Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đặng Văn Thành: Duyên nợ nghề nông
Đức Luận - 13/10/2014 09:42
 
Một thời lừng danh trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng nay, khi quay về nông nghiệp, ông Đặng Văn Thành cũng có những cách làm độc đáo cùng với những triết lý kinh doanh thú vị không kém.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Điểm mặt những gia tộc kinh doanh nổi tiếng Việt Nam
Sáp nhập Southern Bank, cú thoát xác tuyệt đỉnh của ông Trầm Bê?
Chuyện thăng hạng, xuống hạng của tỷ phú Việt

Theo cách của nhà quản trị ngân hàng

Khác với nhiều người, ông làm nông nghiệp theo cách của một nhà quản trị ngân hàng. Ông kể, khi còn làm Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhiều người thắc mắc vì sao Sacombank lại đi tuyển kỹ sư nông nghiệp.

   
  Doanh nhân Đặng Văn Thành  

“Sacombank là ngân hàng bán lẻ, trong khi nông thôn là một thị trường lớn. Đối với nông dân khi vay vốn, điều quan trọng nhất là vốn đó phải có khả năng sinh lời. Mình phải tư vấn cho họ làm ăn sao cho có lãi, lúc đó mới có tiền để trả cho mình chứ. Làm như thế mới bền vững được”, ông nói.

Trong nông nghiệp, ông cũng làm như thế. Mía đường là ngành cốt lõi của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), nơi ông đang làm Chủ tịch. Nông dân là những người gắn bó mật thiết và đồng hành suốt quá trình phát triển của Tập đoàn. TTC Group hỗ trợ tối đa cho nông dân, từ vốn, cây giống, phân bón, chi phí sản phẩm và bao tiêu đầu ra. Nhưng như thế cũng chưa đủ, vì nếu làm không đúng cách, họ vẫn gặp rủi ro. “Chúng tôi đã tuyển những kỹ sư trẻ, giỏi giang, xông xáo, chịu khó đi xa, rồi rải về những vùng nông thôn để tư vấn cho nông dân”, ông chia sẻ.

Ông còn tổ chức những hội thảo lớn, quy tụ nông dân khắp các vùng trồng mía trên cả nước, mời cả chuyên gia và các nông dân giỏi nước ngoài sang để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm, từ khâu lựa chọn giống, ươm giống, bón phân, tưới tiêu, phòng ngừa sâu bệnh… cho đến thu hoạch.

Trong sản xuất, ông cho biết đang đưa các phương pháp quản trị mà ông đã tích lũy trong 20 năm làm ngân hàng vào áp dụng ở tất cả các công đoạn, từ sản xuất dây, mua hàng, vật tư… Ông nói: “Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là tư duy quản trị. Làm ngân hàng hay làm gì cũng thế, người quản trị phải có khả năng lắp ghép các bộ phận riêng rẽ thành một guồng máy hoàn chỉnh, đến lúc đó mọi thứ sẽ tự động chạy”.

Trong khi nhiều người vật vã chống chọi với đường ngoại nhập ngay tại sân nhà, ông đã tính đến chuyện xuất khẩu. Sau khi rời Sacombank, ông ở Singapore một thời gian. Mục đích đến đây là để nghỉ ngơi, nhưng ông kể, ra đường gặp người này, người kia, nói chuyện lòng vòng một hồi, cuối cùng cũng lại bàn chuyện làm ăn. Ông đã gặp được đối tác sẵn sàng hợp tác để sắp tới xuất khẩu đường sang Singapore.

Công ty cổ phần Đường Ninh Hoà, thành viên của TTC Group, đã có giấy phép thành lập công ty con với vốn điều lệ 700.000 USD tại Singapore. Trước đó, vào tháng 5/2014, một thành viên khác của Tập đoàn là Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai cũng đã quyết định thành lập công ty con tại Singapore với số vốn tương tự. Hai công ty này được lập ra chủ yếu là để phục vụ cho việc xúc tiến xuất khẩu đường.

TTC Group có một vị trí khá vững chắc ở thị trường trong nước, thậm chí có thể xem là bá chủ ngành đường, với 7 công ty con trong lĩnh vực này và trên 10.000 hộ nông dân liên kết trồng mía. Niên vụ 2013 - 2014, TTC Group chiếm 28% tổng sản lượng cả nước. Khách hàng của TTC Group có những tên tuổi lớn, và thú vị là giữa họ, có những công ty là đối thủ “không đội trời chung” của nhau như PepsiCo, Coca-Cola, Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Kinh Đô, Bibica, Topcake, Vedan và Ajinomoto.

Ông đặt mục tiêu là phải giảm giá thành và gián tiếp đánh bật đường nhập khẩu, kể cả nhập lậu. Trước mắt, một số công ty trong Tập đoàn sẽ phải tái cấu trúc để tăng sức mạnh và đạt hiệu quả kinh tế theo quy mô. Theo đó, Đường Ninh Hoà sẽ hợp nhất với Đường Biên Hoà và Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai sáp nhập với Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh.

Không chỉ loay hoay trong chiếc hộp “mía đường”, ông đã tính đến việc phát triển các sản phẩm cạnh đường và sau đường. Vừa qua, TTC Group đã ký hợp tác chiến lược với một đối tác lớn của Anh là ED&F Man. Đối tác này cam kết sẽ bao tiêu 80% cồn do TTC Group sản xuất để phân phối trong hệ thống của mình trên toàn thế giới. TTC Group sẽ đầu tư 20 triệu USD xây nhà máy sản xuất cồn với công suất 25 triệu lít/năm tại Tây Ninh. Nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2016.

Về điện sinh khối, tổng công suất các nhà máy điện sản xuất từ bã mía trong TTC Group hiện khoảng 100 MW, trong đó 50% phục vụ nhu cầu nội bộ, còn lại bán cho lưới điện quốc gia.

Làm gì không quan trọng

Nói về nông nghiệp, ông Thành không chỉ có mía đường. Ông còn hợp tác với một số người để nuôi bò Kobe. Chuyện này chẳng “dính dáng” gì đến ngân hàng, dù khi khởi sự cách đây 4 năm, ông đương chức Chủ tịch Sacombank.

Nuôi bò Kobe cũng chẳng “liên quan” gì đến mía đường hay những lĩnh vực khác mà Thành Thành Công đang có. Nuôi bò Kobe rất công phu, ở tất cả các khâu, từ tạo con giống đến chăm sóc và lấy thịt. Nhưng ông đã làm, đơn giản chỉ vì muốn thử do chưa có ai làm thành công.

Khi còn ở Sacombank, ông đã từng có những ý tưởng tiên phong như thế. Sacombank có rất nhiều cái “đầu tiên”: ngân hàng đầu tiên ở TP.HCM mở chi nhánh tại Hà Nội vào năm 1993, ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng vào năm 1996, ngân hàng đầu tiên thành lập công ty quản lý quỹ vào năm 2003, ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán năm 2006, ngân hàng Việt Nam đầu tiên mở chi nhánh ở nước ngoài (Lào) vào năm 2008…

Hiện gần 100 con bò Kobe đang được nuôi tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ông cắt đất trồng chè của Công ty cổ phần Thành Ngọc để làm trang trại nuôi bò. Những con bò này sẽ lần lượt xuất chuồng vào đầu năm tới.

Nhắc đến Thành Ngọc, ghép tên của vợ chồng ông, là nhớ đến thương hiệu chè nổi tiếng Ngọc Bảo. Công ty này ra đời từ việc sáp nhập Công ty cổ phần Chè 1/5 vào Công ty cổ phần Chè Hà Giang vào năm 2008 và được đổi tên sau đó một năm. Đây là hai công ty nhà nước được cổ phần hoá. “Hồi mấy công ty này được cổ phần hoá, chẳng ai quan tâm đến cổ phiếu của chúng. Tôi đã mua chỉ vì thấy chúng tương đối rẻ”.

Năm ngoái, Thành Ngọc đã xuất thử 2 container chè đầu tiên đi Mỹ. Sắp tới, Công ty tiếp tục xúc tiến xuất khẩu chè vào Mỹ, châu Âu và một số thị trường khác.

Thành Ngọc hiện cũng là chủ sở hữu Khu du lịch Đồi Mộng Mơ và Khách sạn Ngọc Lan tại Đà Lạt. Cuối năm nay, sẽ có một thương vụ M&A giữa Thành Ngọc với Công ty cổ phần Du lịch Thung lũng Tình yêu - chủ sở hữu Khu du lịch Thung lũng Tình yêu. Cụ thể, công ty sau sẽ sáp nhập vào công ty trước. Cả 2 hiện đều là thành viên của TTC Group. Du lịch Thung lũng Tình yêu trước đây cũng là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá vào đầu năm 2008 và lúc đó cổ phiếu chào bán cũng không mấy người quan tâm.

ông còn sở hữu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) - doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa vào năm 2006 và hiện là thành viên của TTC Group, với một loạt sản phẩm được làm từ trái dừa, nào là cơm dừa sấy khô, dầu dừa, chỉ sơ dừa, than gáo dừa, than hoạt tính…

Đầu năm, Betrimex đã đầu tư 6 triệu USD xây nhà máy sản xuất nước cốt dừa đóng chai và đóng hộp với công suất khoảng 10 triệu lít mỗi năm. Tháng 12 tới, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. “Hiện đã có một công ty của Mỹ và một công ty của Indonesia muốn bao tiêu toàn bộ đầu ra, nhưng chúng tôi muốn giữ lại 20% để gây dựng thị trường trong nước”, ông chia sẻ.

Nghe ông nói chuyện làm nông nghiệp cứ như đi vào rừng, vì danh sách những công ty ông đang làm còn rất dài. Với ông, làm gì cũng vậy, phải toàn tâm, toàn ý. “Trước khi làm gì, mình phải dành thời gian nghiên cứu, sau khi các kiến thức được thẩm thấu, mình bắt đầu yêu và từ yêu mới có tư duy đột phá, sau đó đem chia lửa cho nông dân, truyền tải cho họ những kiến thức mình có”, ông nói.

Trong khi nhiều người làm mía đường than khó và khổ, ông quan niệm: “Việt Nam vẫn là quốc gia nông nghiệp, nhưng tư duy làm nông nghiệp của mình chưa đột phá. Nông dân chậm thay đổi, doanh nghiệp thì hay than. Chẳng hạn, nông dân khi đốn mía, họ thường để lại phần gốc. Thu hoạch xong, họ chưa chở thẳng mía vào nhà máy mà cứ để ngoài đồng. Rồi khi chở mía, họ cũng không phủ bạt cho khỏi mưa nắng. Làm như thế chất lượng đường sẽ không cao. Hay như các doanh nghiệp thường xuyên than thiếu nguyên liệu, đầu ra thì phải cạnh tranh với đường ngoại nhập, đặc biệt là nhập lậu… Phải tự cứu mình trước”.

Và làm gì cũng vậy, với ông, chữ “tín” là quan trọng nhất. “Mất tiền là chưa mất hết, nhưng mất chữ ‘tín’ là mất tất cả”, ông nói. Những khách hàng lớn nêu tên ở trên đã mua đường của ông từ 20 năm nay!

Gặp lại ông, mọi người hay hỏi, liệu ông có tính quay lại ngân hàng. Câu trả lời chung cho tất cả là “khi thời điểm thích hợp”. Còn việc ông mở trung tâm đào tạo chuyên về ngân hàng, có người cho rằng, đó là một bước chuẩn bị cho sự trở lại của ông trong lĩnh vực ngân hàng. Mọi người có quyền có suy nghĩ riêng của mình. Nhưng nếu đúng như thế thì đã sao? “Làm gì không quan trọng, miễn là được làm doanh nhân. Không phải chỉ làm ngân hàng mới là doanh nhân, mà làm gì cũng có thể là doanh nhân”, ông nói.

Phép thử với mía đường Phép thử với mía đường

() Mặc dù Bộ Công thương vừa tạm ngừng cấp phép hoạt động tạm nhập - tái xuất đường qua cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhưng doanh nghiệp ngành mía đường vẫn chưa thực sự yên tâm khi đồng loạt đề nghị cơ quan quản lý sớm ngừng cấp phép hoạt động này trên phạm vi toàn quốc.

Thành Thành Công Tây Ninh sẽ tăng thành viên HĐQT Thành Thành Công Tây Ninh sẽ tăng thành viên HĐQT

 Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (mã SBT - sàn HOSE) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2014. Theo đó, tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 28/4 tới đây, Đại hội sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT từ 5 lên 6 thành viên.

Doanh nghiệp mía đường loay hoay tìm vị ngọt Doanh nghiệp mía đường loay hoay tìm vị ngọt

Những bế tắc trong tiêu thụ đường có thể sẽ được giải tỏa khi cuối tuần qua, Bộ Công thương nhất trí quan điểm không hạn chế xuất khẩu đường trên cơ sở làm rõ số liệu cung - cầu. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại, lối thoát cho doanh nghiệp mía đường không hề đơn giản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư