Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đặng Xuân Trường, sáng lập Hachi Việt Nam: Làm nông thời công nghệ
Phương Anh - 05/10/2017 08:47
 
“Dùng điện thoại di động kết nối Internet để trồng và quản lý nông sản cho năng suất cao gấp hai đến ba lần so với trồng rau thông thường” là những khác biệt trong Dự án Hachi của chàng trai 9X – Đặng Xuân Trường.
Người sáng lập Đặng Xuân Trường (đứng giữa).
Người sáng lập Hachi Việt Nam Đặng Xuân Trường (đứng giữa).

Ngã rẽ

Chưa khi nào Đặng Xuân Trường nghĩ sẽ “liên quan” với nông nghiệp. Kể cả khi học cũng như khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Nên việc Trường “kết thân” với nghề nông được cho là tình cờ.

“Năm 2015, có dịp nói chuyện với một nhóm bạn sinh viên ngành nông nghiệp, nghe chuyện của họ về lấn cấn trong an toàn thực phẩm… và nhận thấy, sản xuất nông nghiệp sẽ rất hấp dẫn nếu ứng dụng công nghệ thông tin”, Trường kể về lý do thôi thúc chàng sinh viên công nghệ chọn ngã rẽ khá bất ngờ.

Sự có mặt của cô bạn Hoàng Thị Yến Mai, thạc sĩ nông nghiệp, lúc đó chuẩn bị ra trường là cú click quyết định, để Đặng Xuân Trường quyết tâm làm “việc gì đó”.

Với sự tham gia tích cực của Yến Mai, cuối năm 2015, Trường đã cho ra mắt dự án đầu tay với tên gọi Hachi.

“Theo tiếng Nhật, Hachi có nghĩa là con ong. Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào sự chăm chỉ và cần cù của Hachi trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Nhưng cũng phải thực sự chăm chỉ và cần cù thì mới đi cùng được Haichi”, Trường chia sẻ bước đầu khởi nghiệp.

Năm 2016, Hachi kết nạp thêm 4 thành viên cùng đam mê, gồm Vũ Thành Đạt, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Thị Xuân, Đặng Văn Hiền.

“Đàn ong” Hachi chăm chỉ, nhẫn nại từng bước…

Đưa IoT vào nông nghiệp

Sau gần một năm nghiên cứu, sản phẩm đầu tiên của Hachi được giới thiệu là công nghệ thủy canh tự động.

Các tác giả cho biết, công nghệ thủy canh tự động của Hachi được ứng dụng trên thiết bị di động, bao gồm việc quản lý, kiểm soát các thông số môi trường về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, kích hoạt led và máy bơm  phù hợp với từng loại cây.

Với hệ thống tự động giám sát các điều kiện môi trường thông qua ứng dụng trên smartphone, Hachi có thể giúp tăng từ 30 đến 50% tốc độ sinh trưởng của cây, đảm bảo sạch, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài và trồng được những loại cây trái vụ, khó trồng ở điều kiện tự nhiên.

“Chi phí cho giàn thiết bị 2 tầng, diện tích khoảng 1m2 của Hachi là khoảng 4 - 6 triệu đồng, phí sử dụng hàng tháng, gồm hạt giống, tiền điện, dung dịch dinh dưỡng khoảng 50 ngàn đồng. Quan trọng hơn, Hachi tận dụng được lượng dữ liệu thuần Việt, đưa ra những cảnh báo phù hợp với cách canh tác của người Việt”, Đặng Xuân Trường giải thích.

So với các thiết bị từ nước ngoài, có giá khoảng từ 3.000-30.000 USD, sản phẩm của Hachi có giá rẻ hơn khá nhiều.

Không gặp vướng mắc trong quá trình xây dựng sản phẩm, nhưng Hachi lại gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển dự án.

Khó khăn đầu tiên của Hachi là vốn. Triển khai một dự án về nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nhiều chi phí phát triển phần cứng, mua sắm các thiết bị nông nghiệp và phát triển ứng dụng trên di động.

Hơn thế, sau khi hoàn thiện phiên bản mẫu của sản phẩm, nhóm gặp khó trong việc hoàn thiện và thương mại hoá sản phẩm do thiếu kinh nghiệm.

“Khi đó, rất may là chúng tôi tìm được Vietnam Silicon Valley (VSV) của Bộ Khoa học - Công nghệ”, Đặng Xuân Trường kể.

VSV được khởi xướng từ năm 2013, với sứ mệnh đồng hành và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là đơn vị đi đầu trong triển khai mô hình Tổ chức thúc đẩy kinh doanh VSVA (VSV Accelerator), đầu tư vốn mồi cho hơn 40 doanh nghiệp start-up, tổ chức kết nối và đào tạo cho hơn 300 nhà đầu tư, cố vấn và sáng lập viên.

Hachi được VSV hỗ trợ giải quyết khó khăn tài chính, đủ để hoàn thiện sản phẩm và cố vấn kinh nghiệm phát triển và bán sản phẩm cho Hachi.

Hiện tại, Hachi đã triển khai nhiều dự án nhà vườn trang trại tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, như Bắc Ninh, Đà Lạt, Vũng Tàu… Trong đó, phải kể đến Dự án Trang trại thủy canh giáo dục TEKY 30m2 (Hà Nội), Trang trại Thủy canh NFT Delco Eco Farm 1.000 m2 ở Bắc Ninh.

“Chúng tôi muốn kêu gọi 100.000 USD”, Trường tiết lộ kế hoạch tới đây của Hachi.

“Đàn ong” chăm chỉ này đang muốn có thêm tiền để đầu tư và phát triển mô hình trang trại công nghệ cao. Hachi đang lên kế hoạch hợp tác với công ty cảm biến của Nhật, để phát triển sản phẩm, giúp bao tiêu đầu ra cho những trang trại mà Hachi đã thi công.

Chat với Đặng Xuân Trường:

“Đàn ong”… Hachi đang làm gì?
Chúng tôi tập trung vào mảng xây dựng và tư vấn giải pháp cho các trang trại thuỷ canh, trồng rau không cần đất công nghệ cao. Ngoài ra, Hachi giữ mảng khách hàng nhà phố, xây dựng các mô hình thủy canh nhỏ, ban công sân thượng.

Hachi thu hút khách hàng bằng cách nào?
Bằng công nghệ. Xây dựng website, fanpage… để giúp người dùng có cái nhìn tổng quan về trồng rau thủy canh Hachi.

Và Hachi đã đạt được những gì trong thời gian qua?
Tôi muốn nhắc đến vài giải thưởng Hachi đã đạt được. Giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Techfest 2016. Giải Dự án Nông nghiệp xuất sắc nhất Startupwheel 2016. Giải Start-up triển vọng Nhân tài đất Việt 2016. Giải Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hợp tác thực hiện chuyên mục này

Cao Thùy Liên, đồng sáng lập Ecolab Việt Nam: Cảm hứng từ miền hoa cỏ quê hương
Trên nền tảng những bài thuốc đông y cổ truyền, Cao Thùy Liên quyết định phát triển một dòng sản phẩm mới có tác dụng làm đẹp và chữa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư