Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Đánh giá bổ sung kinh tế 2017: Nỗi lo từ một chỉ tiêu không đạt
Hà Nguyễn - 23/05/2018 08:04
 
Bức tranh kinh tế 2017 đã xuất hiện một khoảng mờ, bởi sau khi đánh giá bổ sung, Chính phủ đã chính thức báo cáo Quốc hội rằng, có một chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Chỉ một chỉ tiêu nhỏ và thậm chí không còn nằm trong hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 (chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP), song lại cho thấy những nỗi lo.
TIN LIÊN QUAN

Chính Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, cũng đã nhấn mạnh điều này. Rằng, cần lưu ý đến nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu, cũng như sự khác nhau lớn về số liệu giữa hai lần báo cáo Quốc hội.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, cuối năm ngoái, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội chỉ tiêu này là đạt kế hoạch (1,5%), nhưng kết quả đánh giá bổ sung lại thấp hơn nhiều (chỉ 0,5%).

.
.

Tuy nhiên, ở vào thời điểm hiện tại, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân vì sao chỉ tiêu này lại ở mức thấp như vậy. 

Một thực tế từng được nhắc tới, đó là tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam thời gian qua tăng khá nhanh. Thống kê của Chương trình Mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cho thấy, tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam năm 2012 là 56,7 triệu TOE (quy đổi sang tấn dầu tương đương), năm 2015 khoảng 70 triệu TOE, năm 2017 đã lên tới 80 triệu TOE. 

Một thực tế khác cũng luôn được khẳng định. Đó là tiêu thụ năng lượng của Việt Nam luôn cao hơn 2-3 lần so với nhiều quốc gia, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp. Điều này cho thấy nhiều vấn đề, không chỉ là chuyện hoàn thành hay không hoàn thành mục tiêu kế hoạch, mà còn là chuyện sử dụng điện năng không tiết kiệm, gây lãng phí, cũng như chuyện chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, những năm gần đây, Việt Nam đã nhắc rất nhiều chuyện đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Nhưng khi chúng ta vẫn đang tiêu hao quá nhiều năng lượng cho một đơn vị GDP, thì rõ ràng, chuyện đổi mới không nghệ đã không được như kỳ vọng. 

Vẫn còn nhiều công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng được sử dụng trong nền kinh tế, khiến ngay cả hiệu quả kinh tế không cao, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, chứ chưa nói tới chất lượng tăng trưởng. Đó là điều rất đáng lo ngại, là thách thức vô cùng lớn, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn thế giới và Việt Nam cũng đang hướng đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng nhanh, bền vững.

Cuối năm ngoái, Quốc hội đã chính thức ra nghị quyết về việc bỏ chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP trong hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm. Lý do là chỉ tiêu này thường được sử dụng để đo lường sự thay đổi chu trình công nghệ cho một giai đoạn, vì vậy, dù vẫn được tính toán sơ bộ hàng năm, nhưng cách tính cho cả giai đoạn 5 năm sẽ cho ra kết quả tính toán đầy đủ, chính xác hơn, phản ánh đúng thực chất vấn đề.

Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP là một trong những chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Dù không được đưa vào đánh giá hàng năm, nhưng rõ ràng, đây là một chỉ tiêu cần đặc biệt được chú ý. 

Một khi chỉ tiêu này không những không đạt kế hoạch, thậm chí còn đạt ở mức thấp, thì đúng như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị, cần đánh giá cụ thể việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế qua việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất thông qua một số chỉ tiêu về tiêu hao năng lượng, nguyên liệu… Qua đánh giá, các cơ quan chức năng cần đề xuất giải pháp phù hợp, hoàn thành chỉ tiêu này một cách thực chất (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giảm 1 - 1,5%/năm), góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư