Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Danh tính 13 doanh nghiệp nhập khẩu trái cây tại UAE có dấu hiệu lừa đảo
Thế Hoàng - 23/05/2017 17:34
 
Hoạt động xuất khẩu rau củ, trái cây của doanh nghiệp Việt Nam đang rất sôi động, tuy nhiên doanh nghiệp cần lưu ý danh tính 13 doanh nghiệp nhập khẩu tại UAE có dấu hiệu lừa đảo.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) mới có thông báo đến tất cả các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh mặt hàng trái cây xuất khẩu sang Dubai danh sách một số doanh nghiệp nhập khẩu trái cây có dấu hiệu lừa đảo tại UAE.

Danh sách 13 doanh nghiệp này gồm: Green Belt Food Stuff; Diamond Empire General Trading; Vintage International F.Z.C.; Mohammad Mehdi General Trading; Onion Food Stuff Trading; Khushi Trading; Olwen International FZC; Red Fort Trading; Season Food Stuff Trading; Lassani Food Stuff Trading; Mahak Gulf Trading; Takbeer Trading và công ty Floral Fruit.

Trong số 13 doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp đã bị kiện ra tòa với lý do không thanh toán tiền cho bên xuất khẩu.

Trước đó, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cũng đã nhận được rất nhiều các khiếu nại và đề nghị hỗ trợ từ các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm trái cây của Việt Nam sang UAE đối với một số công ty nhập khẩu tại Dubai. 

Theo đó, các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại được thực hiện theo từng bước. Trước tiên, doanh nghiệp giao dịch với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và thuyết phục ký hợp đồng xuất khẩu trái cây như chanh, chuối... với phương thức thanh toán là 50% trả tiền sau khi nhận bản scan chứng từ gửi hàng và 50% thanh toán sau khi nhận được hàng đúng chất lượng (thậm chí là sau khi nhận hàng 15 ngày), viện lý do đây là thông lệ kinh doanh của mặt hàng trái cây, rau quả tại Dubai (người bán cho người mua nợ tiền).

Sau khi nhận bản scan chứng từ,công ty UAE gửi thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam để lấy chứng từ gốc, sau đó liên tục lấy lý do trục trặc ngân hàng để lấp liếm việc phát hành thanh toán giả, trì hoãn việc thanh toán (thậm chí là cả khoản 50% đầu tiên).

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị chậm trả lên đến 6 tháng đến 1 năm, thậm chí sang tận nơi để đòi tiền nhưng cũng không giải quyết được do doanh nghiệp UAE cố tình lẩn tránh hoặc dùng thủ đoạn câu giờ.

Bước tiếp theo, khi nhận hàng, công ty UAE cũng dùng thủ thuật tráo hàng chất lượng kém, khiếu nại doanh nghiệp Việt Nam mà không có bất cứ giấy tờ giám định chất lượng hàng.

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), do điều kiện tự nhiên, khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên UAE phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. 

Số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của UAE năm 2014 đạt gần 3,2 tỷ USD, 2015 đạt khoảng 2,6 tỷ USD và trên 2,5 tỷ USD năm 2016. Trong đó, UAE nhập khẩu từ khoảng 20 quốc gia, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nam Phi, với các loại trái cây như táo, lê, các loại trái cây họ cam, rau củ tươi…

Năm 2016, mặt hàng rau, củ, quả xuất khẩu sang UAE đạt 22,8 triệu USD. Hiện tại, nhóm hàng nông sản và trái cây Việt Nam đã tiếp cận được một số hệ thống siêu thị của UAE, các mặt hàng rau quả như chuối, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt, hồng xiêm, xoài, ổi đang được bán tại các siêu thị với giá tốt, được người tiêu dùng UAE ưa chuộng.

Xuất khẩu trái cây, rau củ lập kỷ lục gần 2,2 tỷ USD
Riêng trong tháng 11/2016, giá trị xuất khẩu rau và trái cây đã đạt 186 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây trong 11 tháng đầu năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư