Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đặt cược vào cổ phiếu Vietnam Airlines, cổ đông được gì?
Anh Minh - 30/06/2014 07:41
 
Các cổ đông sẽ nhận được gì nếu đặt cược vào cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tới đây?
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chi phí cổ phần hóa Vietnam Airlines lên tới 57 tỷ đồng
Hé lộ phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines
NĐT Nhật "lên lịch" mua cổ phiếu IPO tại Việt Nam

Nhiều lợi thế cho IPO

Vietnam Airlines đã vượt qua cửa ải đầu tiên trong hiện thực hóa mục tiêu IPO vào cuối năm nay với việc phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này được Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tuần trước.

  Đặt cược vào cổ phiếu Vietnam Airlines, cổ đông được gì?  
  Các đối tác chiến lược tiềm năng sẽ soi rất kỹ kế hoạch phát triển trong vòng 5 năm của Vietnam Airlines kể từ khi cổ phần hóa  

Cần phải nói thêm rằng, thời gian hồ sơ cổ phần hóa gồm 43 trang, bao gồm 3 phụ lục của Vietnam Airlines chỉ “lưu” ở Bộ Giao thông  - Vận tải  đúng 2 tuần với một phiên thẩm định duy nhất được tổ chức vào ngày 20/6.

“Phương án cổ phần hóa của Vietnam Airlines được xây dựng khoa học, bài bản, có tính khả thi cao”, Thứ trưởng Bộ Giao thông  - Vận tải  Nguyễn Hồng Trường đánh giá.

Theo tờ trình của Bộ Giao thông  - Vận tải , Vietnam Airlines có số vốn điều lệ 14.101,8 tỷ đồng, trong đó cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 20%; bán đấu giá công khai 3,465%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn.

Với mức giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần, số tiền dự kiến thu về từ cổ phần hóa Vietnam Airlines là 7.754 tỷ đồng.

“Trong giai đoạn II của quá trình tái cơ cấu, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ tiếp tục giảm, nhưng không thấp hơn 65%”, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết.

Về nguồn tiền thu được sau phát hành cổ phiếu, Vietnam Airlines mong muốn được Chính phủ cho phép giữ lại phần thặng dư vốn cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông nhà nước (khoảng 1.043 tỷ đồng) để tăng vốn đầu tư của Nhà nước khi công ty cổ phần tăng vốn điều lệ để mua thêm máy bay. Đồng thời, Hãng cũng kiến nghị tiếp tục được Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn vay mua máy bay, bao gồm cả vay tín dụng xuất khẩu và vay thương mại.

Liên quan tới phương án phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Vietnam Airlines cho hay, hơn 282 tỷ cổ phần sẽ được bán song song với kế hoạch IPO. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể phụ thuộc vào quá trình đàm phán với nhà đầu tư tiềm năng.

Về việc lựa chọn cổ đông chiến lược, theo Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Vietnam Airlines, cho dù định hướng là lựa chọn các tập đoàn/hãng hàng không, hoặc nhà đầu tư tài chính với số lượng không quá 3 cổ đông chiến lược, nhưng ưu tiên của Hãng là chỉ lựa chọn một tập đoàn, hoặc một hãng hàng không lớn trên thế giới, nhằm tận dụng kỹ năng quản trị doanh nghiệp và liên kết thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng - Trưởng ban Tài chính - Kế toán Vietnam Airlines cho biết, giá khởi điểm lên tới hơn 2 chấm mà doanh nghiệp này đề xuất đã được tính toán kỹ bởi Morgan Stanley & Citigroup trên cơ sở giá trị thực tế, cung cầu của thị trường tài chính, cũng như tiềm năng phát triển của Hãng.

Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2013, giá trị thực tế theo sổ sách của Vietnam Airlines (sau khi thực hiện xử lý tài chính theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước) là 57.156,5 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 10.576,3 tỷ đồng.

Liên quan đội tàu bay của Hãng bao gồm tàu bay sở hữu và thuê tài chính với các máy bay Boeing 777 - 200ER, Airbus 321- 200, ATR72, Fokker70, Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính đánh giá, khối tài sản này của Vietnam Airlines có giá trị khoảng 53.000 tỷ đồng (nguyên giá) và 37.600 tỷ đồng (giá trị còn lại) tại thời điểm 31/3/2013.

Ngoài đội tàu bay, Vietnam Airlines còn sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ bay, cơ sở dịch vụ mặt đất hoàn chỉnh nằm trên phần diện tích 301.902 m2, trong đó 90% nằm tại Hà Nội và TP.HCM.

“Đây là giá cơ sở để Vietnam Airlines chào với các cổ đông chiến lược và bán đấu giá cho công chúng”, ông Hiền tiết lộ.

Cần phải nói thêm rằng, bất chấp việc thị trường hàng không thế giới chưa thoát khỏi suy thoái kéo dài, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam báo lãi trong năm tài chính 2013. Cụ thể, doanh thu và thu nhập khác của Hãng trong năm 2013 đạt 54.017 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 157 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu đạt 1,7%.

Vẫn giữ vị thế chi phối

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hiện Hãng đã nhận hơn một lời “dạm ngõ” trở thành cổ đông chiến lược của các hãng hàng không, tổ chức tài chính trong nước. Đây là những người chắc chắn không chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh trước đó, mà còn chờ đón cơ hội đầu tư trong tương lai, bao gồm cả lợi tức kỳ vọng và việc trở thành đối tác thị trường của Vietnam Airlines.

“Các đối tác chiến lược tiềm năng sẽ soi rất kỹ kế hoạch phát triển trong vòng 5 năm của Vietnam Airlines kể từ khi cổ phần hóa”, ông Hiền cho biết.

Được biết, bức tranh kinh doanh của Vietnam Airlines thời hậu cổ phần hóa cũng được Hãng dự báo rất sáng sủa.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) của Hãng năm 2014 là 0,57% sẽ tăng dần lên 1,96% vào năm 2015 và đạt 4,81% trong hai năm tiếp đó. Cũng thời gian này, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của Hãng lần lượt là 0,52%; 1,62% và 4,54%.

“Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ năm 2016 ước đạt 14,42-18,97%, nên Vietnam Airlines có khả năng trả cổ tức ở mức hấp dẫn cho cổ đông”, ông Thanh khẳng định.

Được biết, đích đến của chương trình tái cơ cấu là xây dựng Vietnam Airlines thành tập đoàn vận tải hàng không mạnh trong khu vực, gồm các doanh nghiệp nòng cốt trong các lĩnh vực: vận tải hàng không, công nghiệp hàng không, cung ứng dịch vụ đồng bộ… Để đạt mục tiêu đó, Vietnam Airlines sẽ phải triển khai đồng thời 4 trụ cột trong chương trình tái cơ cấu. Đó là: tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; chiến lược, kế hoạch kinh doanh và sản phẩm; tổ chức lao động; đầu tư, tài chính, quản trị doanh nghiệp.

“Năm 2015 sẽ là năm thay đổi về chất đối với Tổng công ty để dần chuyển cơ cấu hành khách theo hướng tăng tỷ trọng khách thương gia, công vụ, khách có thu nhập cao để tăng doanh thu trung bình”, đại diện Vietnam Airlines tiết lộ.

Ngoài việc triển khai chương trình nâng cấp 4 sao trên toàn hệ thống, đây cũng là thời điểm Hãng chính thức đón các dòng máy bay thân rộng công nghệ hiện đại (4 máy bay A350 và 5 máy bay B787), giúp tăng hiệu quả khai thác.

Bên cạnh cổ tức, sức hấp dẫn của cổ phiếu Vietnam Airlines còn nằm ở vị thế chi phối thị trường hàng không Việt Nam được hình thành tự nhiên qua nhiều năm và rất khó bị phá vỡ.

Nhận định trên là có cơ sở, bởi tính đến cuối năm 2013, Vietnam Airlines đang nắm hơn 50% thị phần vận chuyển hành khách, trong đó thị phần vận chuyển khách nội địa vào khoảng 61,4%.

“Bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt của VietjetAir, thế lưỡng cực tại thị trường khách nội địa chưa thể hình thành trong một vài năm tới đây, do Vietnam Airlines, ngoài việc là cổ đông lớn tại hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific, còn có lợi thế rất lớn từ việc sở hữu các dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh với nhiều lĩnh vực đang cho lợi nhuận cao”, một chuyên gia nhận xét.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư