiếu vốn
Thế Hải - 22/02/2018 14:28
 
Nhà máy Đạm Ninh Bình, 1 trong 12 Dự án thua lỗ ngành Công Thương hiện đã hoạt động, đạt 80% công suất thiết kế, nhưng vẫn đang ngập trong nợ nần và thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Nhà máy Đạm Ninh Bình, 1 trong 12 Dự án thua lỗ ngành Công Thương hiện đã vận hành đạt 80% công suất thiết kế.
Nhà máy Đạm Ninh Bình, 1 trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương hiện đã vận hành đạt 80% công suất thiết kế.

Chiều ngày 21/02 (tức Mùng 6 Tết Mậu Tuất), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc tại Nhà máy Đạm Ninh Bình, 1 trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương.

Báo cáo chung về tình hình sản xuất tại Nhà máy Đạm Ninh Bình, ông Vũ Văn Nhẫn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đạm Ninh Bình cho biết, sau khi khắc phục song sự cố máy nén khí K1301 tại xưởng Khí hóa ngày 03/11/2017, các điều kiện về máy móc thiết bị, công nghệ, nhân lực đã đủ điều kiện khởi động chạy lại máy từ 15/01/2018.

Do thiếu vốn mua 40.000 tấn than để đảm bảo khởi động lại máy an toàn (lượng than tồn kho chỉ đủ sản xuất 09 ngày) nên phải đến ngày 22/01/2018 Ban điều hành mới quyết định bắt đầu khởi động lại Nhà máy.

Theo đó, từ ngày 22/01 và đến ngày 29/01/2018, Công ty sản xuất được xấp xỉ 27.000 tấn urê, bình quân mỗi ngày sản xuất gần 1.300 tấn và đang vận hành ổn định với phụ tải đạt 80% thiết kế.

Nhà máy cũng đã xuất bán hàng được khoảng 22.000 tấn urê, lượng hàng tồn kho chủ yếu do các khách hàng dừng lấy trong dịp nghỉ Tết và Công ty đã tiếp tục trả hàng và xuất bán ngay từ ngày mồng 02 Tết.

Ngoài ra, đã có 23 nhà phân phối đặt mua hàng của nhà máy với giá trị chuyển tiền xấp xỉ 150 tỷ đồng, tương đương 23 nghìn tấn Urê. Ước tính, công ty sẽ tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động với mức lương bình quân 6,2 triệu đồng/tháng, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thị trường và giảm lỗ…

Giá bán urê Ninh Bình từ 6 – 6,3 triệu đồng/tấn đang cao hơn chi phí biến đổi khoảng 0,5 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Nhẫn, Công ty vẫn đang gặp nhất nhiều khó khăn về vốn nên Công ty rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các tổ chức tín dụng.

"Mong muốn lớn nhất của nhà máy hiện tại là có nguồn vốn lưu động để sản xuất. Chứ cứ tiếp tục tổ chức sản xuất chỉ bằng nguồn tiền khách hàng thu về thì không thể làm chủ được giá thị trường được", ông Vũ Văn Nhẫn cho biết và đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ để ngân hàng cho vay 350 tỷ đồng để làm vốn lưu động, phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ông Nhẫn cũng đề nghị ngân hàng cho vay hơn 200 tỷ đồng trong 3 năm để thực hiện kế hoạch đại tu năm 2018. Việc vay vốn phải được thực hiện càng sớm càng tốt do vật tư dự phòng đặt hàng sẽ cần từ 6-8 tháng chế tạo trước khi chuyển cho bên mua.

Ngoài ra, lãnh đạo nhà máy đạm Ninh Bình cũng muốn được ngân hàng ưu tiên thu gốc trước, lãi thu sau và cho vay với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp ưu đãi nhất.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, khó khăn với Đạm Ninh Bình còn nhiều, nhưng thời gian này, doanh nghiệp cần chủ động vươn lên và phải tự cứu lấy mình.

“Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất sẽ còn làm việc với Công ty nhiều lần trong năm 2018 để tìm ra giải pháp, giúp Đạm Ninh Bình hoạt động hiệu quả hơn", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, hiện Công ty gặp khó khăn lớn về vốn. Thứ trưởng cùng Lãnh đạo Vinachem đã làm việc cùng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam để ứng trước 40.000 tấn than giúp Nhà máy. Thứ trưởng khẳng định trong năm 2018, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục gỡ dần bài toán về vốn, về công nghệ giúp Nhà máy từng bước ổn định sản xuất.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã lưu ý một số vấn đề lớn với Nhà máy Đạm Ninh Bình và đề nghị lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất  và Công ty cần chú ý trong thời gian tới, trong đó cần tập trung rà soát, đánh giá tổng quan về công nghệ, thương mại, quản trị doanh nghiệp để báo cáo Lãnh đạo Bộ hỗ trợ Công ty; đề xuất các phương án tối thiểu và phương án tối đa, có giải pháp thực hiện các giải pháp một cách cụ thể.

Bộ trưởng đề nghị Vinachem chủ động xây dựng, phát triển thị trường đủ mạnh để giữ thị phần, phát triển thương hiệu, mở rộng và liên kết trong hệ thống phân phối. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm cùng Tập đoàn làm tốt công tác thị trường; Nghiên cứu chính sách về thuế (phòng vệ thương mại...)

Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông, thông tin để mọi người hiểu những khó khăn của Công ty đồng thời thấy được sự nỗ lực vượt khó rất đáng tự hào của Lãnh đạo và người lao động Công ty.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "cần để cho mọi người thấy được rằng, cái gì thuộc về quá khứ chúng ta vẫn đối diện, vẫn khắc phục. Đây không phải là một dự án tồn đọng. Đây là một thương hiệu, một sản phẩm có ích cho nhà nông và là một hình ảnh của ngành công nghiệp hóa chất".

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư lên tới 667 triệu USD với công suất 560.000 tấn/năm. Sau 4 năm hoạt động, Nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ lên tới hơn 2.700 tỷ đồng. Máy móc nhà máy luôn trong tình trạng hư hỏng, hàng hóa tồn kho lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư